Công an huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) giữ gìn bình yên thôn xóm

Góp phần giữ vững thêm ANTT ở huyện Thiệu Hóa, công an huyện còn thiết lập đường dây nóng thông tin tội phạm. Số điện thoại của lãnh đạo Công an huyện đều thông báo ở nhà văn hóa xã, văn hóa thôn. Nếu có vụ việc liên quan đến ANTT là người dân gọi ngay cho lãnh đạo Công an huyện, mọi việc được giải quyết nhanh chóng kịp thời.

Một chiều nắng vàng, chúng tôi trở về vùng ngã ba sông Mã - sông Chu (Thanh Hóa), con đường phía Tây thành phố chạy dài tít tắp giữa cánh đồng lúa xanh rì đang thời con gái. Một cán bộ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Thiệu Hóa là nơi giáp ranh với TP Thanh Hóa nên tội phạm sau khi "làm ăn" thường "dạt" về đây ẩn náu. Là nơi có QL45 xuyên qua, nối liền thành phố với miền núi và lên giáp biên giới Việt - Lào. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nên ngoài những lúc thời vụ có rất nhiều thời gian nhàn rỗi. Vì thế, ở Thiệu Hóa, người dân kéo nhau đi làm ăn tứ xứ chiếm 50% lao động, có xã đi tới 2/3 số thanh niên trai tráng. Họ làm đủ nghề để kiếm sống và làm giàu, từ nghề đồng nát, thu mua phế liệu, thợ xây dựng… Và chính quyền địa phương cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi như cấp giấy chứng nhận để người dân đi làm ăn xa. Nơi họ tới nhiều nhất là các tỉnh phía Nam và tập trung vào nghề thu gom rác thải. Nhờ vậy mà kinh tế từng gia đình ở Thiệu Hóa mỗi ngày một khấm khá hơn. Không ít người đã xây nhà cao cửa rộng, sắm sửa tiện nghi, có tiền nuôi con ăn học thành người… Đại đa số họ là những người tốt, là trụ cột gia đình. Nhưng, không phải là không có những nỗi buồn, lo. Thượng tá Lê Ngọc Đức, Trưởng Công an huyện Thiệu Hóa trầm ngâm: "Kinh tế có khá lên nhưng nỗi lo thì cũng không phải ít, thậm chí tình hình ANTT còn trở nên phức tạp khi có cả những cái xấu cũng theo về. Một số người đã du nhập lối sống không lành mạnh, mang về quê những tệ nạn xã hội, nghiện hút. 90% số người nghiện ở Thiệu Hóa là do đi làm ăn xa trở về. Nghiệt ngã lắm, kinh tế của những gia đình này từ chỗ khá giả dần khánh kiệt, tài sản mang về cũng "đội nón" ra đi bay theo khói thuốc. Nhiều người mẹ, người vợ đã phải kêu trời vì người thân mắc nghiện. Trước những khó khăn này, lực lượng Công an đã trăn trở và áp dụng nhiều biện pháp, mô hình hay trong giữ gìn ANTT. Trong đó, chúng tôi được nghe về mô hình "khu dân cư an toàn" về ANTT đã thu được hiệu quả cao từ phong trào này”. Thị trấn Vạn Hà và xã Thiệu Đô được chọn làm điểm. Tới xã Thiệu Đô, đồng chí Trưởng Công an xã cho chúng tôi biết, ở mỗi thôn trong xã đã hình thành các ban bảo vệ ở thôn gồm 1 Công an viên và 2 người do dân bầu (2 người này được hưởng 1/2 lương của Công an viên). Hình thành các tổ an ninh xã hội ở khu dân cư gồm 15 hộ liền kề tối lửa tắt đèn có nhau, họ có thể chia sẻ buồn vui và những khó khăn trong cuộc sống của mỗi gia đình. Cuộc vận động từng người, từng nhà, từng cơ quan, doanh nghiệp đăng ký làm nhiều việc tốt về ANNT, có việc gì nổi cộm là cùng nhau giải quyết ngay tại cụm dân cư. Trưởng Công an xã Thiệu Đô rất phấn khởi: "Từ khi có mô hình này, những người láng giềng gần gũi quan tâm giúp đỡ nhau nhiều hơn. Nếu có vụ việc phức tạp thì sớm giải quyết bằng tình nghĩa láng giềng, không để nảy sinh thành vấn đề lớn". Từ kết quả thu được ở xã Thiệu Đô, Công an huyện Thiệu Hóa đã nhân rộng trên nhiều địa bàn trong huyện. Từ đây, sẽ là cơ sở để Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo triển khai áp dụng trong toàn tỉnh. Thiệu Hóa được đánh giá là nơi có nhiều phong trào hay. Thượng tá Lê Ngọc Đức tâm đắc và đơn cử: Trong thi cử, những năm trước đây, mỗi kỳ thi là Công an rất vất vả, nhiều người dân ùa cả vào khu vực thi, ném bài gây mất trật tự trường thi, nhiều trẻ chăn trâu được thuê cũng làm theo nên gây nhiều bức xúc. Đây là vấn đề của cả huyện với biết bao trăn trở, phải tìm cách tháo gỡ. Đã 5 năm rồi chuyện thi cử ở huyện Thiệu Hóa không còn bức xúc nữa. Chúng tôi đã tổ chức bằng cách, bố trí dân quân và Công an xã ở vòng ngoài với cự ly bán kính là 50m, Công an huyện làm nhiệm vụ ở vòng trong. Cứ như thế việc tổ chức giữ gìn ANTT trong thi cử rất nghiêm ngặt và hiệu quả. Hoặc chuyện quản lý xe khách cũng đã được đưa vào quy củ. Mọi khi các "bác tài" cứ đưa xe đến tận nhà đón khách. Bây giờ chuyện ấy được giao cho Công an xã quản lý. Trước khi xuất bến thì Công an xã phải ký lệnh. Vì thế, xe nào đi tuyến nào có vi phạm hay không hỏi Công an xã sẽ rõ... "Ở Thiệu Hóa còn thiết lập đường dây nóng thông tin tội phạm", Thượng tá Đức giới thiệu. Số điện thoại của lãnh đạo Công an huyện đều thông báo ở nhà văn hóa xã, văn hóa thôn. Nếu có vụ việc liên quan đến ANTT là người dân gọi ngay cho lãnh đạo Công an huyện, mọi việc được giải quyết nhanh chóng kịp thời. Khác với trước đây, phải đợi thông tin từ thôn lên xã, xã lên huyện, huyện lên tỉnh, lâu lắm. Từ đường dây này, thông tin đến kịp thời bất kể giờ nào. Nhờ nhanh nhạy như vậy, nên có vụ đánh bạc, vụ cướp xảy ra, Công an đã có mặt tại hiện trường vụ án sau 5 phút nhận được thông tin… Nhờ những mô hình tiêu biểu trong giữ gìn ANTT đã khiến Thiệu Hóa luôn là địa bàn bình yên, không để xảy ra đột biến, bất ngờ. Gần chục năm qua, Công an huyện Thiệu Hóa liên tục là Đơn vị Quyết thắng, từng được Bộ Công an tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc. Công an Thanh Hóa đang nhân rộng những mô hình hiệu quả ở nơi này sang nhiều địa bàn khác

Nguồn CAND: http://ca.cand.com.vn/vi-vn/binhyencuocsong/ghichep/2009/8/150079.cand