Công bố hai giải thưởng của Tháp Nghinh Phong ở Phú Yên

Sáng 22/12, UBND TP Tuy Hòa (Phú Yên) chính thức công bố hai giải thưởng liên quan đến công trình Tháp Nghinh Phong, một biểu tượng mới về văn hóa, kinh tế du lịch ở địa phương này và cũng là điểm đến hấp dẫn du khách trên bản đồ du lịch Nam Trung bộ.

Theo ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, Tháp Nghinh Phong sẽ được Ban Tổ chức World Travel Awards trao giải thưởng World's Leading City Monuments 2023 (Công trình du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2023) vào tối 1/12 tại Dubai – Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). World Travel Awards là tổ chức bình chọn về du lịch thế giới có uy tín, đã hoạt động 30 năm qua.

Tháp Nghinh Phong nằm bên bờ biển.

Trước đó vào ngày 17/11 tại Busan- Hàn Quốc, Ban Tổ chức giải thưởng cảnh quan đô thị châu Á xuất sắc năm 2023 cũng đã trao cho quảng trường Nghinh Phong là công trình duy nhất ở Đông Nam Á đạt giải thưởng cảnh quan đô thị châu Á năm 2023.

Tháp Nghinh Phong từ trên cao nhìn ra phía biển.

Tháp Nghinh Phong xây dựng tại Quảng trường Nghinh Phong bên bờ biển ở ngã ba Nguyễn Hữu Thọ – Độc Lập, phường 9, TP Tuy Hòa. Công trình được tổng hòa ý tưởng từ “Trăm trứng” trong huyền sử Âu Cơ – Lạc Long Quân và vẻ đẹp thiên nhiên của Gành Đá Đĩa, một di tích danh thắng quốc gia đặc biệt ở Phú Yên, nằm cách Tháp Nghinh Phong về phía Bắc hơn 30km.

Tháp Nghinh Phong từ biển nhìn về phía phố Tuy Hòa.

Tháp Nghinh Phong có hai phần đối xứng với hai trụ đá hình khối cao nhất 35m và 30m, tượng trưng cho cha và mẹ, âm và dương, núi và biển. Bên dưới là 100 trụ đá cũng được phân chia mỗi bên 50 trụ, tượng trưng cho 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển, 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi. Tất cả đều được thiết kế xây lắp theo kiến trúc nghệ thuật hình khối kết nối nhau với tỷ lệ hài hòa không gian cảnh quan.

Phân định giữa hai phần của tháp là khe đón gió với nghĩa nghinh phong, rộng 2m, dài 15m, tạo nên lối đi từ mặt trước sân tháp ra phía mặt sau. Khe đón gió này mang lại hiệu ứng thính giác lạ lẫm và độc đáo bởi nhiều luồng gió lùa qua, tạo nên những âm thanh khác biệt của biển khiến cho du khách cảm nhận được hơi thở của đại dương.

Trên hai vách đá ở khe gió là những bức phù điêu chạm khắc rất công phu và đậm chất nghệ thuật. Từ chân tháp mở ra là Quảng trường Nghinh Phong hình bán nguyệt có diện tích 7.190m2, được lát đá granite. Khi đêm xuống, Tháp Nghinh Phong được chiếu sáng bằng công nghệ Bobine Tesia, 3D mapping và laser cường độ cao.

Hữu Toàn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giai-tri-van-hoa/cong-bo-hai-giai-thuong-cua-thap-nghinh-phong-o-phu-yen-i717980/