“Con đường gỗ lậu” thách thức lực lượng chức năng

* UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm

(Cadn.com.vn) - Vụ việc vận chuyển gần 100m3 gỗ lậu tại khu vực xã biên giới Ia Chía (H. Ia Grai, Gia Lai) lần nữa không chỉ thể hiện tính chất phức tạp về tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép mà còn thể hiện nhiều yếu tố bất cập trong công tác tuần tra, kiểm soát lâm sản. Bởi lâu nay, khu vực giáp ranh của 2 tỉnh Gia Lai - Kon Tum đã hình thành một “con đường gỗ lậu” kéo dài qua nhiều xã, huyện của 2 tỉnh này.

Sau khi Báo Công an TP Đà Nẵng có bài viết “Nổ súng trấn áp lâm tặc cướp 100m3 gỗ tang vật” phản ánh việc hàng chục đối tượng lâm tặc tổ chức vận chuyển khoảng gần cả trăm khối gỗ. Khi qua địa bàn xã Kom Ngó xã biên giới Ia Chía (H. Ia Grai, Gia Lai), 5 xe tải chở gỗ bị lực lượng chức năng bắt giữ, hàng chục đối tượng đã đưa người vào cướp 5 xe cùng số gỗ tang vật. Thậm chí, những đối tượng này dùng ô-tô lao vào lực lượng chức năng để tẩu thoát. Với sự phối hợp của 3 Đồn biên phòng và các lực lượng chức năng, cả 5 xe cùng tang vật đã bị bắt giữ lại ngay sau đó. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không bắt giữ được đối tượng tham gia vận chuyển gỗ trái phép cũng như những đối tượng tổ chức cướp gỗ nào. Đây được xem là vụ vận chuyển gỗ trái phép lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị phát hiện, bắt giữ.

Dù điểm chốt chặn kiểm soát lâm sản của H. Ia HDrai (Kon Tum) 24/24 giờ với 3 lực lượng nhưng đã nhiều vụ lâm sản qua đây trót lọt.

Trước vụ việc trên, UBND tỉnh Gia Lai đã có Công văn số 4624 chỉ đạo BCH BĐBP tỉnh phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, UBND H. Ia Grai và các lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, bổ sung hồ sơ để xử lý các đối tượng vi phạm theo đúng quy định. Trường hợp vụ việc vượt quá giới hạn xử lý hành chính thì hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục có liên quan, chuyển cho cơ quan CSĐT để tiếp tục điều tra, xử lý.

Trong ngày 7-10, tại Hạt KL H. Ia Grai, lực lượng BĐBP, KL và CA tiến hành bốc dỡ toàn bộ số gỗ trên 5 ô-tô để tiến hành đo đếm. Bước đầu, dù chưa xác định chính xác tổng khối lượng gỗ, tuy nhiên chủng loại gỗ được xác định gồm các loại như: gõ, kiền kiền, chò vàng, bằng lăng, sao cát, sến mủ. Theo quan sát của chúng tôi tại nơi đo đếm, rất nhiều cây gỗ vẫn còn khá tươi, vết xẻ hoàn toàn mới, thậm chí cả những bìa gỗ còn rơi rải rác trên thùng xe. Nhận định của những cán bộ đo đạc tại đây thì với chủng loại gỗ và bìa gỗ mới xẻ như thế này thì đến 90% số gỗ trên được vận chuyển từ Kon Tum qua địa bàn tỉnh Gia Lai tiêu thụ. Bởi những chủng loại gỗ như thế này đã gần như không còn ở khu vực biên giới của tỉnh Gia Lai.

Cơ quan chức năng tiến hành đo đếm số gỗ trên 5 ô-tô vừa bị bắt giữ.

Chuyện này có lẽ không còn mới đối với các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai, bởi lâu nay giữa khu vực giáp ranh từ Kon Tum về Gia Lai đã hình thành một “con đường gỗ lậu” làm đau đầu các cơ quan chức năng. Dù có chốt chặn, kiểm soát, thậm chí ngay tại điểm giáp ranh của 2 huyện Ia Grai (Gia Lai) và Ia HDrai (Kon Tum) có điểm chốt gồm: biên phòng, KL, CA túc trực 24/24 giờ nhưng gỗ lậu vẫn lọt qua đây. Đơn cử, như thống kê của Hạt KL H. Ia Grai, chỉ trong quý I-2015, thì có đến gần 80% vụ vi phạm với nguồn gốc là lâm sản từ Kon Tum.

Dù sau đó, cơ quan chức năng 2 tỉnh Kon Tum, Gia Lai phối hợp để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát lâm sản nhưng chỉ dịu một thời gian rồi “bùng phát” trở lại. Khi các lực lượng chức năng của tỉnh Kon Tum lập chốt chặn 24/24 giờ thì nhiều địa điểm như: bến làng Tung, bến Cao su non, bến làng Ếch (xã Ia Khai, H. Ia Grai), bến làng Lân (xã Ia O, H. Ia Grai) trở thành điểm tập kết số gỗ khai thác trái phép từ Kon Tum đưa bằng đường sông Pô Cô chảy từ Kon Tum sang Gia Lai.

Những cây gỗ còn mới tinh vết cắt được nhận định có nguồn gốc từ Kon Tum về Gia Lai.

Chính người dân địa phương ở làng Kom Ngó - nơi bắt giữ 5 chiếc xe gỗ lậu vừa qua cũng “kêu trời” vì việc vận chuyển lâm sản qua làng diễn ra như cơm bữa. Những người dân cho biết, xe chở gỗ lậu thường xuyên biến tuyến đường liên xã Ia O, Ia Chía qua làng Kom Ngó trở thành “con đường gỗ lậu”. “Cứ 1 giờ sáng đến 3 giờ sáng là xe gỗ bắt đầu chạy, xe 16 chỗ cũng có, xe ben cũng có khiến con đường liên xã này dù chỉ mới làm được 3 năm đã nát như tương” - một người dân cho biết. Trước tình hình trên, người dân buộc có ý kiến phản ánh lên xã tình trạng xe chở gỗ lậu phá nát đường nhưng vẫn chưa có vụ bắt giữ xe chở gỗ lậu nào. Đây là vụ đầu tiên bắt gỗ lậu trên tuyến đường này mà người dân làng Kom Ngó chứng kiến.

Điều mà dư luận quan tâm hiện nay vẫn là việc xác định đối tượng vận chuyển, cướp tang vật và nguồn gốc gỗ trên ở đâu? Bởi theo phản ánh của các nguồn tin chúng tôi, khi bị bắt giữ, những đối tượng “lâm tặc” đã năn nỉ lực lượng chức năng “bỏ qua”. Khi lực lượng chức năng kiên quyết, các đối tượng đã manh động lao vào cướp tang vật để tẩu thoát. Tuy nhiên, việc xác định đối tượng nào vẫn “mơ hồ” đối với cơ quan chức năng. Qua vụ việc trên, lần nữa thể hiện tình trạng vận chuyển, mua bán trái phép lâm sản trên địa bàn giáp ranh giữa 2 huyện Ia Grai và Ia HDrai ngày càng có chiều hướng phức tạp. Không chỉ các đối tượng “lâm tặc” đầu nậu lợi dụng địa hình giáp ranh để hình thành nên “con đường gỗ lậu” giữa 2 tỉnh mà có thể thấy việc tuần tra, kiểm soát lâm sản vẫn là dấu hỏi lớn của cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai - Kon Tum.

Minh Tân

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_155881_-con-duo-ng-go-la-u-tha-ch-thu-c-lu-c-luo-ng-chu-c.aspx