Công bố chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh

Sáng 25/8, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo công bố chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Buổi công bố do Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam tổ chức cùng với sự phối hợp của Sở Thông tin – Truyền thông và UBND huyện Nam Trà My.

Trước đó vào ngày 16/8, Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng kí CDĐL số 00049 đối với sản phẩm sâm củ Ngọc Linh của 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Theo đó, Sở KH&CN Quảng Nam, Sở KH&CN tỉnh Kon Tum là hai đơn vị được giao quyền tổ chức quản lí CDĐL.

Họp báo công bố chỉ dẫn địa lí sâm Ngọc Linh - Ảnh: Tam Liên

Khu vực được bảo hộ CDĐL gồm hai xã Măng Ri, Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) và xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Khu vực địa lí này thuộc khối núi Ngọc Linh ở độ cao 1.800m-2.000m nằm trên địa bàn của 2 tỉnh. Ngoài ra, giấy chứng nhận đăng kí CDĐL cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh còn thể hiện rõ tính chất đặc thù về thảm thực vật rừng nguyên sinh, về thổ nhưỡng, chất lượng sản phẩm. CDĐL góp phần bảo hộ thương hiệu, nguồn gốc, xuất xứ, tạo điều kiện đưa sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng của Việt Nam.

Củ sâm Ngọc Linh - Ảnh: Tam Liên

Theo tài liệu cung cấp tại buổi họp báo, Sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, có tên khoa học là Panax vietnamensis Haet Grushv, thuộc họ nhân sâm (Araliaceae). Ngoài ra, nó còn có một số tên gọi khác là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con hay cây thuốc dấu của đồng bào dân tộc sống xung quanh chân núi Ngọc Linh.

Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất thế giới hiện nay, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ. Sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư,...Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường…

Cây sâm Ngọc Linh trồng ở huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) - Ảnh: Tam Liên

Riêng tại tỉnh Quảng Nam, tổng diện tích trồng sâm và bảo tồn hiện nay hơn 65ha. UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 395 về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2030.

Tổng diện tích quy hoạch 15.568 ha tại các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Dơn, Trà Tập, Trà Leng, Trà Don. Trong đó diện tích vùng đệm 6.712ha, diện tích vùng lõi 8.856ha; quy hoạch bảo tồn 2.238ha tại các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Dơn; quy hoạch phát triển 10.256ha tại các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Dơn, Trà Tập, Trà Leng, Trà Don; diện tích trồng và bảo tồn từ 2016 - 2020 đạt 665ha.

Ông Lê Văn Thanh (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Việc công bố chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh là tài sản thương mại có giá trị, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quốc gia. Do đó việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát tốt đối với tài sản này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, lâu dài và bền vững”.

Tam Liên

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/cong-bo-chi-dan-dia-ly-sam-ngoc-linh-c7a440329.html