Con đường 'ngự đạo' đưa tiễn linh cữu hoàng thân triều Nguyễn

Trong ghi chép của Leopold Cadiere, từ bến thuyền đến lăng Gia Long có một lối vào có tên'ngự đạo', đây cũng là con đường đưa tiễn linh cữu các vị hoàng thân triều Nguyễn.

Ba lối bậc cấp dẫn lên điện thờ thuộc lăng Gia Long. Ảnh: Nguyễn Chi Nam/Nhân Dân.

Có những điều cần xem ở lăng Gia Long:

1. Tổng thể và chi tiết thắng cảnh tự nhiên; 2. Lăng Quang Hưng 3. Điện Minh Thành; 4. Lăng Thiên Thọ; 5. Bi đình; 6. Lăng Thiên Thọ Hữu; 7. Điện Gia Thành; 8. Chùa Thánh Mẫu; 9. Lăng Trường Phong; 10. Lăng Thoại Thánh; 11. Điện Thoại Thánh; 12. Bảo tháp của Công chúa Long Thành; 13. Cuối cùng là lăng mộ Vĩnh Mậu.

Những điểm chữ in đậm là những nơi mà các du khách không thể bỏ qua. Những điểm chữ bình thường là các di tích được các nhà sử học hoặc nhà khảo cổ học quan tâm, mà khách du lịch có thể ghé thăm nếu có thời gian hoặc không sợ mệt mỏi vì ở đó có cảnh đẹp như tranh vẽ.

Để hiểu được sâu sắc toàn bộ chi tiết thắng cảnh tự nhiên, bạn chỉ cần đi bộ trên những con đường dẫn từ di tích này đến di tích khác. Để tham quan các di tích khác nhau, chúng ta sẽ đi theo thứ tự hợp lý và thuận tiện cho du khách.

Sau khi băng qua cồn cát với con sông ở phía tả ngạn, chúng ta đến lối vào của "ngự đạo". Hai bên đường, lúc đầu trồng toàn xoan, sau đó là cây đề và cây thông. Về phía hạ lưu một chút mở ra "ngự đạo" dẫn đến lăng Vĩnh Mậu. Tiếp tục xuống dưới nữa, "ngự đạo" dẫn đến lăng Trường Phong. Du khách muốn đến thăm những lăng mộ này có thể đi theo hai tuyến đường trên.

Ngày 26/4/1815, vào lúc 3-5 giờ sáng, giờ Dần, linh cữu của Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu (1762-1814, hoàng hậu của Gia Long), chính thất của vua Gia Long đi qua cửa "ngự đạo" vào trong lăng. Vài năm sau đến lượt vị đại đế Gia Long qua đời. Đoàn đưa tang rời Huế vào sáng ngày 25/5/1820. Ngày 25 sau khi tế lễ An Điện trên đường đi, một viên quan được ủy nhiệm thông báo đoàn rước lễ tiến vào con đường dẫn đến nơi an táng.

Buổi tối linh cữu và cả đoàn rước về đến bến thuyền. Đèn lồng được thắp sáng ở hai bên đường suốt đêm, đoạn giũa bờ sông và lăng mộ. Từ 5 giờ đến 7 giờ sáng ngày 27/5, sau khi một đại quan kính cẩn xin phép hoàng thượng quá cố, linh cữu được đặt xuống đất và người ta bắt đầu di chuyển theo thứ tự đã định về nơi an táng. Trong số các quan lại của triều đình có một người Pháp, Philippe Vannier, và có lẽ có cả Despiaux. Chaigneau đang ở Pháp vào thời điểm đó.

Ở hai bên lối vào khu vực, chúng ta nhìn thấy những cây cột đầu tiên đánh dấu khu đất thiêng của lăng mộ. Theo phong tục được ghi trong Bộ luật thì vùng đất nơi chôn cất người chết là bất khả xâm phạm. Diện tích đất này lớn hay nhỏ tùy thuộc vào tình trạng của người đã khuất. Của tư nhân chỉ vài mét vuông, đối với các quan lớn và các hoàng tử trong hoàng tộc thì rộng hơn.

Còn đối với lăng Gia Long và các lăng mộ hoàng gia khác thì chu vi lên tới 11.234,40 mét (Bản vẽ năm Tự Đức thứ XII (1859), là 2.640 trượng). Ban đầu có 85 cột phân định khu lăng mộ. Năm 1859, chỉ còn 42 cột. Đến nay chỉ còn lại 10 cột, hầu hết chúng đều ở trong tình trạng hoang tàn.

Tại điểm cách bến thuyền 275 mét thì "ngự đạo" phân nhánh. Con đường phải đi qua không xa lăng mộ Vĩnh Mậu và lăng của Công chúa Long Thành, đến điện và lăng Thoại Thánh, sau đó đến điện Gia Thành và đến lăng Thiên Thọ Hữu, gần đó con đường này nối với đường bên trái. Đấy là lộ trình chúng ta sẽ quay về, con đường bên trái dài 1.538 mét dẫn du khách đến lăng Gia Long và các công trình phụ thuộc.

Leopold Cadiere, Charles Patris/ NXB Khoa học xã hội và Mai Ha Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/con-duong-ngu-dao-dua-tien-linh-cuu-hoang-than-trieu-nguyen-post1457057.html