Cơn sốt giá đường toàn cầu

Nhu cầu tăng cao và những rủi ro về thời tiết đã khiến giá đường toàn cầu tăng vọt. Giới quan sát cảnh báo điều này có thể tác động nghiêm trọng tới một số quốc gia.

 Giá đường vọt lên mức cao nhất 11 năm sẽ kéo theo chi phí của bánh kẹo, đồ uống có đường gia tăng. Ảnh: Reuters.

Giá đường vọt lên mức cao nhất 11 năm sẽ kéo theo chi phí của bánh kẹo, đồ uống có đường gia tăng. Ảnh: Reuters.

Theo CNBC, giá đường đã vọt lên mức cao nhất trong vòng 11 năm vì nhu cầu tăng và rủi ro thời tiết. Giới quan sát tin rằng giá sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong ngắn và trung hạn.

Theo ông John Stansfield - chuyên gia phân tích tại nền tảng dữ liệu hàng hóa DNEXT, giá đường đi lên sẽ kéo theo chi phí của bánh kẹo, đồ uống có đường gia tăng.

Trên thực tế, giá thực phẩm chế biến đang gia tăng trên toàn cầu. "Trong một thanh chocolate, các vị có sữa, bột ca cao..., những chi phí này đều tăng lên. Chi phí nhiên liệu và lao động cũng leo thang", ông nói thêm.

Rủi ro về nguồn cung

Theo ông Stansfield, mùa ép mía ở châu Á sắp kết thúc. Sản lượng chuẩn bị điều chỉnh giảm mạnh tại các quốc gia sản xuất chính, nhất là Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Pakistan. Ấn Độ là nước sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil.

Vào đầu tháng 4, Hiệp hội Thương mại đường toàn quốc của Ấn Độ đã giảm ước tính sản lượng gần 3% trong niên vụ kéo dài từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023. Nguyên nhân là mưa trái mùa ở Maharashtra, bang chiếm 1/3 sản lượng đường toàn quốc.

Sản lượng tại châu Âu cũng lao dốc do vụ mùa củ cải đường bị ảnh hưởng bởi diện tích trồng sụt giảm và hạn hán nghiêm trọng vào mùa hè. Trong khi đó, nhu cầu đang tăng mạnh hậu đại dịch.

Theo Tổ chức Đường Quốc tế, khoảng 80% sản lượng đường toàn cầu đến từ mía, 20% là củ cải đường.

 Sản lượng đường chuẩn bị điều chỉnh giảm mạnh tại các quốc gia sản xuất chính. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá đường và những thực phẩm chế biến khác. Ảnh: Reuters.

Sản lượng đường chuẩn bị điều chỉnh giảm mạnh tại các quốc gia sản xuất chính. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá đường và những thực phẩm chế biến khác. Ảnh: Reuters.

Còn ở Brazil - nước sản xuất đường hàng đầu, mưa cũng đang khiến thời điểm thu hoạch bị lùi lại.

Nhà phân tích hàng hóa Matthew Biggin của Fitch Solutions cho biết vụ thu hoạch mía ở khu vực trung nam Brazil - chiếm 90% sản lượng của cả nước - sẽ diễn ra từ tháng 4 đến tháng 12. Giới quan sát đang dồn sự chú ý vào sản lượng của khu vực này.

"Nhưng giá đường đang rất cao, đến mức ngay cả khi có hạ nhiệt nhờ vụ thu hoạch mía của Brazil giúp tăng cung, giá vẫn sẽ cao hơn mức trung bình trong lịch sử", ông cảnh báo.

Ảnh hưởng từ OPEC

Một yếu tố khác đẩy giá lên cao là quyết định đột ngột của các thành viên OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa), khiến thị trường mất đi khoảng 1,16 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Trong một báo cáo, Fitch Solutions cho rằng động thái cắt giảm đã khuyến khích các nhà sản xuất chuyển từ mía sang ethanol - nhiên liệu sinh học có thể thay thế xăng. Điều này tác động đáng kể tới những bên cung cấp đường.

"Quyết định của OPEC và đà tăng của giá dầu có thể khiến giá đường tiếp tục tăng cao", ông Biggin cảnh báo. "Việc thúc đẩy nhiên liệu sinh học cũng góp phần làm giá giữ ở mức cao trong thời gian dài", ông nói thêm.

Quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC đã khuyến khích các nhà sản xuất chuyển từ mía sang ethanol - nhiên liệu sinh học có thể thay thế xăng. Điều này tác động đáng kể tới những nhà cung cấp đường.

Fitch Solutions

Theo ông Girish Chhimwal - chuyên gia phân tích đường của S&P, cùng với giá lương thực leo thang, các quốc gia đang phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực sẽ tiếp tục bị giáng đòn vì giá đường tăng đột biến.

Ông cảnh báo điều này sẽ ảnh hưởng “đặc biệt nặng nề” đến các quốc gia Bắc Phi và châu Phi cận Sahara. Đây là những khu vực có nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu đường cao.

"Người tiêu dùng cũng đã nhận thấy tác động từ việc giá cả tăng cao", ông Stansfield tại DNEXT nhận xét.

Thảo My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-sot-gia-duong-toan-cau-post1423808.html