Công bố bức ảnh chấn động trên sao Hỏa: Bí mật được hé lộ

Tàu thăm dò Curiosity của NASA mới chụp ảnh thành công toàn cảnh Gediz Vallis Ridge sau 3 lần thất bại trong 3 năm qua. Gediz Vallis Ridge là một hệ tầng địa chất quan trọng trên sao Hỏa.

Vào ngày 19/8/2023, Mastcam của tàu thăm dò Curiosity đã chụp 136 bức ảnh riêng lẻ để ghép lại với nhau thành bức ảnh toàn cảnh 360 độ khi đậu bên dưới Gediz Vallis Ridge ở trên sao Hỏa.

Bức ảnh này đánh dấu tàu thăm dò Curiosity của NASA di chuyển thành công đến Gediz Vallis Ridge - một hệ tầng địa chất quan trọng trên sao Hỏa. Nơi đây được cho là chứa manh mối giúp giải mã quá khứ của hành tinh đỏ.

Tàu Curiosity đã đến được Gediz Vallis Ridge sau 3 lần thất bại trong 3 năm qua. Theo NASA, Curiosity cuối cùng đã đến được sườn núi trong lần thứ 4 vào ngày 14/8/2023 (tức ngày 3.923 trong sứ mệnh khám phá sao Hỏa). Sau khi nhận được các bức ảnh từ tàu Curiosity gửi về Trái Đất, các chuyên gia NASA đã điều chỉnh màu sắc các bức ảnh để phù hợp với điều kiện ánh sáng mà mắt người có thể nhìn thấy được.

Gediz Vallis Ridge là một trong những đặc điểm cuối cùng hình thành trên núi Sharp - gò trầm tích khổng lồ cao khoảng 5.500m. Tàu Curiosity đã leo lên ngọn núi này kể từ năm 2014. Theo các nghiên cứu, núi Sharp khoảng 3,6 tỉ năm tuổi. Khi ấy, sao Hỏa ở thời kỳ Hesperian, chuyển từ trạng thái ẩm ướt sang khô hạn.

Để đến được sườn núi không hề dễ dàng. Các nỗ lực trước đó của tàu Curiosity thất bại chưa thể vượt qua những tảng đá "lưng cá sấu" sắc như dao và những con dốc siêu dốc.

Sau 11 ngày trên sườn núi, tàu Curiosity di chuyển đến vị trí cao hơn và tiếp cận Gediz Vallis Ridge - nơi nước chảy qua khoảng 3 tỷ năm trước trên sao Hỏa, mang theo đá và mảnh vụn chất đống tạo thành sườn núi.

Kỷ lục mới của tàu Curiosity hứa hẹn giúp các chuyên gia tại NASA giải mã những bí ẩn về quá khứ của sao Hỏa như cách hành tinh này được hình thành, phát triển cũng như nghiên cứu các đặc điểm địa chất của hành tinh đỏ.

Tàu thám hiểm sao Hỏa Curiosity đã hạ cánh xuống miệng núi lửa Gale trên hành tinh đỏ vào tháng 8/2012. Theo NASA, miệng núi lửa dài 154,5 km có lẽ được hình thành từ vụ va chạm thiên thạch trong khoảng từ 3,5 - 3,8 tỉ năm trước. Curiosity tiến hành khoan thu thập các mẫu trầm tích ở miệng núi lửa Gale trong khoảng thời gian từ tháng 8/2012 - 7/2021. Sau đó, nó đã nung 24 mẫu ở khoảng 850 độ C để tách các nguyên tố.

Những nghiên cứu về nước trên sao Hỏa thời gian qua chỉ ra hành tinh đỏ khô cạn hoàn toàn vào khoảng 3 tỉ năm trước. Việc tàu Curiosity tới khu vực núi Sharp và khoan vào các lớp đá ở đây có thể làm sáng tỏ các đụn cát trong thời kỳ khô hạn ở hành tinh đỏ được hình thành từ muối hay hạt silicat.

Nhờ đó, giới nghiên cứu có thể làm sáng tỏ khí hậu trên sao Hỏa đã trải qua một số biến động quy mô lớn giữa các đợt khô hạn và thời gian tươi tốt với các con sông và hồ nước trước khi khô cằn hoàn toàn như thế nào.

Mời độc giả xem video: "Rợn tóc gáy" khi xem những hình ảnh kinh dị chụp trên sao Hỏa.

Tâm Anh (theo Scitechdaily)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/cong-bo-buc-anh-chan-dong-tren-sao-hoa-bi-mat-duoc-he-lo-1902124.html