Con đường nào có thể giảm được lãi suất cho vay?

Trong buổi Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ với doanh nghiệp vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo điều hành lãi suất vĩ mô ổn định, chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, chú trọng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Như vậy, lãi suất cho vay đến cuối năm sẽ giảm?

Có ý kiến cho rằng, nếu nợ xấu được xử lý thì giảm lãi cho vay có thể giảm được. Ảnh: Vi An

NHNN chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất

Thông tin từ NHNN cho biết, từ cuối tháng 4.2016 đến nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm khoảng 1%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và điều chỉnh giảm về tối đa 10%/năm lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD hiện chỉ bằng 40% lãi suất cho vay năm 2011, thấp hơn mức lãi suất cho vay giai đoạn 2005-2006.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì mức lãi suất này vẫn ở mức cao. Lý giải vấn đề này, Thống đốc NHNN cho biết, một số nước trong khu vực (như Nhật Bản, Trung Quốc) có lãi suất cho vay thấp là vì lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, kinh tế vĩ mô ổn định; khả năng dự báo và hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cao; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Trong khi tình hình của Việt Nam là nước đang phát triển nên nhu cầu vốn cho phát triển rất lớn, các cân đối lớn nền kinh tế ổn định nhưng lạm phát chưa ổn định... đã ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất cho vay với các ngân hàng. So với các nước trong khu vực ASEAN thì Việt Nam ở mức 6-11%/năm, ngoại tệ 3-4%/năm là mức tương đối hợp lý so với bối cảnh tương quan Việt Nam và khu vực.

Báo cáo tổng hợp các ý kiến chất vấn của cử tri Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV cho biết, cử tri TPHCM kiến nghị ngành ngân hàng cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, để họ có thể tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất ưu đãi để cải tiến công nghệ, máy móc, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Phát biểu tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng nêu kiến nghị NHNN và hệ thống NHTM tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phù hợp để nới lỏng điều kiện cho vay, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

Đây là vấn đề được các doanh nghiệp hết sức quan tâm, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi họ luôn phải kêu trời bởi chi phí đầu vào cao, khó cạnh tranh với các nước trong khu vực, nói gì tới thế giới. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo điều hành lãi suất vĩ mô ổn định, chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, chú trọng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp…

Có thể giảm lãi suất từ giờ đến cuối năm?

Theo quy luật hàng năm, càng về cuối năm, nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp càng tăng cao, nhằm tích trữ hàng hóa, tăng cường sản xuất phục vụ cho nhu cầu người dân dịp Tết. Như vậy, xu hướng lãi suất hiện tại có thể là điểm khởi đầu của chuỗi tăng lãi suất trong thời gian tới.

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mặt bằng lãi suất năm 2017 sẽ tương đối ổn định và chỉ biến động nhẹ quanh mức cuối năm 2016, mức tăng nếu có sẽ không quá 50 điểm cơ bản.

“Trong năm 2017, mặt bằng lãi suất sẽ vẫn tiếp tục chịu áp lực với những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng, kéo theo việc cạnh tranh huy động và những biến động trên thị trường thế giới, đặc biệt là lộ trình tăng lãi suất của FED đi cùng rủi ro tỷ giá. Theo đó chúng tôi đánh giá lãi suất sẽ rất khó giảm thêm”, VCBS nhấn mạnh.

Một trong những nguyên nhân chính khiến lãi suất cho vay của các NHTM khó có thể giảm sâu là do chi phí phải trích lập dự phòng cho nợ xấu vẫn còn lớn. Theo chuyên viên phân tích của BVSC, hiện mặt bằng lãi suất huy động tương đối ổn định, kỳ vọng lạm phát cũng đã được kéo xuống nên chi phí vốn của các ngân hàng thương mại sẽ được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Và nếu nợ xấu được xử lý quyết liệt hơn, thì nhiều khả năng vẫn còn dư địa để lãi suất cho vay có thể giảm tiếp dù với biên độ không nhiều.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu còn nhiều ý kiến trái chiều, người cho rằng có ban hành rồi cũng không hiệu quả vì còn vướng các luật hiện hành, không giải quyết được căn cơ nợ xấu; ý kiến khác lại cho rằng một Nghị quyết là chưa đủ để giải quyết được câu chuyện này.

Như vậy còn dư địa nào cho việc giảm lãi suất từ giờ tới cuối năm không? TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết: Về lý thuyết, giảm lãi suất cho vay là việc NHNN có thể làm được, bằng cách mua lại trái phiếu trên thị trường OMO, mua lại trái phiếu Chính phủ của các NHTM, đẩy lượng tiền lớn vào lưu thông. Làm được như vậy giá vốn sẽ giảm, lãi suất cho vay sẽ giảm.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu thì trên thực tế để làm được điều này không phải là việc dễ với NHNN Việt Nam. Vì NHNN Việt Nam không có tính độc lập như ngân hàng trung ương ở một số nước trên thế giới, chẳng hạn như Mỹ. NHNN phụ thuộc rất lớn vào Bộ Tài chính, mà lãi suất trái phiếu Chính phủ ở nước ta thường khá cao. Thành ra có công cụ nhưng NHNN chưa thể độc lập sử dụng để giảm lãi suất bằng cách bơm tiền ra được.

Bản thân các NHTM hiện nay cũng chỉ vừa đủ để họ chi phí và có một chút lãi. Vì vậy, sẽ không NHTM nào chịu làm ăn lỗ để giảm lãi suất.

NHNN đang bị “rơi” vào thế khó khi mà vừa phải lo ổn định lạm phát, lại vừa chịu sức ép trước lãi suất trái phiếu Chính phủ, cùng với đó cũng không thể bắt các NHTM giảm lãi suất để chịu lỗ. Vì thế, dư địa để giảm lãi suất hiện nay còn rất ít. Làm sao để giảm lãi suất, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp phát triển? Đây là câu hỏi lớn đặt ra cho toàn nền kinh tế nói chung và NHNN nói riêng.

Vi An

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thong-tin-ktxh/con-duong-nao-co-the-giam-duoc-lai-suat-cho-vay-672678.bld