Còn mãi những 'năm tháng long lanh'

Sáng nay, qua một biên tập viên Báo Quảng Nam, tôi nhận được tin bà Đặng Thị Lan (phường An Phú, Tam Kỳ) từ trần. Trong tâm trí tôi lại hiện lên hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn, kiệm lời, từng là nữ giao liên, một chiến sĩ cách mạng kiên cường ở vùng đông Tam Kỳ.

Tôi biết bà Lan khoảng đầu năm 2000, khi anh Hồ Duy Lệ, lúc ấy là Tổng Biên tập Báo Quảng Nam đang viết một tập truyện ký về ông Mười Chấp mà bà Lan là một “mắt xích” quan trọng. Chúng tôi thì cũng đang làm một phim tài liệu về nhà cách mạng xuất sắc ở Nam Quảng Nam thời chống Mỹ. Bà Đặng Thị Lan là giao liên “tầm chiến lược” của Huyện ủy Tam Kỳ giai đoạn 1954 - 1960. Hơn 10 năm sau, khi quay lại với nhân vật Đỗ Thế Chấp – Mười Chấp trong một phim tài liệu khác, tôi có dịp nghe bà Lan kể chuyện cặn kẽ hơn.

Những năm sau Hiệp định Giơ ne vơ, khi chính quyền Mỹ Diệm mặc sức “tố Cộng, diệt Cộng”, khắp làng xóm Quảng Nam bao trùm không khí ngột ngạt, kinh hãi; đảng viên trụ bám lớp bị bắt, bị giết, còn lại nằm im nghe ngóng thì số người kiên trung như bà Đặng Thị Lan không nhiều.

Năm 1956, ông Mười Chấp – khi ấy là Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ và ông Võ Ngọc Hải về vùng đông Tam Kỳ kết nạp đảng cho bà Đặng Thị Lan. Lễ kết nạp đảng không cờ, không ảnh lãnh tụ; bên mương nước, bà Lan tuyên thệ một dạ chiến đấu cho ngày hòa bình thống nhất đất nước. Từ đó bà Lan như con thoi đi lại giữa vùng đông với cơ sở Huyện ủy Tam Kỳ ở vùng Trường An, Trường Cửu, tức phần đất xã Tam Xuân 1 hiện nay và phần đã ngập trong lòng hồ Phú Ninh.

Với đôi bầu đựng cá mắm, bà Lan chuyển tin nhắn, thư từ của ông Mười xuống cơ sở vùng đông và chiều ngược lại. Cái nghề bán mắm giúp bà Lan có điều kiện lọt qua những cặp mắt cú vọ đang rình mò khắp nơi dể truy tróc những hạt giống cách mạng hiếm hoi đang còn sót lại. Dấu chân bà Lan trải khắp các vùng Trường An, Tư Yên, Kỳ Long (xã Tam Dân của huyện Phú Ninh bây giờ) để kết nối các cơ sở trung kiên của huyện ủy. Bà Lan kể có những cuộc hẹn bất thành với ông Mười, bà phải ở lại trong rừng đêm Trường An đen kịt và đầy bất trắc.

Rồi bọn công an quận Tam Kỳ cũng đánh hơi được các hoạt động giao liên, móc nối của bà Lan, và bà đã bị bắt lên nhà lao quận, bị đưa vào vùng cát Khu Nam – Tam Anh Nam bây giờ. Tại đây bà Lan đã đối diện với đòn cân não khi địch đào hố cát, chôn đứng bà đến tận mũi; nhưng chúng vẫn thua trước sự gan lỳ của bà Lan. Không có chứng cứ, bà Lan thì một mực không khai nên cuối cùng Huỳnh Giáo – Chi trưởng Công an quận Tam Kỳ buộc phải thả bà Lan. Nhưng đổi lại, bà đã phải nghiến răng chịu những ngón đòn tra tàn khốc mà cho đến những năm cuối đời, những vết thù lặn vào xương cốt vẫn cứ đau âm ỉ, nhất là những lúc trái gió trở trời.

Sau lần bà Lan ngồi tù gần 2 năm với bao trận đòn tra thừa chết thiếu sống ấy, ông Mười Chấp không muốn người giao liên tin cẩn của mình sống giữa nanh vuốt kẻ thù nữa nên nhắn tin qua bà Nguyễn Thị Tiến – vợ ông Mười, biểu bà Lan lên căn cứ. Nhưng bà vẫn bám trụ ở vùng Đông và vẫn là “giao liên chiến lược” của Huyện ủy Tam Kỳ. Và chính vì cái vốn quý của Huyện ủy nên để bảo vệ bà Lan, ông Mười lệnh không ai được giao cho bà những nhiệm vụ lặt vặt. Và bà Đặng Thị Lan một lần nữa “tỏa sáng” sau Nghị quyết 15 đầu năm 1959 của Đảng, chuyển cách mạng miền Nam sang giai đoạn dùng bạo lực cách mạng để lật đổ chính quyền tay sai.

Huyện ủy Tam Kỳ chủ trương rút thanh niên lên xây dựng các đội vũ trang tuyên truyền, chuyển thế cách mạng sang “diệt ác phá kèm” chuẩn bị cho phong trào Đồng khởi. Thế cờ đang dần lật ngược, bọn địch đã có phần rúng. Đến đầu năm 1964, phong trào Đồng khởi ở Quảng Nam nói chung, Tam Kỳ nói riêng bùng lên mạnh mẽ, ông Mười Chấp chỉ thị cho bà Lan về nắm tình hình thanh niên vùng đông. Mấy năm sau đó cơ sở cách mạng ở vùng đông Tam Kỳ tương đối mạnh.

Qua nắm bắt của cơ sở, ta biết được phần lớn thanh niên gia đình cốt cán đều muốn nhảy núi, bởi địch bắt quân dịch liên tục, nên họ không có con đường nào khác nếu không muốn cầm súng cho kẻ thù. Thế là Huyện ủy chủ trương mỗi đợt rút khoảng năm đến bảy người. Bà Lan báo tin cho cơ sở làm khẩn trương. Rồi cứ mỗi đợt, bà đưa một tốp khoảng dăm bảy thanh niên Tam Thanh, Tam Phú lên căn cứ. Buổi sáng họ đóng giả người đi mua tre pheo, lá thị về nhuộm lưới, đi theo bà lên Trường An, đến nơi có người của Huyện ủy đón. Vùng đông Tam Kỳ trở thành nơi Huyện ủy Tam Kỳ rút được nhiều người bổ sung lực lượng cho cách mạng là có phần đóng góp quan trọng của bà Lan.

Việc thanh niên vùng Đông nhảy núi nhiều quá khiến địch một lần nữa đưa bà Lan vào vòng ngắm. Lần này biết nguy hiểm đang đến gần nên đến năm 1965 bà Lan thoát ly, lên công tác tại Thị ủy Tam Kỳ. Rồi ông Mười Chấp đề nghị cấp trên cho bà Lan ra miền Bắc đi học. Cầm giấy tờ trong tay nhưng bà cứ lần lữa mãi vì thấy mình như có lỗi với đồng chí đồng đội, mọi người đang đội bom đội pháo chiến đấu mà mình lại ra nơi yên ổn để ngồi học. Đến lúc ông Mười gắt: “Học cũng là nhiệm vụ cách mạng, em phải chấp hành!” thì bà Lan mới chịu đi.

Những năm học tập ở miền Bắc, hạnh phúc nhất của bà Lan là được gặp Bác Hồ 3 lần, trong đó có một lần được đứng cạnh Bác, được Bác cho 2 chiếc kẹo và cả đoàn được chụp ảnh chung với Bác. Bà nhớ nhất câu nói đùa của Bác: “Mỗi người phải nộp 100 đồng mới nhận được ảnh đó nghe”. Lúc còn sống, kể chuyện cho tôi nghe, bà Lan cả đời vẫn ân hận vì không giữ được tấm ảnh quý giá đó. Bởi cha của bà, ông Đặng Khiêm, lúc đó cũng đang ở miền Bắc rất thích tấm ảnh nên cất giữ rồi lại để mất.

Đầu năm 2020, sau khi in cuốn sách đầu tay “Năm tháng long lanh”, tôi về khối phố Phú Sơn, phường An Phú (Tam Kỳ) tặng bà Lan một cuốn. Bà hơi bất ngờ và cảm động khi thấy tấm ảnh bà chụp chung với ông Mười Chấp cùng ông Nguyễn Mậu Đông sau ngày giải phóng. Họ là những người đồng chí sắt son trong những năm nếm mật nằm gai. Tên cuốn sách tôi cũng chọn từ bút ký viết về bà Đặng Thị Lan. Những người tôi gặp trong những lần làm các tập phim tài liệu đề tài chiến tranh cách mạng đều ca ngợi sự kiên trung, gan lỳ và thông minh của bà Lan. Còn bà Lan khi nói về ông Đỗ Thế Chấp, người lãnh đạo mà bà rất yêu mến và cảm phục, gương mặt bà lại rạng rỡ, long lanh hơn.

Bây giờ bà Lan đã về với “thế giới người hiền”, những người đồng chí keo sơn của Huyện ủy Tam Kỳ thời giữ lửa cách mạng hội ngộ ở cõi bất tử. Nhưng những năm tháng long lanh mà bà Lan đã trải qua, đã góp phần dệt nên chắc sẽ còn mãi tỏa sáng. Một nén tâm nhang xin tiễn đưa bà Đặng Thị Lan – một nữ giao liên, một chiến sĩ cách mạng kiên cường.

DUY HIỂN

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/con-mai-nhung-nam-thang-long-lanh-3131033.html