Con người văn hóa làm nên giá trị thương hiệu du lịch Ninh Bình

Những năm qua, bằng việc khơi dậy và phát huy bản sắc văn hóa của vùng đất Cố đô ngàn năm văn hiến và tích cực xây dựng văn hóa ứng xử cho người dân đã giúp Ninh Bình xây dựng thành công điểm đến thân thiện, được nhiều tờ báo, chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là điểm đến hàng đầu Đông Nam Á với vẻ đẹp hoang sơ tựa viên ngọc quý giữa đất trời.

Hướng dẫn viên du lịch tại chùa Bái Đính niềm nở tiếp đón du khách.

Hướng dẫn viên du lịch tại chùa Bái Đính niềm nở tiếp đón du khách.

Tự hào là vùng đất cổ, nơi phát tích của 3 triều đại Đinh, Tiền Lê và thời kỳ đầu nhà Lý, Ninh Bình cũng là nơi có phòng tuyến quân sự quan trọng để các triều vua nhà Trần, Hậu Lê, Tây Sơn… đều dựa vào để bảo vệ, xây dựng lực lượng và chống lại kẻ thù xâm lược.

Vùng đất địa linh nhân kiệt và không gian văn hóa đặc sắc ấy đã tạo nên tính cách con người Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình luôn yêu thương, đoàn kết, thân tình với nhau. Trên những chặng đường lịch sử vẻ vang, người Ninh Bình luôn thể hiện tinh thần cần cù, sáng tạo, đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong khó khăn, gian khổ và luôn dũng cảm, kiên cường trước thiên tai, giặc ngoại xâm.

Bên cạnh đó, thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Ninh Bình một vùng non nước hữu tình với nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo du khách. Để từ đó, người dân Ninh Bình lại tiếp nối mạch nguồn văn hóa xa xưa chào đón du khách bằng sự chân chất, hiền hậu, mộc mạc, thanh lịch vốn có.

Gắn bó với Khu du lịch sinh thái Tràng An từ khoảng 10 năm nay, mỗi buổi sáng sớm, chị Nguyễn Thị Huyền, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư đều tất bật chuẩn bị thuyền, kiểm tra lại các vật dụng cần thiết để đón khách chu đáo, an toàn. Cũng như bao người dân nơi đây, du lịch đã mang lại cuộc sống mới cho chị, đời sống cũng ổn định hơn.

Chị Huyền giãi bày: "Khi làm công việc mình yêu thích thì cả ngày của mình sẽ là ngày vui vẻ chứ không đơn thuần là hai chữ "mưu sinh" nữa. Tôi yêu thích công việc này, yêu những vị khách đã có duyên ngồi trên chiếc thuyền của tôi".

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho những người làm du lịch, lập lại trật tự cho các điểm đến, Ninh Bình còn chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp trong chất lượng phục vụ du lịch. Giá cả được niêm yết công khai. Chất lượng dịch vụ cũng được các cơ sở lưu trú đặt lên hàng đầu.

Chị Mai Thị Huế, đại diện homestay Tam Cốc Valey cho biết: "Khách đến homestay đa phần là khách ngoại quốc. Bên cạnh việc trau dồi thêm khả năng ngoại ngữ, chúng tôi còn liên tục nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất. Giá cả dịch vụ đều được công khai. Đây cũng là điều mà khách nước ngoài mong muốn khi đến bất cứ vùng đất du lịch nào".

Đồng chí Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch nhận định: Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ đa ngành có tính chất đặc thù mang giá trị văn hóa và nhân văn sâu sắc. Thành công của mỗi điểm du lịch không chỉ đơn thuần là du khách được thỏa mãn thị hiếu tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp của tự nhiên, con người và lịch sử mà còn được được thỏa mãn về chất lượng phục vụ cũng như thái độ phục vụ, cách giao tiếp ứng xử… Chính vì sự đặc biệt nên văn hóa du lịch có vai trò quan trọng trong việc tạo nên ấn tượng, cảm xúc, thái độ của du khách đối với điểm du lịch. Có thể xem đây là sức mạnh mềm, quyết định chất lượng dịch vụ và thu hút du khách quay trở lại với điểm đến.

Trong bối cảnh ngành Du lịch bắt đầu có những bước phát triển, để định hình một hướng đi bền vững, lan tỏa vẻ đẹp của vùng đất và con người Cố đô Hoa Lư, ngành Du lịch đã triển khai nhiều giải pháp như nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam; mở các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng kiến thức du lịch, ngoại ngữ và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự cho cán bộ, nhân viên, cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động du lịch.

Giai đoạn 2009 - 2021, ngành đã bồi dưỡng cho hơn 18.000 lượt người. Riêng trong năm 2022, đã tổ chức trên 10 lớp bồi dưỡng cho các bộ phận, địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ, những giải pháp cụ thể về xây dựng quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch... để mỗi người dân đều trở thành một sứ giả thiện chí.

Có thể kể tới các Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch tiêu biểu như Nghị quyết số 03-NQ/TU năm 2001 về phát triển du lịch đến 2010; Nghị quyết số 15-NQ/TU năm 2009 về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02-NQ/TU năm 2016 về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Nghị quyết số 07-NQ/TU năm 2021 về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045.

Đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững. Nhờ những quyết sách kịp thời, sự quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và ý thức khai thác du lịch bền vững của mỗi người dân địa phương, một hành trình rất dài trong việc tạo dựng thương hiệu đã bước đầu thành công.

Điểm đến Ninh Bình đã được gọi tên trên nhiều chuyên trang du lịch quốc tế như trang Business insider, tờ Telegrap của Anh đã dành rất nhiều mỹ từ cho du lịch Ninh Bình.

Trang du lịch Time Out cũng đã xướng tên Ninh Bình đứng vị trí thứ nhất trong danh sách điểm đến hàng đầu Đông Nam Á với vẻ đẹp hoang sơ tựa viên ngọc quý giữa đất trời. Trang mạng đặt phòng trực tuyến Booking. com bình chọn Ninh Bình trong top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới… Đó là những minh chứng cho thấy sức mạnh khi bản sắc văn hóa của người dân được khơi dậy, góp phần khẳng định và lan tỏa thương hiệu du lịch Ninh Bình ra thế giới.

Để thương hiệu du lịch Ninh Bình ngày càng vươn xa trên bản đồ trong nước và quốc tế, ngành Du lịch cần tiếp tục khai thác và làm mới các sản phẩm du lịch chất lượng, có sức cạnh tranh và mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư. Các điểm đến du lịch, cơ sở lưu trú và cả những khu dân cư phải luôn giữ môi trường xanh, sạch, đẹp; con người luôn tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ các di sản của cha ông. Đồng thời tiếp tục chú trọng xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; mang sắc thái riêng của từng vùng quê,… Như thế, thương hiệu điểm đến thân thiện của Ninh Bình mới thực sự lan tỏa, bền vững và mang bản sắc riêng có trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Bài, ảnh: Minh Hải

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/con-nguoi-van-hoa-lam-nen-gia-tri-thuong-hieu-du-lich-ninh/d20230815081959330.htm