'Cơn lũ AI' đe dọa hơn một nửa thị trường việc làm Trung Quốc

Khi Trung Quốc đối diện thách thức về nhân khẩu học, một nghiên cứu mới cho thấy hơn nửa số công việc ở quốc gia này có thể bị AI thay thế.

Khi các ngành nghề trên thế giới còn đang đánh giá tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) mới nổi trong tương lai gần, các kế toán viên ở Trung Quốc đã bắt đầu tìm cách tích hợp các sản phẩm như ChatGPT vào công việc.

“Các kế toán viên nên nắm bắt công nghệ mới và nâng cao hiệu quả công việc bằng các hệ thống AI, đồng thời trau dồi khả năng sáng tạo. Đây là cách giúp họ giữ vị trí bất khả chiến bại tại nơi làm việc”, Liu Qin, giáo sư tại Viện Kế toán Quốc gia Thượng Hải, viết trong một bài báo trên tạp chí Friends of Accounting.

Trong khi một số ngành nghề hào hứng với việc sử dụng AI, số khác cho rằng họ có thể gặp rủi ro khi công nghệ này phát triển. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 3 cho thấy 54% công việc ở Trung Quốc có nguy cơ cao bị thay thế bởi AI trong những thập kỷ tới.

"Bị cuốn vào cơn lũ AI"

“Đánh giá một cách tương đối, trưởng bộ phận là công việc an toàn nhất ở Trung Quốc, trong khi những công việc cần chuyên sâu về các hoạt động nhận thức rất dễ bị thay thế”, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương (Bắc Kinh) và Đại học Hull (Anh) viết trên tạp chí Nghiên cứu Tài chính.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết người lao động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm và dịch vụ kinh doanh có nhiều khả năng bị ảnh hưởng hơn.

“Khi công việc và AI cùng phát triển, người lao động sẽ cần thích nghi với các hoạt động đòi hỏi sự sáng tạo và nhạy bén nhiều hơn. Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần cung cấp thêm cơ hội đào tạo nghề và hỗ trợ thu nhập cho những người lao động bị cuốn vào cơn lũ AI để hoàn thành quá trình chuyển đổi”, nhóm tác giả nhận định.

Tất cả sản phẩm AI tạo sinh ("generative AI") phải vượt qua đánh giá bảo mật của chính phủ Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post.

Bà Julia Chen, thành viên công ty tư vấn Concordia có trụ sở tại Bắc Kinh, cũng cho rằng AI sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai việc làm ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ và Trung Quốc.

Song các biện pháp can thiệp của chính phủ có thể làm giảm tác động của AI với thị trường việc làm, theo South China Morning Post.

“Các nhà quản lý Trung Quốc đã đề xuất quy định nghiêm ngặt đối với các mô hình AI tạo sinh ("generative AI"), trong đó có một số biện pháp hợp lý, nhưng có thể làm chậm quá trình đầu tư và triển khai”, bà nói.

“Những lời kêu gọi thiết lập quy định từ các chuyên gia và công chúng Mỹ đang gia tăng, nhưng có vẻ như nước Mỹ sẽ khó giành được sự đồng thuận chính trị”, bà nói thêm.

Đầu tháng 4, cơ quan giám sát Internet của Trung Quốc đã đề xuất quy tắc cho các dịch vụ tương tự ChatGPT, yêu cầu nhà phát triển ngăn chặn nội dung phân biệt đối xử, thông tin sai lệch và nội dung vi phạm quyền riêng tư cá nhân hoặc sở hữu trí tuệ, theo CNBC.

Tất cả sản phẩm AI tạo sinh cũng phải vượt qua đánh giá bảo mật của chính phủ Trung Quốc trước khi phát hành ra công chúng.

Trong khi đó, chính phủ Mỹ đang lấy ý kiến của công chúng về các biện pháp đảm bảo quyền riêng tư và minh bạch.

Cuộc đua sai hướng

Kể từ khi OpenAI - phòng nghiên cứu nhận được sự ủng hộ từ Microsoft - ra mắt ChatGPT, các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Baidu, Tencent, SenseTime, iFlyTek, Huawei và Alibaba đã gấp rút tung ra những công nghệ cạnh tranh cho thị trường nội địa.

Mặc dù sản phẩm của Mỹ không chính thức có mặt ở Trung Quốc, người dùng Internet đã tìm mọi cách truy cập. Nhiều lĩnh vực cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc sử dụng các công nghệ tương tự.

Khi cả hai quốc gia cạnh tranh vị trí dẫn đầu trong cuộc đua AI, bà Chen lo ngại nỗi sợ hãi về việc bị quốc gia khác “bắt kịp” hoặc “vượt lên” có thể bị lợi dụng nhằm đẩy nhanh đầu tư và cải tiến các hệ thống AI tạo sinh mà không cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng quản trị.

“Điều tôi thực sự muốn thấy là cuộc đua về cách điều hành trí tuệ nhân tạo AI một cách thông minh. Lợi ích chung của cả hai quốc gia là khai thác lợi thế về năng suất của các hệ thống này, đồng thời quản lý rủi ro gián đoạn kinh tế và xã hội”, bà nói.

AI có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: PhonlamaiPhoto.

Các nhà nghiên cứu tại OpenAI phát hiện ra rằng những công việc phụ thuộc nhiều vào khoa học và kỹ năng tư duy phản biện ít gặp rủi ro hơn so với kỹ năng lập trình và viết.

OpenAI cũng liệt kê các công việc mà AI có thể giúp người lao động tiết kiệm đáng kể thời gian, gồm các nhà toán học, kế toán, nhà báo, thư ký, kỹ sư blockchain, nhà phân tích chính sách biến đổi khí hậu và nhà quản lý dữ liệu lâm sàng.

Trong một phân tích toàn cầu được công bố cuối tháng 3, Goldman Sachs ước tính AI tạo sinh có thể tự động hóa tới 300 triệu công việc toàn thời gian.

Ở Trung Quốc, tỷ lệ sinh thấp kết hợp với dân số già hóa nhanh chóng đang dẫn đến tình trạng mất cân bằng nhân khẩu học. AI có thể giúp giảm bớt áp lực khi lực lượng lao động trẻ trong nước ngày càng thu hẹp.

Tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc vào tháng 3 - sự kiện cấp cao có các nhà lãnh đạo Trung Quốc và hàng chục CEO nước ngoài - ông Zhou Hongyi, người sáng lập công ty an ninh mạng Trung Quốc 360 Security Technology, đã dự đoán nghề đào tạo AI sẽ xuất hiện ở nước này.

“Chỉ với những giáo viên giỏi, AI mới có thể nghe một hiểu hai”, ông nói. “Những người trẻ tuổi sẽ không trở nên lỗi thời. Chính những người chưa sử dụng GPT, chưa biết sử dụng GPT hay chưa biết cách đặt câu hỏi với GPT sẽ là những người bị tụt lại phía sau”.

Tại Mỹ, vai trò giáo viên AI đã xuất hiện. Anthropic - một công ty nhận sự hỗ trợ từ Alphabet, công ty mẹ của Google - đang tìm kiếm các “kỹ sư gợi ý”.

“Bạn sẽ tìm ra các phương pháp tốt nhất để thúc đẩy AI hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác nhau, sau đó ghi lại các phương pháp này để xây dựng thư viện công cụ và bộ hướng dẫn”, quảng cáo tuyển dụng của Anthropic viết, hứa hẹn mức lương tới 375.000 USD/năm.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-lu-ai-de-doa-hon-mot-nua-thi-truong-viec-lam-trung-quoc-post1425564.html