Con đường trở thành xứ sở kỳ lân của Ấn Độ có dễ đi?

Startup về trí tuệ nhân tạo (AI) Krutrim SI Designs đã huy động được 50 triệu đô la trong vòng tài trợ cuối tuần rồi do quỹ đầu tư Matrix Partners India dẫn dắt. Nguồn vốn mới giúp Krutrim đạt mức định giá 1 tỉ đô la và trở thành kỳ lân đầu tiên trong năm 2024 của Ấn Độ.

Nhà sáng lập Bhavish Aggarwal của startup AI Krutrim SI Designs vừa đạt mức định giá 1 tỉ đô la. Ảnh: Inshorts

Các startup Ấn Độ sẽ trở xương sống vững chắc của nền kinh tế trong 25 năm nữa, như lời của Thủ tướng Nadrenra Modi. Nhưng hiện vốn và tinh thần mạo hiểm là hai chìa khóa quan trọng nhất mà Ấn Độ đang thiếu.

Kỳ lân đầu tiên của năm 2024

Thành lập năm 2023, Krutrim là startup tăng trưởng nhanh nhất tại Ấn Độ để đạt trạng thái kỳ lân. Nhà sáng lập là Bhavish Aggarwal, người đồng sáng lập startup gọi xe công nghệ Ola. Có nghĩa là “nhân tạo” trong tiếng Phạn, Krutrim chủ yếu tập trung vào phát triển AI tạo sinh trên nhiều ngôn ngữ của Ấn Độ, như tiếng Hindi và tBengali.

Aggarwal cho biết vòng cấp vốn mới “nhấn mạnh sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào khả năng của chúng tôi trong việc thúc đẩy sự thay đổi có ý nghĩa tại Ấn Độ và ảnh hưởng đến thế giới”.

Các nhà phân tích tin rằng startup Ấn Độ sẽ nhận thêm nguồn vốn mới sau khi dòng vốn đổ vào Trung Quốc đổi chiều, chảy ngược ra ngoài Trung Quốc. Nhưng trong năm 2023, nguồn tài trợ tại Ấn Độ gần như đóng băng, giống như nhiều nơi khác trên thế giới. Chính sách siết chặt tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương đã khiến nhà đầu tư chùn bước.

Theo quỹ đầu tư Orios Venture Partners, năm ngoái Ấn Độ chỉ có hai startup đạt trạng thái kỳ lân, rất ít ỏi so với 47 kỳ lân mới của năm 2021, 24 kỳ lân mới vào năm 2022. Đây cũng là mức thấp kỷ lục kể từ năm 2017 khi Ấn Độ không có startup nào trở thành kỳ lân.

Theo Orios, nguồn vốn tài trợ cho các startup chỉ đạt 8,2 tỉ đô la trong năm 2023, giảm 72% so với năm trước đó. GlobalData đã mô tả sự chậm lại của năm ngoái là hệ quả của một “mùa đông tài trợ”. Tuy nhiên, hãng nghiên cứu Anh nói thêm rằng “môi trường không quá ảm đạm đối với các startup có lộ trình rõ ràng và các nguyên tắc cơ bản vững chắc”.

Khi môi trường gọi vốn có biến động, các startup cũng như kỳ lân đã tập trung vào kiếm lợi nhuận. Quỹ Orios cho rằng “vẫn còn phải xem liệu sự thay đổi này có chuyển thành một nguồn tài trợ mới hay không”, tức các kỳ lân dùng lợi nhuận làm nguồn vốn mới nuôi dưỡng các startup.

Vang danh nhờ startup

Ấn Độ được xem là cường quốc khởi nghiệp nhờ nguồn nhân tài công nghệ dồi dào. Với 71 startup định giá từ 1 tỉ đô la, Ấn Độ là nơi có số lượng kỳ lân lớn thứ ba sau Mỹ với 652 kỳ lân và Trung Quốc với 173 kỳ lân, tính đến tháng 10-2023- theo CB Insights.

Các số liệu mới khác cho thấy, số lượng kỳ lân ở Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ tính đến cuối năm 2023 lần lượt là 712, 316 và 111, với Trung Quốc dẫn đầu về tăng trưởng số lượng.

Dữ liệu mới cho thấy khoảng cách lớn về số lượng kỳ lân, cũng như startup của Ấn Độ so với hai cường quốc kinh tế thế giới.

Con đường hỗ trợ startup ở Ấn Độ khởi sự trễ hơn Mỹ và Trung Quốc nhiều. Hai năm sau khi nắm quyền, năm 2016 Thủ tướng Nadrenra Modi hình thành chương trình hỗ trợ khởi nghiệp. Lúc này, Ấn Độ có 11 kỳ lân.

Ngày 16-1-2022, ông Modi tuyên bố lấy ngày 16-1 hàng năm làm Ngày Khởi nghiệp quốc gia. Năm 2022, cũng là thời điểm số kỳ lân Ấn Độ vượt 100. “Các công ty khởi nghiệp sẽ trở thành xương sống của Ấn Độ mới. Khi Ấn Độ kỷ niệm 100 năm độc lập vào năm 2047, các công ty khởi nghiệp sẽ có vai trò quan trọng. Những nhà đổi mới của Ấn Độ sẽ giúp đất nước vang danh toàn cầu”, ông Modi phát biểu.

Sự chuyển mình ở các tiểu bang, nỗ lực của chính phủ trung tâm đã tạo nên sự thay đổi kỳ diệu. Năm 2016, Ấn Độ chỉ có 452 dự án mạo hiểm. Đầu năm 2023, đã có gần 90.000 startup ra đời, trải rộng khắp các lĩnh vực kinh tế quan trọng, như tin học, y tế, khoa học ời sống, giáo dục – theo Cục Xúc tiến Công nghiệp và Nội thương (DPIIT) của Ấn Độ.

Nhân Ngày Khởi nghiệp quốc gia 2024, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và công đoàn Piyush Goyal đã gặp 54 trong số 111 kỳ lân Ấn Độ. Cuộc họp marathon có sự tham dự của các tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực fintech, công nghệ y tế, công nghệ nông nghiệp, du lịch, xe hơi và các lĩnh vực khác. Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Goyal kêu gọi các nhà sáng lập và CEO của các kỳ lân dành 30 phút mỗi tháng để tư vấn và hỗ trợ các startup non trẻ trên nền tảng của bộ vừa thành lập. Các kỳ lân cũng quyết định thành lập “Câu lạc bộ khởi nghiệp Ấn Độ” để nuôi dưỡng hoài bão, hỗ trợ giấc mợ kỳ lân của các startup mới.

Nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò chính

Nhưng tài chính có lẽ là vấn đề lớn nhất của tham vọng Ấn Độ. Krutrim đi chặng đường cuối 50 triệu đô la để trở thành kỳ lân vào đầu năm nay, thay vì đã từ lâu, có lẽ là câu trả lời rõ nhất.

Các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ chìa khóa thành công các thương vụ IPO của startup công nghệ Ấn Độ. Bởi các quỹ trong nước vẫn còn thận trọng trong việc hỗ trợ các dự án đầu tư mạo hiểm non nớt, đang thua lỗ ở Ấn Độ.

Trong nửa đầu năm 2023, các nhà đầu tư danh mục đầu tư nước ngoài đã tăng gần gấp ba lần lượng sở hữu của họ ở ba startup lớn. Nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 33,3% dịch vụ giao đồ ăn Zomato, 22,7% của công ty hậu cần Delhivery và 16,8% của nhà cung cấp dịch vụ tài chính Paytm. Ngoài ra, thị phần của họ trong startup bảo hiểm Policybazaar đã tăng gấp đôi lên gần 30%. Đối với công ty phong cách sống Nykaa, con số này tăng gấp rưỡi đạt 10%.

Để so sánh, cho đến cuối tháng 6-2023, các định chế trong nước sở hữu 9,9% Zomato, 14,6% Delhivery, 3,5% Paytm, 15,4% Policybazaar và 11,6% Nykaa.

Giới phân tích cho rằng sự khác biệt là nhà đầu tư nước ngoài rất quen thuộc chuyện doanh nghiệp niêm yết được định giá cao, nhưng lại thua lỗ, đặc biệt là ở Mỹ. Trong khi đó, giới đầu tư Ấn Độ lại dè dặt với những dự án đầu tư có tính mạo hiểm.

Kranthi Bathini, giám đốc chiến lược vốn cổ phần của hãng tư vấn WealthMills Securities, cho rằng: “Nhà đầu tư nước ngoài rất hào hứng với triển vọng ngày càng tăng của nền kinh tế Ấn Độ. Về lâu dài, startup công nghệ có vẻ đầy hứa hẹn với nhà đầu tư nước ngoài. Họ quen với việc nhìn thấy những doanh nghiệp như vậy ở nước ngoài hơn là các nhà đầu tư trong nước”.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/con-duong-tro-thanh-xu-so-ky-lan-cua-an-do-co-de-di/