Công an chỉ gạt tay trúng má phóng viên, không đánh người

Kết luận cuối cùng về vụ xô xát giữa công an huyện Đông Anh và phóng viên báo Tuổi trẻ đã rõ, công an chỉ gạt tay trúng má phóng viên.

Hành động “gạt tay trúng má” phóng viên khi hai bên xảy ra xô xát ngày 23.9 trên cầu Nhật Tân. Ảnh tư liệu.

Chiều qua, 29.9, Công an TP Hà Nội đã thông tin rõ ràng và chi tiết về vụ việc xô xát giữa lực lượng công an huyện Đông Anh và PV Trần Quang Thế báo Tuổi trẻ vào ngày 23.9 vừa qua. Đại tá Nguyễn Duy Ngọc – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, Thủ tưởng Cơ quan CSĐT cho biết:

“Qua điều tra đã có thể kết luận chính xác, khách quan đối với sự việc xảy ra xô xát giữa hai bên là có.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, đồng chí Hưng và Thuyên là cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh đã có yêu cầu PV xuất trình thẻ nhà báo, giấy giới thiệu. Trong quá trình yêu cầu, giữa hai bên đã xảy ra xô xát. Đồng chí Hưng có dùng tay gạt nhà báo Quang Thế trúng vào má và có hành vi giơ chân đá, mặc dù không trúng. Đồng chí Thuyên đưa tay gạt vào một máy quay”.

Đại tá Ngọc cho biết, Ban Chỉ huy Công an huyện Đông Anh và Phòng Tổ chức cán bộ căn cứ vào các quy định cụ thể tổ chức kiểm điểm. Đến nay đã xử lý kỷ luật hình thức khiển trách đồng chí Hưng, còn đồng chí Thuyên chưa có hành động cụ thể gây ra các tác hại cụ thể đã yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Như vậy là đã rõ, chuyện xô xát giữa hai bên là có, nhưng theo thông tin của công an Hà Nội cung cấp thì không có chuyện công an hành hung phóng viên như dư luận đã xôn xao. Chỉ là đồng chí công an tên Hưng “gạt tay trúng vào má” của phóng viên Thế.

Có lẽ “gạt tay trúng má” là một định nghĩa khác về hành động mà chúng ta thường gọi nôm na là “tát”. Nhưng rõ ràng nếu nghe đại diện Công an Hà Nội mô tả “gạt tay trúng má” thì cảm giác cũng thấy… nhẹ nhàng, thư thái hơn. Đó chẳng phải là tác dụng của uyển ngữ hay sao.

Có lẽ từ giờ, chúng ta cũng nên học tập cách sử dụng ngôn ngữ trong trường hợp này để áp dụng cho mọi trường hợp, chắc cuộc sống sẽ bớt đi bạo lực nhiều lắm. Chẳng hạn hồi năm 2011, một nữ sinh lớp 12 ở TP Hồ Chí Minh đã bị xử 9 tháng tù vì tội tát CSGT, giá như lúc ấy, khái niệm “gạt tay trúng má” được đưa ra thì có lẽ nữ sinh này đã không bị xử tù giam. Tiếc là định nghĩa này ra đời chậm quá.

Bạo lực gia đình có lẽ rồi cũng sẽ giảm đi, bởi giả sử vợ chồng có xô xát với nhau, bên nọ tát bên kia 1 cái, bảo là tát thì nghe ghê gớm, nhưng nói là “gạt tay trúng má” nhau, có lẽ hai bên sẽ thấy chuyện chẳng có gì to tát, lại làm hòa ngay được. Thế giới lại tiếp tục hòa bình.

Lại nhớ đến những vụ tai nạn trước đây, kiểu như “cảnh sát giơ gậy lên trúng vào mặt người tham gia giao thông”, “công an xã mặc áo mưa, giơ dùi cui trong áo mưa nhưng chẳng may trúng vào em học sinh”... Toàn là vô tình, do không may, xui rủi cả thôi.

Nói chung, theo như cách giải thích của phía công an Hà Nội, chuyện xô xát giữa công an huyện Đông Anh với PV báo Tuổi trẻ là hoàn toàn không có gì to tát như dư luận vẫn tưởng. Cú “gạt tay trúng má” đó đã xử lý bằng hình thức khiển trách là hợp lý rồi.

Có lẽ đây là một hình thức xử lý rất đúng quy trình, không có gì phải bàn cãi thêm.

Mi An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/cong-an-chi-gat-tay-trung-ma-phong-vien-khong-danh-nguoi-3319793/