Con người và việc đời trong tục ngữ Phú Yên

Ảnh minh họa: Internet

Tục ngữ sưu tầm ở Phú Yên nội dung hàm ý về con người và việc đời có số lượng tác phẩm lớn, chủ đề phong phú, đa dạng. Năm tháng trôi qua, những tri thức dân gian được người dân Phú Yên đúc kết thành tục ngữ đã trở thành vốn di sản văn hóa của vùng đất.

Tri thức đúc kết từ cuộc sống

Con người và các sự việc trong đời sống xã hội luôn là mối quan tâm lớn của người dân Phú Yên. Từ môi trường gia đình, ông bà, cha mẹ rất chú trọng giáo dục con cháu về đạo đức, lối sống bằng những câu tục ngữ ngắn gọn, súc tích, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Để hoàn thiện bản thân, con người phải học tập, được giáo dục ngay từ nhỏ những phép tắc trong cách ăn uống, sinh hoạt; nói những lời hay, làm những điều phải. Mỗi hành vi của con người đều cho người khác thấy được điểm tốt và mặt hạn chế. Mọi hành vi, ứng xử đều thể hiện nền nếp gia phong, truyền thống văn hóa, nhân cách của mỗi người:

- Ăn vóc hc hay.

- Ăn có đức không sức mà ăn.

Người dân Phú Yên bản tính hiền lành, thật thà, chất phác, sinh hoạt giản đơn, chỉ mong cuộc sống an lành, lương thiện; không gạt gẫm nhau, không tham lam của ai. Dẫu còn nghèo khó về vật chất nhưng luôn biết giữ gìn phẩm cách, đề cao danh dự, không để người khác hiểu nhầm. Trong xã hội truyền thống, hầu hết người nông dân không biết chữ nên ông bà, cha mẹ thường dùng tục ngữ để khuyên dạy, nhắc nhở con cháu và người thân những điều hay, lẽ phải:

- Qua ruộng dưa đừng sửa dép.

- Qua giàn mướp đừng gãi đầu.

Lời dạy dỗ trên làm ta liên tưởng đến câu: Qua ruộng dưa đừng cúi sửa giày, đi dưới gốc cây lê đừng đưa tay sửa mũ. Hàm ý nhắc nhở mọi người phải thận trọng gìn giữ hành vi, cử chỉ để không bị nghi oan là kẻ ăn cắp dưa hay hái trộm mướp; có ý chỉ tình ngay, lý gian. Và khi những việc không may xảy ra, bậc làm cha mẹ sẵn sàng nhận trách nhiệm, bởi theo họ: Con dại cái mang/ Mũi dại lái chịu đòn. Mối quan hệ giữa con người với con người trong cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận hòa, êm thấm mà có lúc va chạm, sóng gió. Dân gian Phú Yên có câu: Tin bạn mất bò, tin trò mất vợ để nhắc nhở mọi người cẩn trọng trong các mối quan hệ, đặt niềm tin đúng nơi, đúng chỗ.

Tục ngữ đúc kết tri thức dân gian từ thực tế khi xây dựng nhà ở của người dân Phú Yên lưu truyền đến nay rất chú trọng xem thế đất, hướng nhà phù hợp với tuổi gia chủ. Nhà quay hướng nam được người dân ưa thích nhất. Hướng này tránh được sự tác động khắc nghiệt của thời tiết, tránh gió mùa đông - bắc thổi vào mùa đông, lại đón những ngọn gió nồm mát mẻ từ biển vào mùa hạ:

Cất nhà quay về hướng nam,

Quay lưng hướng bắc giàu sang cả đời.

Có thế đất xây nhà quay về hướng nam quý như lấy được người vợ hiền hòa biết lo liệu công việc nội trợ, đồng áng, biết vun vén hạnh phúc gia đình:

Vợ hiền hòa, nhà hướng nam.

Người nông dân Phú Yên dành dụm cả cuộc đời mới xây được ngôi nhà ở. Để nói lên sự tốn kém, vất vả, khó khăn, dân gian có câu: Một năm làm nhà, ba năm trả nợ. Từ đó nhắc nhở, khuyên răn mọi người có ý thức lao động cần cù, chăm chỉ, siêng năng, tiết kiệm chi tiêu để ổn định cuộc sống:

- Ăn theo thu, theo thì.

- Ăn tùy nơi, chơi tùy chốn.

Việc đi lại hàng ngày của người dân Phú Yên cũng được đúc kết từ thực tế. Đối với sinh hoạt hay công việc đồng áng thì đi lại không kiêng cữ gì. Khi đi đâu đó xa xôi hoặc đi để thực hiện các việc hệ trọng của bản thân, gia đình như: thăm bà con anh em ở xa, đám hỏi, đám cưới, việc xem ngày giờ xây nhà thì rất chú trọng. Kinh nghiệm của người dân Phú Yên: Đi hay không bằng may đò hoặc Gặp rắn thì đi, gặp quy (rùa) thì về. Trường hợp có việc gấp cần đi ban đêm hoặc trên đường đi gặp lúc trời mưa to, để tránh xảy ra tai nạn phải lưu ý: Trời mưa tránh trắng, trời nắng tránh đen.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Đề cao danh dự, nhân phẩm

Những câu tục ngữ do thế hệ ông cha truyền lại giúp thế hệ sau học tập được rất nhiều điều bổ ích từ cách ăn, ở, giao tiếp; dù là miếng ăn nhưng vẫn luôn biết đặt trọng danh dự lên trên:

- Một miếng thịt làng, một sàng thịt chợ.

- Cp chết để da người ta chết để tiếng.

Tục ngữ Phú Yên cũng khẳng định tư tưởng coi trọng con người, giá trị con người là trên hết:

- Người sống hơn đống vàng.

Nghĩa của câu tục ngữ trên là con người quý hơn của cải vật chất, quý gấp bội phần dù đó là cả đống vàng. Cũng cần phải hiểu ở đây không có nghĩa người dân Phú Yên không coi trọng của cải, vật chất nhưng họ luôn đặt con người lên trên hết.

Việc đề cao danh dự, nhân phẩm còn thể hiện qua cách đối nhân xử thế sao cho phù hợp, lịch thiệp, tế nhị, biết mình, biết người. Những lời khuyên và triết lý sống ấy chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc:

- Ăn trông nồi, ngồi trông hướng/ Ăn xem nồi, ngồi xem hướng.

- Ăn có nhai, nói có nghĩ.

Cuộc sống của người nông dân Phú Yên trong xã hội truyền thống thiếu thốn, khó khăn đủ bề; chính trong cơn hoạn nạn ấy mới hiểu rõ được tình thương yêu đùm bọc, sẻ chia của những người hàng xóm, láng giềng dành cho nhau:

- Một miếng khi đói bằng một gói khi no.

- Tối lửa tắt đèn có nhau.

Hay:

- Bà con xa không bằng láng giềng gần.

- Bà con vì tổ vì tiên, không phải vì tiền vì gạo.

Nếu lỡ có va chạm, mâu thuẫn, xung đột, người Phú Yên cũng khuyên răn nên kiềm chế, giữ hòa khí, biết nhường nhịn, tha thứ, buông bỏ:

- Một sự nhịn là chín sự lành.

- Thương người như thể thương thân.

Tục ngữ Phú Yên cũng có khi là sự bình phẩm về nhân cách của cá nhân ai đó, hàm ý chê trách những người không biết lễ phép, không trọng danh dự, nhân phẩm, thiếu ý tứ, tham ăn tục uống, để rồi nhận những bài học cay đắng cho mình:

- Miếng ăn quá khẩu thành tàn.

- Miếng ngon nhớ lâu, lời đau nhớ đời.

Hay:

- Cái nết đánh chết cái đẹp.

- Chết người không chết tật.

Việc đề cao danh dự, nhân phẩm con người trong tục ngữ Phú Yên còn biểu hiện sâu sắc ở mối quan hệ tình nghĩa vợ chồng. Cùng với năm tháng, tình yêu thuở ban đầu có thể phai nhạt, nhưng trong quan hệ vợ chồng của người Phú Yên thì tình nghĩa lại ngày một sâu sắc hơn. Thực tế, cuộc sống vợ chồng dù hòa thuận vẫn khó tránh khỏi những lúc va chạm, giận hờn. Muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình thì trong ứng xử cần chừng mực, khôn khéo, cả chồng và vợ phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm của nhau. Lúc nóng giận, biết tự kiềm chế, nhường nhịn:

- Vợ chồng là nghĩa già đời.

- Vợ chồng xét nhân nghĩa.

Hay:

- Chồng giận thì vợ bớt lời

Cơm sôi nhỏ lửa mấy đời cơm khê.

Tục ngữ sưu tầm ở Phú Yên nội dung hàm ý về con người và việc đời như một bức tranh muôn màu, muôn sắc. Những tri thức dân gian đúc kết thành tục ngữ là sự kết tinh, lắng đọng vốn sống và những kinh nghiệm quý báu của bao thế hệ người dân Phú Yên truyền lại. Trải qua biến thiên thời cuộc, đến nay tục ngữ Phú Yên vẫn nguyên vẹn giá trị, cần được bảo tồn, phát huy trong đời sống đương đại.

NGUYỄN HOÀI SƠN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/290424/con-nguoi-va-viec-doi-trong-tuc-ngu-phu-yen.html