Còn sức còn cống hiến

Gần 30 năm qua, ông Nông Văn Sông, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Coóc, xã Thanh Tương (Na Hang) đã bằng tình yêu thương, sự tận tụy, trách nhiệm đẩy dần cái đói nghèo, lạc hậu ra khỏi thôn, đem lại cuộc sống mới cho người dân nơi đây.

Động lực cống hiến

2 thôn Bắc Danh và Nà Coóc là 2 thôn biệt lập nằm bên sông của xã Thanh Tương. Từ cầu phao, chỉ mất hơn chục phút di chuyển bằng xe máy là đến trung tâm thôn Nà Coóc, ông Sông đón chúng tôi trong ngôi nhà sàn với nụ cười rạng rỡ. Mở đầu câu chuyện, ông Sông phấn khởi “Đúng là ơn Đảng, Nhà nước! Thôn vẫn là thôn 135, cuộc sống người dân nơi đây còn khó khăn nhưng so với cuộc sống trước đây, giờ vẫn như giấc mơ vậy”. Rồi ông trầm tư hồi tưởng về Nà Coóc những ngày còn đói nghèo, lạc hậu”.

Xưa Nà Coóc không điện, đường vào thôn như ma trận. Chỉ nghĩ đến đường Quốc lộ thôi đã chùn chân, nản chí vì quãng đường chẳng bao xa nhưng lại là hành trình gian khổ như thách thức sự kiên nhẫn của con người. Đoạn đường phải đi bộ qua bìa rừng, mặt đường lởm chởm những đá, đi bộ còn nhanh hơn đi xe đạp, rồi còn phải đợi đò… Bao người dân bệnh trọng không được cứu chữa kịp thời, bao nhiêu người dân của thôn không biết đến cái chữ... Sự đói nghèo, lạc hậu ôm chặt lấy Nà Coóc từ năm này qua năm khác. Mười tám tuổi đầu, chàng thanh niên Nông Văn Sông đã khao khát, giá như được đi học để về đóng góp xây dựng quê hương, “cứu” người dân ra khỏi cảnh khổ.

Ông Nông Văn Sông (ở giữa) tham quan mô hình kinh tế của hộ dân thôn Nà Coóc.

Ông Sông là anh cả trong gia đình nghèo có 7 anh chị em. Ông chỉ được học hết lớp 10 rồi nghỉ học để đỡ đần cha mẹ nuôi các em ăn học. Ông Sông nhập ngũ và xuất ngũ về địa phương năm 1991. “Có rời khỏi lũy tre làng mới thấy làng quê mình sao nghèo vậy. Tôi lại suy nghĩ, cuộc sống này thêm ý nghĩa nếu sống và cống hiến. Cống hiến cho quê hương đâu cần làm cán bộ xã, cán bộ huyện, thôi thì mình ít học, mình là cán bộ thôn cũng được rồi. Cán bộ ở cấp nào thì đều là đầy tớ của nhân dân, phải lấy dân là gốc mà”. Năm 1992, ông là Chi hội trưởng CCB, sau làm khuyến nông của thôn. Năm 1998, ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng sau bao nỗ lực, phấn đấu. Năm 1999, ông được chi bộ, nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. “Bố tôi nguyên là cán bộ chủ chốt của xã. Ông thường xuyên dặn dò tôi, con làm gì thì cũng phải luôn nghĩ sao cho xứng đáng với lòng tin của nhân dân; xây dựng, giữ vững lòng tin với nhân dân thì mọi việc đều thắng lợi. Lời dạy ngắn ngủi, thấm thía ấy là động lực để tôi cống hiến cho Nà Coóc” - ông Sông bày tỏ.

Hiểu thấu lòng dân

Gần 30 năm ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, ông Sông đề cao vai trò then chốt của công tác dân vận trong triển khai mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào. “Thấu triệt lòng dân và phát huy dân chủ: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra thì dân vận mới thành công” - ông Sông nhấn mạnh. Để tập hợp sức mạnh của nhân dân, ông luôn tranh thủ, phát huy vai trò của người uy tín, người cao tuổi trong tuyên truyền, vận động; phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên.

Mấy chục năm qua, sự tín nhiệm của người dân với ông Sông ngày càng cao vì ông nói được, làm được. Những gì ông đưa ra cho tập thể bàn bạc đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân. Là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, trọng trách ấy khiến ông không bao giờ sao nhãng, lơ là với mọi nhiệm vụ được giao, chuyển tải các chủ trương, chính sách nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời với nhân dân. Vận dụng hiệu quả uy tín là vậy song không phải lúc nào công tác dân vận được như ý. Đó là năm 2018, khi Huyện ủy, UBND huyện chủ trương sáp nhập 2 điểm trường Nà Coóc, Bắc Danh của trường Tiểu học Thanh Tương vào làm một. 10 con em của Nà Coóc giờ đi học xa nhà bởi học tại điểm Bắc Danh. Khi họp thôn triển khai, 100% phụ huynh học sinh phản đối. Người dân với tư duy lạc hậu lại bị một số phần tử đả kích đã cho rằng chủ trương này làm khổ con em họ; đi học xa thế, nghèo đi, làm sao mà giàu lên được... Mồi lửa phản đối chủ trương âm ỉ cháy…

Mấy chục năm qua, chưa bao giờ ông Sông rơi vào tình huống dở khóc, dở cười này. Bà Lương Thị Lìn - vợ ông Sông, người phụ nữ tảo tần gánh vác việc nhà cho ông Sông làm việc thôn, luôn động viên ông hoàn thành tốt nhiệm vụ giờ gàn ông “Ông về đi! Không làm Bí thư nữa, làm Trưởng thôn nữa”. Ông cười, động viên vợ: “Thôi là thôi thế nào! Nếu dân còn tín nhiệm tôi 60% tôi vẫn làm”.

Ông Nông Văn Sông (bên trái) đến tận hộ gia đình vận động người dân làm 3 công trình vệ sinh.

Ông Sông gắn bó chặt chẽ với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, nhà trường, với MTTQ và các đoàn thể của xã và đến từng nhà để tuyên truyền, thuyết phục, vận động. “Trong dân vận, không thể mềm mỏng mãi được, đôi khi mình còn phải “đánh” vào nỗi đau của họ nữa đấy cô ạ!” - ông Sông nói với tôi.

Sau nhiều lần đến vận động, phụ huynh học sinh là anh Nhan Văn Đô, chị Nông Thị Thêm vẫn không đồng ý cho 2 con ra điểm trường mới. Ông vừa mắng, vừa ân cần tháo gỡ những vướng mắc, chưa thông suốt của đôi vợ chồng trẻ. Thì ra, họ không đồng ý với chủ trương là do chưa có xe máy đưa đón con đi học. Ông Sông bày cách, giờ 2 vợ chồng cố gắng mua lại chiếc xe máy cũ, vừa có thêm phương tiện để đi làm ăn, vừa đưa đón con. Cuối cùng, 10 con em của Nà Coóc đều được phụ huynh đồng tình đưa ra điểm trường mới đúng vào dịp năm học 2019 - 2020.

Sau sự việc này, ông Sông rút kinh nghiệm sâu sắc rằng, vận dụng uy tín thôi chưa đủ, nếu chủ trương mà nhân dân chưa đồng tình ngay thì ở đó chắc chắn còn “nút thắt”. Người cán bộ thôn phải làm sao hiểu được nút thắt ấy là gì, tại sao lại có nút thắt ấy, đưa ra những giải pháp tháo gỡ hợp lòng dân nhất. Đó mới là sự thấu triệt lòng dân…

Phải sống đẹp và tử tế

Nà Coóc hiện có 59 hộ, 248 nhân khẩu, 19 hộ nghèo, 24 hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 72%. Ấy vậy mà khi Đảng ủy xã phối hợp với Chương trình Vùng Na Hang làm cầu Nà Coóc là công trình chào mừng đại hội Đảng các cấp, 100% người dân trong thôn đồng tình hưởng ứng với đóng góp số tiền 50 triệu đồng để hoàn thành đưa cầu vào sử dụng trong tháng 4-2020.

Ông Sông tự hào: “Thôn dù nghèo nhưng chúng tôi rất tự hào vì tinh thần, nỗ lực vượt khó của đồng bào. Trong những năm qua, người dân đã đóng góp nhiều tiền của, công sức để hoàn thiện hạ tầng nông thôn. Nhưng thú thực, có một việc mà tôi thấy xấu hổ quá, tôi phải tự phê bình bản thân mình khi chưa thực sự chú trọng đến tiêu chí vệ sinh môi trường. Đầu năm 2020, qua rà soát tiêu chí số 17 về vệ sinh môi trường, tỷ lệ 3 công trình hợp vệ sinh của thôn thấp nhất xã. Số hộ có 3 công trình hợp vệ sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhiều hộ không có nhà tiêu”.

Với tập tục từ bao đời nay của đồng bào, ông Sông xác định thực hiện tiêu chí này khó như hái sao trên trời. Với vai trò là Bí thư Chi bộ, ông Sông đã chỉ đạo đảng viên phụ trách hộ cùng với MTTQ và các đoàn thể của thôn đến từng hộ dân nắm bắt tình hình và tuyên truyền, vận động; 100% đảng viên phải làm lại hoặc làm mới các công trình; báo cáo tiến độ các công trình theo từng tuần. Bằng sự vào cuộc quyết liệt, đến nay, thôn Nà Coóc cơ bản hoàn thành 3 công trình vệ sinh hợp vệ sinh, thế là ông Sông đã được ngủ ngon giấc. Anh Ma Văn Lường, người dân của thôn bày tỏ sự kính trọng khi nói về ông Sông: “Ở thôn này, chẳng ai có thể thay thế được ông Sông đâu”.

Với ông Sông, việc cống hiến cho thôn, cho đồng bào vẫn là hành trình dài đầy gian khó. “Phải sống đẹp, sống tử tế vì sau này tôi không còn là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn nữa thì tôi vẫn là đảng viên gương mẫu” - ông Sông cười rạng rỡ.

Bài, ảnh: Minh Huệ

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/con-suc-con-cong-hien-136658.html