Con tôm đang chờ thời cơ

Mục tiêu xuất khẩu tôm đã được Thủ tướng Chính phủ giao 10 tỉ USD trong năm 2017 nhiều khả năng đạt được. Thách thức biến đổi khí hậu tại ĐBSCL là cơ hội để con tôm phát triển vươn xa hơn con số này, nếu được quy hoạch từ vùng nuôi đến thị trường xuất khẩu.

Thu hoạch tôm nuôi siêu thâm canh tại Bạc Liêu. Ảnh: P.V

Cơ hội để phát triển

Ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú - một trong những tập đoàn xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam nhận định: “Con tôm tại ĐBSCL chắc chắn sẽ phát triển mạnh bởi các điều kiện thiên nhiên ưu đãi. Đó là hàng chục nghìn hécta tôm rừng, hàng trăm nghìn hécta tôm sinh thái nếu quy trình nuôi chặt chẽ sẽ nâng năng suất lên cao hơn 20% so với hiện nay”.

Đối với thị trường xuất khẩu, ông Quang cho rằng Việt Nam đã là nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới nhiều năm nay. Vấn đề là tuân thủ những quy định của thị trường các nước. Nghĩa là nuôi đúng quy trình, chọn thức ăn đúng quy trình, thu hoạch đúng quy trình và đóng gói mẫu mã và chào bán đúng quy trình… thì giá trị mang lại của con tôm sẽ tăng cao.

Tại Hội nghị Sơ kết nuôi tôm nước lợ các tỉnh phía Nam gần đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Văn Tám cho rằng, ĐBSCL đứng trước nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhưng đây là cơ hội để con tôm phát triển. Thứ trưởng Nguyễn Văn Tám nhấn mạnh: “Bộ NNPTNT đã trình Chính phủ quy hoạch lại vùng ĐBSCL theo hướng giảm dần đất lúa, chuyển đổi sang các cây trồng khác trước điều kiện BĐKH. Đối với vùng thường xuyên ngập mặn và có nguy cơ ngập mặn, sẽ chuyển sang mô hình nuôi tôm kết hợp trồng lúa như mô hình lúa - tôm tại Bạc Liêu, Cà Mau”.

Còn đó những thách thức

Ông Lương Ngọc Lân - Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu - nêu thực tế: “Bạc Liêu được giao điều phối hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp, nhưng các huyện Phước Long, Hồng Dân đã định hình mô hình tôm - lúa, trong năm cần đến 6 tháng, trong khi huyện Ngã Năm, Sóc Trăng lại chọn cây lúa. Chính vì vậy điều tiết nước để người dân nuôi tôm sẽ xảy ra xung đột với người trồng lúa. Nguyên nhân do hệ thống thủy lợi phục vụ cho việc nuôi tôm chưa hoàn chỉnh dù ngành tôm đã phát triển trên 20 năm nay”.

Đồng quan điểm này, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho rằng: “Cần có hệ thống thủy lợi phục vụ riêng cho con tôm, chính quyền mới kiểm soát được nguồn nước, kiểm soát quy hoạch”. Thực tế tại Cà Mau, những vùng “tranh tối tranh sáng” giữa con tôm và cây lúa, người dân vùng lúa “mê” tôm đã lén lút khoan giếng nước ngầm để sinh hoạt, nuôi tôm. Ngay cả vùng đất lúa của Cà Mau, nước sinh hoạt cũng được khoan xuống lòng đất. Một khảo sát của các nhà chuyên môn cho thấy tỉnh này có đến 100.000 giếng nước, khai thác mỗi ngày hơn 370.000m3.

Người nuôi tôm ĐBSCL rất kỳ vọng tại cuộc họp vào ngày 26 và 27.9 tới, Chính phủ sẽ có những quyết sách lâu dài để con tôm ĐBSCL phát triển.

NHẬT HỒ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/con-tom-dang-cho-thoi-co-566643.ldo