Còn sức lực, còn làm tròn nhiệm vụ

Đầu Xuân Đinh Dậu-2017, trong chuyến tìm hiểu lịch sử, văn hóa tại xã Lương Phong huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, chúng tôi gặp một cựu chiến binh đã đến tuổi "cổ lai hy", vóc người nhỏ nhắn, vẻ mặt từng trải, đang cùng một số cụ quán xuyến việc hành lễ tại đền Tam Đông Vọng.

Ông là Trần Văn Lương, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hương lão Tam Đông Vọng (gồm 120 thành viên). Ông bảo: "Đã mang danh đảng viên, Bộ đội Cụ Hồ thì còn chút sức lực là còn làm tròn nhiệm vụ!". Thì ra ông từng là chiến sĩ ở Quân khu 5 thời chống Mỹ, cứu nước.

…Nơi chiến trận, suốt 3 năm (1966-1969), chiến sĩ trẻ Trần Văn Lương ở Đại đội Vận tải thuộc Trung đoàn Ba Gia (mật danh: Công trường I, lúc đó đồng chí Nguyễn Chơn là Trung đoàn trưởng). Nhiệm vụ chủ yếu là chuyển thương binh, tử sĩ. Ông Lương xúc động kể: "Lắm khi cảm thấy như mình là người có lỗi với đồng đội. Tại sao anh em cứ thay nhau hy sinh mà mình thì vẫn còn sống! Nghĩ thế, lại bất chấp hiểm nguy, đưa kỳ được đồng đội về cứ hoặc đến chỗ mai táng, kiên quyết không để sót một ai".

Ông Trần Văn Lương (bên phải) say sưa trò chuyện về một thời quân ngũ.

Năm 1970, sự can đảm và lòng trung thành của đảng viên Trần Văn Lương được chứng minh trong điều kiện, môi trường mới. Ấy là khi ông được chuyển công tác, trở thành chiến sĩ trinh sát thuộc Tiểu đoàn 32 của Quân khu 5. Làm trinh sát được vài ba năm, cấp trên phong hàm Thượng sĩ cho Trần Văn Lương và phân công ông làm trợ lý hậu cần của tiểu đoàn. Ông tiếp tục làm tròn nhiệm vụ mới này. "Chỉ tiếc là trinh sát "oai" hơn mà mình không được tiếp tục làm nữa! Hòa bình, năm 1976, tôi xuất ngũ, trong người còn vài mảnh đạn quân địch "gửi" làm kỷ niệm"-ông nói vui, vẻ mặt như trẻ ra.

Về quê, một trong những việc cựu chiến binh Trần Văn Lương tiến hành sớm là báo tin phần mộ của liệt sĩ mà ông biết rõ. Đầu tiên, ông đến các gia đình của 3 liệt sĩ là người cùng huyện Hiệp Hòa, hy sinh năm 1974 tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Sự kiện đau thương xảy ra trong một đêm giáp Tết năm 1974, 3 anh em: Thắng, Thơm và Am trong Ban Hậu cần dẫn đường đưa toàn tiểu đoàn xuống xã Phổ Hiệp, huyện Đức Phổ-vùng "ngày địch, đêm ta"-để lấy gạo do quân khu cấp. Khi xong việc, trở về qua Quốc lộ 1 (đoạn cách Bệnh xá Đặng Thùy Trâm bây giờ vài chục mét), do sơ suất, cả 3 người dính mìn của địch và hy sinh, thi hài được nhân dân mai táng tại vị trí nhà hội đồng ngụy quyền bị ta đánh sập trước đó. Mấy hôm sau, đồng chí Lương từ căn cứ trên núi, cải trang về xã Phổ Cường mua sắm vật phẩm sinh hoạt cho đơn vị, được bà con chỉ cho phần mộ của 3 người, nhưng không rõ ngôi mộ nào của ai, vì người chôn cất không biết tên của các liệt sĩ.

Những năm tháng khó khăn dần trôi qua. Năm 2014, đang vụ gặt lúa tháng 5, đáp lại sự ngỏ lời của thân nhân liệt sĩ Thắng, ông đưa họ vào xã Phổ Cường. Đến nơi, đoàn được biết sau hòa bình, địa phương quy tập hài cốt 3 chiến sĩ nói trên vào đặt ở hàng thứ nhất tại nghĩa trang liệt sĩ của xã. Điều kiện rất thuận lợi cho việc tiến hành giám định gien của từng người... Sau đó, liệt sĩ Thắng là người đầu tiên được đón về yên nghỉ tại quê hương ở xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Cũng vào năm 1974, khoảng tháng 7, chiến sĩ Vạn ở Tiểu đoàn Hậu cần Sư đoàn 2, Quân khu 5 trên đường từ Tiểu đoàn bộ về Đại đội Vận tải nhận nhiệm vụ mới, đến dốc đầu xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, còn cách đơn vị gần 1km thì bị đạn pháo địch giết hại. Đồng chí Lương cử đồng chí Trọng (người huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), chiến sĩ quân nhu, trực tiếp chôn cất đồng đội, đánh dấu phần mộ cẩn thận. Năm 2013, ông Lương cũng trực tiếp dẫn thân nhân liệt sĩ Vạn vào tận nơi đưa hài cốt về quê.

Mới đây, tôi gặp ông Lương đi kiểm tra sức khỏe ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Vẫn phong thái ung dung, hào sảng, ông hồ hởi thông báo: "Nay vợ chồng tôi đều đã được nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và đang tiến tới để nhận huy hiệu tuổi Đảng cao hơn. Đấy là điều tâm đắc thứ nhất. Điều tâm đắc thứ hai là còn sức lực, tôi còn thực hiện nhiệm vụ đảng viên, còn làm việc nghĩa, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành"-ông Lương vừa nói vừa vui vẻ bắt tay chúng tôi.

Bài và ảnh: VÂN CA

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/con-suc-luc-con-lam-tron-nhiem-vu-510622