Cơn thịnh nộ trong phòng thay đồ của Alex Ferguson

'Không khí trong phòng thay đổi sau trận thật điên rồ, chúng tôi tranh cãi và la hét ầm ĩ. Tôi cũng chưa bao giờ thấy sếp tức giận đến như vậy', Michael Carrick nhớ lại.

Khoảng một tháng sau khi tôi tới, chúng tôi đối đầu với Arsenal ở Old Trafford. Trận đó tôi phải ngồi dự bị vì sếp cho rằng tôi chưa sẵn sàng. Nhưng từ sau đó, tôi hiếm khi bỏ lỡ một trận đấu nào, nhất là những trận đấu lớn.

“Đảm bảo là phải ập vào ngay lập tức, thể hiện quyết liệt, để ý những pha phối hợp 1-2, và luôn bám theo cầu thủ di chuyển” là những dặn dò của sếp trước trận. Tôi nhận ra trước những trận đấu lớn như thế, đặc biệt là trước những đội thích chơi ở bóng kiểu tinh tế như Arsenal, Sir Alex luôn chuẩn bị sẵn một bài nói chuyện riêng.

“Hôm nay, các chàng trai, chúng ta sẽ chơi trò thi chạy, ông nói. “Hãy chạy nhiều hơn họ, chạy nhanh hơn họ, và đánh bại họ. Họ không thích thế đâu. Hãy chạy lên phía trước! Chuyền lên phía trước!”.

Chính thế, trọng tâm của bài nói chuyện không phải là chiến thuật, mà là trái tim và ý chí. “Hôm nay ta chỉ nói về sự quyết liệt mà thôi”, Sir Alex sẽ kết luận. Chúng tôi sẽ lao ra sân và lập tức vây ép họ, sẽ chạy, sẽ chơi quyết liệt, tắc bóng, đưa bóng lên, chạy lên và bọc lót cho nhau.

Hôm đó, trò thi chạy đã không phát huy hiệu quả trước Arsenal, nhưng thường thì nó có hiệu quả. Khi sếp nói rằng “hôm nay sẽ là trò thi chạy”, tôi thường tự nhủ rằng: Hôm nay đội mình sẽ thắng. Đấy sẽ là một trận đấu khốc liệt về mặt thể chất, nhưng mình sẽ đánh bại họ bằng cách chạy nhiều và nhanh hơn họ. […]

Biểu cảm của Alex Ferguson trên băng ghế huấn luyện của MU trong một trận đấu. Nguồn: skysports.

Chúng tôi dẫn trước 2-0 sau hiệp một, với bàn thứ hai được Rooney ghi sau một đường chuyền của tôi. Lẽ ra chúng tôi phải dẫn bốn hay năm bàn, sau khi đã trình diễn một thứ bóng đá không thể tin nổi.

Khi rời sân, tôi nghe Rio và Giggsy nói với nhau: “Thế quái nào? Hôm nay đá hay thế nhỉ?!”. Thú thật là hôm đó đội đã chơi quá hay - chuyền bóng, di chuyển, thời gian, tốc độ, sự quyết liệt - tất cả đều hoàn hảo. Rio, Giggsy và tôi chỉ biết tặc lưỡi, chủ yếu vì ngạc nhiên.

Nhưng trong phòng thay đồ, sếp đón chúng tôi bằng một cơn cuồng nộ: “Các anh định không đá nữa à? Các anh làm gì trong 5 phút cuối vậy? Thật đáng hổ thẹn! Tôi không chấp nhận cái kiểu đá đấm như thế đâu!”.

Tôi đứng đó, sững sờ, không dám nhìn vào mắt sếp, cố gắng nhớ lại xem chúng tôi đã làm sai cái gì, nhưng không nhớ nổi. Bolton tạo được một vài pha sóng gió - Speed với cú sút phạt khá tốt hay Abdoulaye Faye với quả đánh đầu sau một tình huống phạt góc - nhưng cũng chỉ có thế thôi.

Thực tế là Edwin không phải trổ tài cứu thua một lần nào, ấy vậy mà Sir Alex vẫn nổi điên với chúng tôi. “Wow, thật là một trời khác biệt”, tôi nghĩ. Ở West Ham hay Spurs, nếu chúng tôi mà dẫn trước 2-0 sau hiệp một, Harry Redknapp và Martin Jol sẽ vỗ tay và nói những câu kiểu như “Tuyệt vời đấy!”.

Sir Alex thì không thế. Có thắng thì ông vẫn làm căng, để chúng tôi không chủ quan, tôi nghĩ thế. Trở lại sân, chúng tôi chơi không tốt như trong hiệp một. Nhưng vẫn có thêm hai bàn thắng. Ronnie ghi bàn, Wazza hoàn thành cú hat-trick, trận đấu kết thúc với tỷ số 4-0. Bước vào phòng thay đồ, Sir Alex chỉ nói đơn giản, “Tốt lắm. Đá thế là được rồi”.

Tôi có cảm giác như mình vừa đứng trong một cơn bão chẳng biết từ đâu xuất hiện khiến tất cả chúng tôi chao đảo, rồi đùng một cái, cơn bão ấy biến mất cũng nhanh như khi nó đến. Sếp đi một vòng, chạm nhẹ mỗi người một cái vào đầu. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác của mình lúc đó. Tôi đang cúi về phía trước để tháo giày, Sir Alex đi qua, chạm nhẹ vào đầu tôi, rồi đi tiếp.

Ông không bao giờ nói nhiều sau một trận thắng, chỉ vài từ thôi. Nếu tôi chơi không tốt lắm, ông sẽ dành cho tôi một cái vỗ đầu. Nếu tôi chơi ổn, ông sẽ nói “Làm tốt lắm, con trai”. Và nếu tôi chơi tốt, thì sẽ là “Tuyệt vời”. Bạn có thể hình dung ra chỉ một từ đó thôi cũng có thể khiến cho tôi thấy tự hào đến thể nào. Scholesy thường được sếp vỗ vào má, như kiểu muốn nói: “Hay lắm, Scholesy, thật tuyệt vời".

Scholesy thường chẳng mấy chơi tệ. Nhưng cũng có lúc anh chơi tệ. Như trong một trận đấu ở Old Trafford, anh đã có một hiệp tệ hại. Lúc đó, Sir Alex chỉ thở dài và nói nhẹ nhàng “Khốn kiếp thật, Scholesy”.

Chẳng ai cười cả, vì chúng tôi biết là ông đang rất nghiêm túc. Với bất kỳ ai khác, sếp sẽ gào lên: “Cậu đang làm cái quái gì thế?” và sau đó sẽ là một màn tra khảo. Nhưng với Scholesy thì sếp chỉ nói mấy từ thế thôi. Có lẽ sếp đang bị sốc.

Nhưng chúng tôi không phải là những người duy nhất phải chịu những cơn cuồng nộ của sếp. Tôi nhớ trong trận đấu đầu tiên của chúng tôi ở Emirates, diễn ra vào tháng 1/2007, chúng tôi dẫn trước 1-0 nhưng rồi lại để thua ngược 1-2. Không khí trong phòng thay đổi sau trận thật điên rồ, chúng tôi tranh cãi và la hét ầm ĩ.

Tôi cũng chưa bao giờ thấy sếp tức giận đến như vậy. Khi ông đang “sạc” một trong các cầu thủ thì có một người đàn ông lớn tuổi đi vào. Qua cách ăn vận có thể biết được ông ta là người của bên kiểm tra doping. Hẳn là ông ta định yêu cầu ai đó trong chúng tôi tới trung tâm kiểm soát doping luôn.

Sếp gần như ngắt đầu ông ta: “Biến ngay khỏi phòng thay đồ của tôi, ông nghĩ ông là cái thá gì mà có thể vào đây hả?”. Tôi nghĩ sếp còn định tẩn ông kia. Người đàn ông tội nghiệp đó không biết nên làm gì.

Cầu thủ mà ông dự định đưa đi kiểm tra doping thì đang ngồi đó Nhưng ông thì bị lôi ra khỏi cửa, và bên trong, sếp trở lại với màn quát mắng của mình.

Michael Carrick / TH Books - NXB Hà Nội

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-thinh-no-trong-phong-thay-do-cua-alex-ferguson-post1347874.html