Con đường thương hiệu của cây quế

(PL-NS)- So với nhiều loại quế trồng ở xứ Bắc, quế Trà Bồng-Tây Trà (Quảng Ngãi) tuy phát triển chậm nhưng vỏ dày, hàm lượng tinh dầu cao nên được thị trường ưa chuộng. Thế nhưng mãi đến đầu tháng 9-2010, quế Trà Bồng mới được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu độc quyền.

Thăng trầm cây quế Cụ Hồ Chí Khánh, dân tộc Co ở thôn 3, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng, kể: Theo truyền thuyết của dân tộc mình thì cây quế là cây thiêng, do chim trời gieo xuống. Người Co tìm thấy và lấy hạt gieo khắp núi rừng làng bản nên mới gọi Trà Bồng và Tây Trà là “đất quế”. Nếu người Kinh lấy sự giàu có là “ruộng mẫu, trâu đôi” để tính sự giàu có thì người Co ở Trà Bồng, Tây Trà lấy rừng quế làm thước đo của sự giàu nghèo. Từ nhiều thế kỷ trước, những thương nhân Hoa kiều, Bồ Đào Nha từng đến Trà Bồng để thu mua quế. Sau ngày đất nước thống nhất, quế Trà Bồng, Tây Trà lại theo các chuyến tàu hàng xuất sang thị trường Đông Âu, Trung Quốc, Đài Loan. Thế nhưng nhiều năm rồi, thị trường quế ở Trà Bồng bị ngưng đọng, giá quế hạ dài. Bởi trước đây, do phong trào “người người trồng quế, nhà nhà trồng quế” nên một số doanh nghiệp đã lấy hạt giống quế ở xứ khác đem về gieo ươm, bán cho người dân trồng hoặc cấp qua các dự án. Hàng trăm hecta quế tại đất Trà Bồng tuy phát triển nhanh nhưng vỏ mỏng ít dầu. Sớm thấy được sự nguy hại này, cơ quan chức năng huyện Trà Bồng đã có văn bản chỉ đạo bảo tồn giống quế bản địa trên cơ sở vận động người dân trồng quế địa phương và loại bỏ dần giống quế ngoại lai chất lượng thấp. Đồng bào dân tộc Co ở xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng khai thác quế. Ảnh: VÕ QUÝ Việc tiếp thị, kinh doanh sản phẩm quế trên thị trường nội địa hay xuất khẩu vẫn rất khó khăn. Bà Trần Thị Hạ, chủ doanh nghiệp Lương Hạ - chuyên kinh doanh mặt hàng quế ở thị trấn Trà Xuân, phân tích: “Cần phải có nhãn hiệu thì việc tiếp thị, kinh doanh hàng mới thuận lợi. Có doanh nghiệp thu gom, xuất khẩu quế ra nước ngoài nhưng muốn tìm quế Trà Bồng cũng thật khó. Nhiều nơi tiếp thị quế Trà Bồng nhưng chất lượng mỗi nơi một khác nhau khiến doanh nghiệp thu mua không khỏi phân vân. Điều này vô tình gây khó khăn rất lớn cho việc kinh doanh quế Trà Bồng chính hiệu”. Anh Hồ Văn Tân, dân tộc Co, đến tham dự buổi lễ công bố nhãn hiệu quế, nói: “Mình có rẫy quế trên vài chục ngàn cây. Chỉ mong cây quế Trà Bồng có thương hiệu, doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi thì giá họ thu mua quế của mình mới khá lên”. Con đường “nhãn hiệu” Ông Hồ Văn Thế, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, cho hay: Từ năm 2007, huyện đã nhận thấy cần phải có một nhãn hiệu thì mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh, phát triển trồng quế. Vì vậy, huyện đã liên hệ với huyện Tây Trà, bày tỏ mục đích và đề nghị tham gia. Sau khi hai huyện thống nhất xong, huyện chỉ đạo cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng (nay là Phòng Công thương) họp mặt các doanh nghiệp và người trồng quế tiêu biểu trên địa bàn để bàn việc đăng ký nhãn hiệu. Theo đó, có 196 thành viên của huyện Trà Bồng và Tây Trà là hộ sản xuất, kinh doanh quế đã tự nguyện đăng ký nhãn hiệu quế. Việc làm này đã được Sở Thương mại và Du lịch Quảng Ngãi đồng tình. UBND tỉnh cho phép sử dụng địa danh Trà Bồng, Tây Trà để đăng ký độc quyền bảo hộ nhãn hiệu “Quế Trà Bồng-Tây Trà và Hình”. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) ra quyết định số 7194/QĐ-SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Quế Trà Bồng-Tây Trà và Hình”. Đây là nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể gồm: quế và quế sơ chế dùng làm đồ gia vị; mua bán quế và sơ chế quế, trồng quế. Quế Tam Sơn có giá trị cao ở Trà Bồng-Tây Trà. Ảnh: VÕ QUÝ Theo thống kế chưa đầy đủ, huyện Trà Bồng hiện có 2.500 ha quế và Tây Trà có 3.300 ha quế. Trong đó, có khoảng 30% diện tích quế đã trồng 7-10 năm, nay đã đến thời điểm khai thác. Hiện tại, giá quế Tam Sơn bán ở Trà Bồng 90.000-100.000 đồng/kg, quế xô dầu: 55.000-60.000 đồng/kg, quế ống: 20.000 đồng/kg. Ông Hồ Văn Thế cho biết thêm: Sau khi công bố thương hiệu, huyện Trà Bồng và Tây Trà sẽ tổ chức giới thiệu sản phẩm quế ở các hội chợ, triển lãm trong khu vực, lập trang web về quế Trà Bồng, Tây Trà. Hai huyện cũng sẽ quy hoạch lại vùng trồng quế, tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật để trồng và chăm bón quế. Hy vọng sắp tới đây, cuộc sống của dân tộc Co trên đất Trà Bồng, Tây Trà sẽ được cải thiện nhờ cây quế đã được độc quyền bảo hộ nhãn hiệu. VÕ QUÝ (Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 160)

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/2011020607206257p1014c1070/con-duong-thuong-hieu-cua-cay-que.htm