Con đường dài gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Trong gần 10 năm qua, Bộ Công Thương và Samsung đã phối hợp triển khai chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 doanh nghiệp Việt Nam. Từ các chương trình và hoạt động này, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 306 doanh nghiệp vào năm 2023. Kết quả này cũng phản ánh phần nào nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trên hành trình gia nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nhu cầu chuyển đổi từ hệ thống nhà máy truyền thống sang mô hình nhà máy thông minh đang dần trở thành xu hướng tất yếu với nhiều nhà sản xuất công nghiệp trong nước.

Với cơ chế tự sàng lọc và lựa chọn, các nhà sản xuất Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, phải cạnh tranh với những tập đoàn lớn không chỉ ở thị trường quốc tế mà ngay tại thị trường nội địa. Vì vậy, phát triển nhà máy thông minh là sự lựa chọn và cũng là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp nội địa hướng tới.

Hành trình nhiều cơ hội đan xen cùng thách thức

Trong buổi gặp Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc vào trung tuần tháng 1 vừa qua, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, cho biết Samsung vẫn liên tục mở rộng việc đầu tư tại Việt Nam và trong năm qua đã đầu tư thêm khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ. Tập đoàn tập trung vào phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ như hỗ trợ đào tạo tư vấn viên, các chuyên gia khuôn mẫu, hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) về phát triển và xây dựng nhà máy thông minh.

Thông qua các chương trình hợp tác này, các doanh nghiệp Việt Nam cấp 1 và cấp 2 tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung đã tăng gấp 12 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 đã lên tới 306 doanh nghiệp trong năm 2023. Trong thời gian tới, Samsung sẽ tăng cường hợp tác với NIC để vận hành phòng lab về đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin và đào tạo nhân tài công nghệ cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Câu chuyện nói trên đang mở ra một tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng, tạo tính lan tỏa sâu rộng, giúp doanh nghiệp nội địa tăng cơ hội phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế, thể hiện qua việc sản phẩm còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Một trong những thông số phản ánh mức độ tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong nước chính là tỷ lệ nội địa hóa. Theo báo cáo của Cục Công nghiệp (thuộc Bộ Công Thương), tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn khá thấp, đơn cử ngành điện tử chỉ từ 5-10%; ngành ô tô từ 7-10%; ngành dệt may, da giày từ 45-50%. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật, thiếu nguồn lực để đổi mới, nhiều đơn vị chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp.

Bên cạnh đó, một thông số quan trọng khác là tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ so với doanh thu, cụ thể, con số của các doanh nghiệp Việt Nam là dưới 0,5% doanh thu, trong khi Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc 10%. Tỷ lệ đổi mới máy móc, thiết bị hàng năm chỉ đạt khoảng 10% trong năm năm qua, trong khi nhiều nền kinh tế khác trong khu vực vào khoảng 15-20%.

Chia sẻ về nội dung này tại một hội nghị chuyên ngành, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho biết doanh nghiệp trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, yếu về vốn và công nghệ, trình độ quản trị sản xuất còn thấp. Trong khi đó, để trở thành nhà cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia cần vượt qua rất nhiều hạng mục tiêu chí, đó là bộ chỉ số mà doanh nghiệp phải nỗ lực. Đơn cử như Samsung có bốn bộ chỉ số về đảm bảo chất lượng, an toàn an ninh, kiểm soát minh bạch, đảm bảo chỉ số sản xuất; tương tự, các hãng khác của Mỹ, Nhật Bản… cũng đều có những quy định chặt chẽ tương tự.

Đây cũng là lý do mà nhiều doanh nghiệp mặc dù đã tham gia vào chương trình tư vấn cải tiến năng lực của Bộ Công Thương nhưng không phải ai cũng có thể trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn quốc tế. Điều này đòi hỏi cần sự nỗ lực hơn nữa từ phía doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ các bộ ngành và các tập đoàn đa quốc gia để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Hương khuyến nghị.

Hình thành mạng lưới doanh nghiệp tiềm năng

Các chuyên gia phân tích cho rằng có ba điểm hạn chế của ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Thứ nhất, doanh nghiệp trong ngành hiện vẫn nằm trong phân khúc giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi cung ứng. Thứ hai, tuy thời gian gần đây phần nghiên cứu phát triển (R&D) tại các doanh nghiệp được quan tâm nhưng chưa đúng mức. Và cuối cùng, mối liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa được chặt chẽ, mặc dù trong thời gian vừa qua các bộ ngành và địa phương đã tạo điều kiện để kết nối các doanh nghiệp nội địa với các tập đoàn đa quốc gia.

Do đó, giải pháp đặt ra vẫn là nâng cao năng lực cạnh tranh và doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ đầu tư về công nghệ để họ có thể tiếp cận vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn đang hoạt động tại Việt Nam.

Tại một buổi tọa đàm về chủ đề tháo gỡ khó khăn, tăng cường năng lực cho công nghiệp hỗ trợ, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho biết bối cảnh khó khăn chung toàn cầu khiến các nền kinh tế có nhiều thay đổi về chính sách xây dựng chuỗi cung ứng và làm nảy sinh nhiều cơ hội cùng thách thức cho các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp đang cần được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để được tiếp thêm những trợ lực từ chính sách, cơ chế nhằm tăng cường nguồn lực, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng.

Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho thấy, thời gian qua, một số sản phẩm cơ khí được sản xuất đạt chất lượng tốt, tương đương với chất lượng sản phẩm của một số quốc gia trong khu vực. Sở dĩ đạt được điều này một phần nhờ các doanh nghiệp đã nhận biết được nhu cầu rất lớn của thị trường công nghiệp hỗ trợ mà mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí.

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, theo VAMI, cần có chương trình hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành, ưu đãi cho công ty công nghiệp hỗ trợ cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về tài chính… Bên cạnh đó, cần có hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước với nhau, có cơ chế để các nhà đầu tư, nhà thầu ưu tiên sử dụng các sản phẩm cơ khí trong nước sản xuất hoặc đặt hàng để các doanh nghiệp trong nước tiến hành sản xuất thay vì phải nhập khẩu.

Trong khi đó, đối với lĩnh vực công nghiệp điện tử, bà Đỗ Thị Thúy Hương của VASI cho biết các doanh nghiệp trong lĩnh vực này khá gắn bó với nhau, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hầu hết các đơn vị đều sẵn sàng chia sẻ với nhau, kể cả về kinh nghiệm sản xuất, thậm chí chia sẻ cả khách hàng khi có những đơn hàng lớn để nhiều doanh nghiệp cùng tham gia.

Các doanh nghiệp rất nỗ lực trong việc kết nối với đối tác trong việc tự nâng cao năng lực bản thân cũng như trong việc chia sẻ các cơ hội với nhau. Và đây chính là tiền đề để họ có thể nâng cao giá trị nội địa trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Cục Công nghiệp cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển. Điều này sẽ thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam.

Yên Minh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/con-duong-dai-gia-nhap-sau-vao-chuoi-cung-ung-toan-cau/