Con gái ghi lại thời sống ở chiến khu của mẹ qua sách

Cuốn tiểu thuyết tranh 'Sống' bao gồm những câu chuyện góp nhặt từ lời kể của người mẹ về một thời hoa lửa cho cô con gái Việt lớn lên tại Pháp.

Ngày 12/3, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt cuốn tiểu thuyết tranh Sống do Hải Anh - một người trẻ Pháp gốc Việt và Pauline Guitton - một họa sĩ Pháp sáng tác. Hai cô gái cùng sinh năm 1993 cũng là những người hàng xóm, người bạn thân từ năm 10 tuổi.

Ngoài hai tác giả, sự kiện có sự góp mặt của đạo diễn Việt Linh - mẹ Hải Anh, cũng là nhân vật trung tâm tác phẩm cùng nhà văn Đỗ Bích Thúy, nhà văn Đỗ Anh Vũ.

Con gái tái hiện ký ức của mẹ

Chia sẻ tại sự kiện, tác giả Hải Anh cho biết từ khi 4, 5 tuổi, cô đã thường xuyên được nghe mẹ kể về quãng thời gian 7 năm sống trong rừng, làm việc trong chiến khu. Những câu chuyện, kỷ niệm tủn mủn, vụn vặt được Hải Anh góp nhặt dần và chia sẻ với bạn bè ở Pháp.

"Khi nghe tôi kể rằng mẹ tôi từng sống trong rừng, nhiều bạn bè người Pháp của tôi ngạc nhiên lắm", cô cho biết.

Dần dần, Hải Anh có ý định đưa những kỷ niệm, ký ức của mẹ mình vào trong một tác phẩm, để có thể kể lại câu chuyện của mẹ cho nhiều người hơn. Cô và người bạn thân Pauline Guitton quyết định lựa chọn thể loại tiểu thuyết đồ họa cho tác phẩm đầu tay của mình.

"Có vài lý do để tôi quyết định như vậy. Đầu tiên, gia đình tôi có truyền thống làm điện ảnh nhưng tôi cảm giác truyện tranh sẽ là thể loại phù hợp hơn bởi những ký ức của mẹ kể không theo thứ tự, truyện tranh cũng đem lại sự nhẹ nhàng hơn. Tiếp nữa, từ nhỏ, tôi và Pauline thường xuyên cùng nhau đọc truyện và chắc chắn truyện tranh là thể loại yêu thích của hai đứa. Bên cạnh đó, Pháp cũng là một trong những quốc gia có lượng người đọc truyện tranh rất nhiều", Hải Anh chia sẻ.

Tác giả Hải Anh (giữa, áo xanh) cùng mẹ là đạo diễn Việt Linh tại sự kiện.

Đạo diễn Việt Linh cho biết bà không hề tham gia vào việc chỉnh sửa hay góp ý cho tác phẩm mà chỉ được đọc khi nó đã thành hình như nhiều người khác.

"Ban đầu, tôi thấy có một số chi tiết nên thay đổi thành thế này, thế kia nhưng ngẫm lại thì cũng đúng, bởi cuốn sách không chỉ có lời kể của tôi mà còn được thể hiện qua con mắt của con gái, của họa sĩ Pauline nữa. Cuối cùng, tôi rất hài lòng với tác phẩm", bà nói.

Khi được con gái chia sẻ ý tưởng viết sách, đạo diễn Việt Linh đã cùng Hải Anh và Pauline về sống ở Việt Nam 9 tháng để hai tác giả có được những cảm nhận chân thực, gần gũi nhất.

Đối với cô gái người Pháp Pauline, cô chia sẻ rất xúc động khi được nghe những câu chuyện liên quan đến nhiều thế hệ trong gia đình người bạn thân.

"Tôi đọc đi đọc lại bản thảo của Hải Anh để làm sao hình ảnh tôi vẽ và ngôn ngữ của nhân vật có thể trùng khớp, hòa hợp. Chúng tôi cố gắng tránh những lỗi có thể xảy ra trong quá trình kể câu chuyện. Chúng tôi tìm những bản lưu trữ, thông tin trên Internet để có được những phác thảo một cách chính xác nhất về khung cảnh chiến khu xưa cũng như thể hiện được màu sắc hài hòa", nữ họa sĩ chia sẻ.

Sự kết nối của mẹ và con gái

Trước khi ra mắt độc giả Việt Nam, Sống đã được giới thiệu tại Pháp năm 2023 và nhanh chóng gây ấn tượng với gần 8.000 bản phát hành. Đầu năm 2024, vượt qua rất nhiều tác phẩm sách minh họa Pháp ngữ, cuốn sách đoạt giải Prix du Jury oecuménique de la BD 2024.

Sống là câu chuyện về một người mẹ kể cho con gái về những kí ức ly kì xuyên suốt khoảng thời gian bà sống và làm việc trong chiến khu.

Với hai tuyến thời gian quá khứ - hiện tại cùng các nhân vật đan cài, cuốn sách song song khắc họa hình ảnh của hai người phụ nữ: Một là cô thiếu nữ trong kí ức người mẹ, cô gái trẻ ấy cố gắng thích nghi và hòa mình vào cuộc sống tại chiến khu. Hai là một thiếu nữ trẻ hiện đại đang cố gắng kết nối với mẹ và quá khứ, để hiểu thêm về mẹ mình và về cội nguồn.

Cuốn tiểu thuyết đồ họa "Sống" vừa ra mắt độc giả Việt Nam. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Tuyến thời gian quá khứ lấy bối cảnh là cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc từ năm 1969 tới năm 1975. Trong 7 năm sống tại chiến khu, cô thiếu nữ Linh (trong kí ức của người mẹ) đã làm quen các chiến sĩ cách mạng, những người đưa cô đến với kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như đến với điện ảnh. Đan xen với những kỉ niệm quá khứ đầy rung động của người mẹ là cuộc sống hiện tại, được khắc họa dưới góc nhìn của người con gái.

Theo từng câu chuyện, người con dần hiểu rõ hơn về người mẹ, về quá khứ của dân tộc để từ đó thông cảm, sẻ chia, tạo dựng chiếc cầu nối rút ngắn khoảng cách thế hệ và văn hóa.

Những câu chuyện giao cảm thế hệ của hai mẹ con trong Sống vừa góp phần tái hiện lịch sử của dân tộc ở một góc nhìn ít được nhắc đến, vừa khắc họa mối quan hệ phức tạp giữa mẹ và con gái, cùng mong ước tìm hiểu nguồn cội của một người trẻ Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.

Ánh Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/con-gai-ghi-lai-thoi-song-o-chien-khu-cua-me-qua-sach-post1464638.html