Con đường 'không chỉ có hoa hồng' của tân Tổng thống Indonesia

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở quốc gia Đông Nam Á này, sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ ngoài phòng bỏ phiếu được công bố. Theo đó, ông đã giành được gần 60% số phiếu ủng hộ, vượt trội so với tỷ lệ 25% và 17% của hai đối thủ còn lại.

Phát biểu trước người ủng hộ ở Thủ đô Jakarta, ông cam kết thành lập một chính phủ bao gồm “những người Indonesia ưu tú nhất” và khẳng định, đây là một chiến thắng cho toàn thể người dân.

Kết quả chính thức của cuộc tổng tuyển cử tại Indonesia sẽ được Ủy ban Bầu cử quốc gia công bố muộn nhất vào ngày 20/3 tới, song, các cơ quan khảo sát độc lập thường công bố kết quả “kiểm phiếu nhanh” tại các điểm bỏ phiếu vài giờ sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc. Trong các cuộc bầu cử trước đây, những kết quả “đếm nhanh” này không mấy khác biệt so với kết quả chính thức cuối cùng và nhiều ứng cử viên đã dựa vào kết quả đếm nhanh này để tuyên bố chiến thắng. Đối với nhiều người dân Indonesia, kết quả này không quá bất ngờ vì đã từng được dự báo qua các cuộc thăm dò ý kiến trong suốt quá trình tranh cử từ tháng 11/2023 đến trước thời điểm cuộc bầu cử chính thức diễn ra.

Ông Prabowo Subianto phát biểu trước những người ủng hộ ở Thủ đô Jakarta.

Ông Prabowo Subianto nhận được sự ủng hộ của một bộ phận không nhỏ cử tri nhờ xuất thân từ quân đội. Ông là một chính trị gia, doanh nhân và sĩ quan quân đội cấp cao của Indonesia với sự nghiệp quân ngũ 28 năm trước khi bước vào lĩnh vực kinh doanh, chính trị và chính phủ. Bên cạnh đó, liên danh tranh cử phó tổng thống với ông là con trai của Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo, Thị trưởng Surakarta, ông Gibran Rakabuming Raka. Sự lựa chọn này được đánh giá là “sáng suốt” khi ông đồng thời nhận được sự ủng hộ của người tiền nhiệm và hưởng lợi từ những thành quả trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp của Tổng thống Joko Widodo, với tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Indonesia.

Cuộc bầu cử lần này được nhiều người coi là cuộc trưng cầu ý dân về các sáng kiến và chính sách của Tổng thống Joko Widodo. Trong quá trình tranh cử, ông Prabowo Subianto luôn khẳng định sẽ cam kết tiếp tục các chính sách lớn của Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo. Ông đã đưa ra chiến lược Chuyển đổi quốc gia với mục tiêu tăng cường sự thịnh vượng của đất nước. Về chính sách đối ngoại, ông chủ trương duy trì chính sách “độc lập và tự chủ”, đưa Indonesia trở thành láng giềng tốt và là bè bạn tốt của tất cả các nước; tiếp tục tôn trọng, duy trì quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản… và các quốc gia Hồi giáo; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế. Đây cũng là những đường hướng mà chính quyền Tổng thống Joko Widodo đang theo đuổi.

Kinh tế là lĩnh vực ông Prabowo Subianto tập trung hàng đầu với việc xây dựng các ngành công nghiệp hạ nguồn, cải thiện hệ thống thuế quốc gia, thúc đẩy các ngành kinh tế xanh, phát huy nguồn lực tài nguyên, tiếp cận các công nghệ mới, cam kết có thể tự chủ lương thực trong 3 năm tới... Chiến lược của ông cũng hướng nhiều vào tầng lớp người lao động, người dân có thu nhập thấp với những việc làm cụ thể như xây dựng 3 triệu ngôi nhà ở khu vực nông thôn, thành thị và ven biển; cam kết giúp đỡ cư dân nghèo.

Về các vấn đề y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội, văn hóa, việc làm trong công nghệ thông tin và nguồn nhân lực, ông Prabowo chú trọng đến cải thiện cuộc sống của người dân Indonesia từ những việc làm cụ thể như cung cấp thực phẩm dinh dưỡng cho tất cả trẻ em và phụ nữ mang thai; xây dựng các bệnh viện và trung tâm y tế hiện đại ở mọi vùng của Indonesia... Với những chương trình, kế hoạch trên, nhiều nhà phân tích nhận định ông Prabowo Subianto sẽ tiếp tục đường hướng phát triển và kế thừa những di sản của Tổng thống Joko Widodo về mặt kinh tế, chính trị và đối ngoại.

Đã từng 2 lần tranh cử Tổng thống (2014-2019) song đều thất bại trước ông Joko Widodo, với lần tranh cử này, ông Prabowo Subianto là ứng cử viên giàu kinh nghiệm nhất trong 3 ứng cử viên về chính sách quốc phòng và đối ngoại, có sự nghiệp quân sự kéo dài từ những năm 1970 và từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong 5 năm qua. Ông cũng đi đầu trong các nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang Indonesia, khiến ông trở thành ứng cử viên duy nhất có kinh nghiệm trong lĩnh vực cụ thể này.

Và, không giống như các cuộc bầu cử trước, ứng cử viên Prabowo Subianto không “phô trương” các thành tích quân sự của mình, thay vào đó thể hiện một hình ảnh nhẹ nhàng hơn, gây được tiếng vang với đông đảo thanh niên Indonesia. Các video về ông Prabowo Subianto khiêu vũ tại các sự kiện vận động tranh cử đã lan truyền trên mạng xã hội, thu hút các cử tri trẻ tuổi của Indonesia, đặc biệt là những người dưới 40 tuổi, chiếm khoảng 52% trong tổng số hơn 204 triệu cử tri đủ điều kiện của đất nước.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo mới của Indonesia cũng phải quyết hàng loạt thách thức về kinh tế, trong đó có vấn đề lạm phát, bài toán việc làm, hay tác động của các biến động địa chính trị khu vực, an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu và các vấn đề bền vững. Chính phủ mới cần phải giải bài toán việc làm, đặc biệt là cho thế hệ trẻ vì giới trẻ đã trở thành yếu tố then chốt cho kết quả của cuộc bầu cử lần này khi hơn 50% cử tri có độ tuổi từ 17 đến 40 và hơn 30% là cử tri dưới 30 tuổi.

Nếu nhà lãnh đạo mới tiếp tục thực hiện các chính sách của Tổng thống Joko Widodo, trong đó tập trung đầu tư vào khai thác mỏ (chỉ chiếm 1% tổng số việc làm) thì khó có thể cải thiện việc sử dụng nguồn lực lao động của Indonesia và có thể khiến tăng trưởng GDP giảm. Những khó khăn vẫn ở phía trước, nhưng cử tri Indonesia tin tưởng ứng cử viên Prabowo Subianto và liên minh của ông sẽ có thể đối mặt với thách thức và dẫn dắt đất nước hướng tới một “Indonesia Vàng 2045”, đưa Indonesia trở thành nền kinh tế phát triển vào dịp kỷ niệm 100 năm độc lập.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/con-duong-khong-chi-co-hoa-hong-cua-tan-tong-thong-indonesia-i722871/