Công bố dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát tại Lai Châu

Sáng 26-9, tại tỉnh Lai Châu, Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức Hội nghị công bố dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại tỉnh Lai Châu.

Đoàn công tác số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng công bố dự thảo báo cáo tại Lai Châu.

Theo đó, từ ngày 2 đến 12-8-2017, Đoàn công tác đã trực tiếp làm việc với 10 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Lai Châu, bao gồm tám cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và hai cơ quan, đơn vị cấp huyện về công tác này. Theo dự thảo báo cáo, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án, thu hồi tài sản tham nhũng đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu quan tâm.

Hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội được chú trọng. Quá trình kiểm tra, giám sát đã chỉ ra được hạn chế, tồn tại để kiến nghị khắc phục. Qua tự kiểm tra, tỉnh Lai Châu chưa phát hiện vụ việc sai phạm lớn về kinh tế hoặc có dấu hiệu tham nhũng.

Cũng theo dự thảo, thời gian qua, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành Trung ương đã thực hiện năm cuộc thanh tra kinh tế - xã hội trên địa bàn. Qua thanh tra, kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách gần 5 tỷ đồng; đã tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm 16 tập thể, 40 cá nhân. Kiểm toán nhà nước thực hiện bốn cuộc kiểm toán trên địa bàn, kiến nghị giảm dự toán, giảm chi, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách hơn 85 tỷ đồng.

Ngành Thanh tra tỉnh đã xây dựng, thực hiện tốt kế hoạch thanh tra hằng năm, tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng. Trong kỳ vừa qua, UBND các cấp và ngành Thanh tra đã thực hiện 977 cuộc, kiến nghị thu hồi hơn 68 tỷ đồng và gần 13.000 m2 đất; thực hiện kiểm điểm 308 tập thể; xử lý kỷ luật Đảng 11 cá nhân.

Cơ quan điều tra hai cấp đã trực tiếp phát hiện 16 vụ, tiếp nhận 27 tin báo tố giác tội phạm về tham nhũng, kinh tế; đã xác minh, giải quyết tin báo đạt tỷ lệ 100%; nhìn chung, hoạt động điều tra vụ án bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Đối với công tác kiểm sát, việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử được tiến hành khá chặt chẽ, không có vụ nào phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trong hoạt động xét xử, Tòa án nhân dân hai cấp có nhiều cố gắng, chủ động phối hợp các cơ quan tiến hành tố tụng, đưa ra xét xử nhanh chóng kịp thời...

Bên cạnh đó, dự thảo báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế của tỉnh Lai Châu, đặc biệt là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cụ thể, việc triển khai, xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương có việc chưa cụ thể, chưa xác định thật đầy đủ nội dung công việc; sự lãnh đạo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng đối với công tác tự kiểm tra, giám sát để phát hiện tiêu cực, tham nhũng có lúc còn hạn chế.

Trong công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế: Trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa được phát huy tốt; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của nhiều cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Nội dung chương trình, kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh và một số địa phương có năm còn dàn đều, chưa tập trung vào những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, chất lượng một số cuộc thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong hoạt động điều tra, đoàn công tác nhận thấy có một số hạn chế, thiếu sót; chất lượng điều tra, xử lý một số vụ án còn hạn chế. Công tác của Ban Nội chính Tỉnh ủy có lúc, có việc còn lúng túng, chưa kịp thời hướng dẫn các cơ quan tiến hành tố tụng về cách thức xin ý kiến cũng như tham mưu...

Từ những hạn chế nêu trên cũng như những ý kiến đóng góp của đại biểu tại hội nghị, Đoàn công tác đã kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu cần tăng cường hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật cấp tỉnh; sớm ban hành quy định về sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng. Chỉ đạo Đảng ủy Công an tỉnh, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm những hạn chế, yếu kém đối với một số vụ án đã nêu; thông qua công tác điều tra, truy tố xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng cần chú trọng hơn nữa trong phát hiện, kiến nghị với cơ quan nhà nước để khắc phục sơ hở, thiếu sót.

Tỉnh Lai Châu sớm xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện kiến nghị của Đoàn công tác để sáu tháng sau khi ban hành kế hoạch, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

TRẦN TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34206902-cong-bo-du-thao-bao-cao-ket-qua-kiem-tra-giam-sat-tai-lai-chau.html