Cơn sốt lớp học AI ở Trung Quốc: Kiếm tiền trên nỗi sợ?

Đánh vào 'nỗi lo bị bỏ lại phía sau' trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, các khóa học về Midjourney, Pika, ChatGPT đã có mặt trên các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc.

(Nguồn: Sixthtone)

(Nguồn: Sixthtone)

“Nếu không học thì người khác sẽ kiếm tiền thay bạn,” “Cơ hội biến mất chỉ sau ba tháng.”

Đó là hai trong số vô vàn những khẩu hiệu mà người Trung Quốc sử dụng để quảng cáo các khóa học trực tuyến cung cấp đào tạo kiến thức liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI).

Các lớp học như vậy nở rộ sau khi OpenAI ra mắt chatbot ChatGPT vào năm 2022.

Đánh vào "nỗi lo bị bỏ lại phía sau" trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, các doanh nhân bắt đầu cung cấp các khóa đào tạo về Midjourney, Pika và ChatGPT trên các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc.

Thậm chí nhu cầu với khóa học về Sora, ứng dụng AI chuyên xử lý thông tin từ văn bản rồi biến nó thành video của OpenAI, đã xuất hiện ngay cả trước khi ứng dụng này ra mắt chính thức với công chúng.

Một số doanh nghiệp còn hứa hẹn cung cấp thông tin truy cập Sora mới nhất có tính phí, thu hút khách hàng trả tiền để cập nhật qua nhóm WeChat.

Tìm kiếm “lớp học AI” trên Taobao, nền tảng mua sắm trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc, cho thấy hơn 4.000 sản phẩm liên quan, trong khi trên Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok, các tài liệu đào tạo liên quan đến AI được cung cấp với mức giá từ 99 đến 999 nhân dân tệ (khoảng 14-139 USD).

Các khóa học chủ yếu có các video hướng dẫn về các ứng dụng AI tạo sinh, giảng dạy các kỹ năng như chỉnh sửa video, thiết kế sản phẩm và cách học tập hiệu quả bằng các công cụ AI.

Kiếm tiền từ nỗi sợ AI?

Nhưng thị trường đang phát triển gần đây đã bị giám sát chặt chẽ hơn, đặc biệt là sau các hoạt động quảng cáo gây tranh cãi của Li Yizhou, một nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực giáo dục AI trực tuyến ở Trung Quốc.

Nhiều người cáo buộc Li Yizhou kiếm tiền bằng cách lợi dụng sự lo lắng của người tiêu dùng về những nguy cơ mà AI mang đến hay bằng những lời hứa hẹn quá mức về lợi nhuận dễ dàng từ AI, đồng thời các khóa học của Li cũng bị đặt câu hỏi về chất lượng và độ tin cậy.

Trong bối cảnh cuộc tranh luận ngày càng gia tăng về các tiêu chuẩn đạo đức và giáo dục của các chương trình đào tạo AI ở Trung Quốc, những người trong ngành đang nhấn mạnh những khó khăn trong việc duy trì chất lượng và trách nhiệm trong thị trường giáo dục AI.

Câu chuyện bắt đầu khi một meme (những hình ảnh, GIF, clip mang tính hài hước, châm biếm) so sánh Li Yizhou với Sam Altman, Giám đốc Điều hành của OpenAI, cho rằng họ là “hai gã khổng lồ AI,” một ở Trung Quốc và một ở Mỹ, đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc.

Ngay sau đó, một hashtag về Li Yizhou đã thu hút hơn 3,3 triệu lượt xem trên nền tảng Weibo, trong đó một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Trung Quốc để lại bình luận: “Anh ta chỉ giỏi làm hình ảnh và gây tiếng vang, tạo ra sự lo lắng kiểu như 'nếu bạn không học AI hôm nay, AI sẽ giết bạn vào ngày mai.'”

Phản ứng dữ dội sau đó tập trung vào chất lượng các khóa học và uy tín của Li Yizhou.

Nhiều người nhấn mạnh rằng mặc dù Li tự hào có bằng tiến sỹ, tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, nhưng chuyên môn của anh ta là thiết kế chứ không phải AI.

Khi tranh cãi leo thang, các nền tảng bao gồm WeChat và Douyin đã loại bỏ các khóa đào tạo của Li. WeChat trích dẫn việc “vi phạm các quy tắc” khiến tài khoản của Li bị đình chỉ.

“Tôi đang biên soạn nội dung tương ứng và sự việc đã bị hiểu lầm và phóng đại,” Li giải thích với tờ Jiemian News.

 Li Yizhou quảng cáo về khóa học AI. (Nguồn: Weibo)

Li Yizhou quảng cáo về khóa học AI. (Nguồn: Weibo)

Một trong những lớp học bán chạy nhất của Li mang tên “Trí tuệ nhân tạo cho mọi người,” nhắm đến người mới bắt đầu và đã tạo ra doanh thu khoảng 50 triệu nhân dân tệ (gần 7 triệu USD).

Ngoài ra, Li cũng cung cấp một khóa học cao cấp có giá 1.980 nhân dân tệ (khoảng 275 USD) với “Yizhou Intelligence,” một nền tảng chỉ dành cho thành viên với nhiều công cụ và dịch vụ AI tạo sinh khác nhau, có giá từ 39 nhân dân tệ đến 399 nhân dân tệ sau thời gian dùng thử miễn phí.

Liang Houliang, người đã mua khóa đào tạo AI của Li vào năm ngoái, nhận định rằng nó chỉ cung cấp những kiến thức cơ bản. Mặc dù vậy, khóa học vẫn có ích trong việc giúp Liang học các kỹ năng AI một cách trực quan và thực tế hơn.

“Quả thực, anh ta đã kiếm tiền từ nỗi sợ hãi và lo lắng của nhiều người,” Liang nói. “Nhưng nếu không có người làm việc này, nhiều người sẽ không chú ý đến những công cụ này và sử dụng chúng để cải thiện bản thân và tạo ra những thay đổi thực sự.”

LiblibAI, một nền tảng chia sẻ AI nổi tiếng, cho biết họ đã có hành động pháp lý chống lại Li vì sử dụng trái phép khoảng 100 mô hình AI trên cơ sở dữ liệu của Yizhou Intelligence.

Trên mạng xã hội, Li cũng bị cáo buộc vi phạm bản quyền. Ở Trung Quốc, Li không phải là người có ảnh hưởng duy nhất tận dụng sự quan tâm ngày càng tăng của công chúng đối với AI.

Phản ứng dây chuyền

Sự bùng nổ trong phát triển công nghệ xung quanh nội dung do AI tạo ra đã chứng kiến một làn sóng các KOL ở Trung Quốc bán các khóa học liên quan đến AI. Trong số đó, nổi bật có "Thầy giáo He" với hơn 7 triệu người theo dõi trên Douyin; Zhang Shitong, với khoảng 2,5 triệu người theo dõi.

Captain Wang, tài khoản của một người có sức ảnh hưởng với hơn 230.000 người theo dõi, cung cấp khóa đào tạo AI với giá 999 nhân dân tệ (gần 139 USD) trên Douyin, bao gồm 58 tập đề cập đến tầm quan trọng của AI và cách sử dụng các AI tạo sinh trong môi trường kinh doanh, công việc và giáo dục.

Trong tháng 1/2024, theo Feigua Data, khóa học của Wang đã thu về 2,5 triệu nhân dân tệ (hơn 347.000 USD).

Li Shifeng, người bán các khóa học về Midjourney và Stable Diffusions, nhận thấy một nghịch lý trong cơn sốt các khóa học AI hiện nay: Mặc dù nhận thấy rõ sự lo lắng của mọi người khi theo học nhưng rất nhiều người trong số họ lại thiếu hiểu biết về chương trình đào tạo AI cụ thể mà họ cần.

“Với nền kinh tế tăng trưởng chậm lại trong những năm gần đây, mong muốn học hỏi các kỹ năng và công nghệ mới của người dân ngày càng tăng. Họ đang tìm mọi cách để giảm bớt lo lắng về sự ổn định tài chính và tương lai của mình,” Li Shifeng nói.

Việc sử dụng các chiến thuật gây lo lắng và thể hiện thành tích cá nhân là một chiến lược phổ biến trong ngành huấn luyện, được thiết kế để thu hút sự chú ý của người dùng.

Theo Li Shifeng, việc sử dụng các chiến thuật gây lo lắng và thể hiện thành tích cá nhân là một chiến lược phổ biến trong ngành huấn luyện, được thiết kế để thu hút sự chú ý của người dùng.

Ví dụ: hầu hết các chuyên gia về AI, giống như Li Yizhou, đều tự hào về bằng cấp kinh doanh ấn tượng, liên kết với các trường đại học danh tiếng, các dự án kinh doanh thành công và xuất thân ưu tú. Điều này đã giúp thu hút hàng nghìn người theo dõi, bị cuốn hút vào những câu chuyện vượt qua nghịch cảnh để đạt được thành công.

Nhưng sau những lời chỉ trích về các khóa học của Li Yizhou, những người có ảnh hưởng hàng đầu khác hiện đã có các động thái để tránh gây tranh cãi. Một số người đã xóa các khóa học liên quan đến AI của họ khỏi Douyin, mặc dù các tài liệu này có sẵn trên nền tảng bán đồ cũ Xianyu.

Báo chí Trung Quốc đã kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn trong lĩnh vực này và dập tắt những lo ngại liên quan đến AI.

“Chúng tôi cần giám sát chặt chẽ hơn, thảo luận nghiêm túc hơn, phổ biến kiến thức tốt hơn và giáo dục toàn diện hơn về AI để duy trì sự tham gia bình tĩnh và chu đáo,” một bài báo viết.

Li Shifeng khuyến khích người dùng tương tác liên tục với những công nghệ đang phát triển nhanh chóng, cho thấy trải nghiệm trực tiếp là chìa khóa để hiểu được giá trị của AI.

Li nói: “Mục tiêu của việc áp dụng AI phải là thu hẹp khoảng cách thông tin chứ không phải để khai thác nó”./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/con-sot-lop-hoc-ai-o-trung-quoc-kiem-tien-tren-noi-so-post929764.vnp