Cơn cuồng nộ vẫn chưa hề lắng dịu

Những đám cháy vẫn tiếp tục bùng lên đầy giận dữ và cũng đã có những sự việc đáng tiếc xảy ra. Sự giằng xé giữa hai mệnh đề 'bảo vệ quyền tự do cá nhân' đối đầu với 'tôn trọng sự khác biệt tín ngưỡng' đang mỗi lúc một đẩy Thụy Điển, cũng như nước láng giềng Đan Mạch chìm thêm vào một cuộc khủng hoảng chưa hồi kết, liên quan tới những hành động bị cộng đồng các quốc gia Hồi giáo xem là sự 'báng bổ' đối với thánh kinh Koran của họ.

Thay đổi là đòi hỏi tất yếu, đối với hai quốc gia Bắc Âu, vào lúc này, vì lợi ích của chính họ.

Dập lửa trong muộn màng

Ngày 19/8, theo tờ The Local (Thụy Điển), Chính phủ Thụy Điển đã đề cập đến khả năng thay đổi Đạo luật Trật tự công cộng, nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình ẩn chứa các nguy cơ liên quan đến sự quá khích tôn giáo, tiêu biểu như những hành động đốt kinh Koran đã diễn ra liên tiếp trong quãng thời gian gần đây và mang tới những hệ lụy khôn lường.

Trước đó, hồi tháng 6, Tòa phúc thẩm Tối cao Thụy Điển đã ra phán quyết, rằng cảnh sát đã sai khi từ chối cấp phép cho 2 cuộc biểu tình đốt kinh Koran vào tháng 2, với lý do chúng gây ra rủi ro an ninh lớn hơn. Cơ sở lập luận của phán quyết này là việc Đạo luật Trật tự công cộng Thụy Điển chỉ trao quyền cho cảnh sát xem xét các rủi ro đối với an toàn công cộng ở khu vực trực tiếp nơi diễn ra sự kiện.

Một cuộc biểu tình tại Iraq phản đối đốt kinh Koran.

Song, chính quy định đó lại khiến cảnh sát bất lực trong việc ngăn chặn một loạt cuộc biểu tình đốt kinh Koran vào tháng 6 và tháng 7, dẫn đến sự lên án kịch liệt từ các quốc gia Hồi giáo trên khắp thế giới, dẫn đến cả vụ xông vào Đại sứ quán Thụy Điển ở Iraq, cũng như lời kêu gọi của ít nhất 5 nhóm phiến quân Hồi giáo về việc tiến hành khủng bố để trả thù.

Trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Tư pháp Thụy Điển Gunnar Strommer than thở: “Chúng tôi đang phải chịu trách nhiệm, cho một tình huống đầy trắc trở”. Những điều luật này cần được thay đổi, để phù hợp với tình hình thực tế. Chính vì vậy, Chính phủ Thụy Điển đã chỉ định Matthias Larsson, Tổng Giám đốc Hội đồng Phòng, chống tội phạm quốc gia Thụy Điển, chủ trì một đề án mang tên "Tăng cường bảo vệ an ninh của Thụy Điển tại các cuộc tụ họp công cộng". Ông được giao nhiệm vụ đề xuất các thay đổi đối với đạo luật trước tháng 7/2024. Điều này được kỳ vọng sẽ cho phép "các tình huống đe dọa đến an ninh của Thụy Điển có thể được tính đến trong quá trình quyết định cấp phép cho các cuộc tụ họp công cộng, cũng như cân nhắc về việc hủy bỏ hoặc giải tán các cuộc tụ họp công cộng (mang nhiều nguy cơ) ấy".

Một cách ngắn gọn, vào ngày 18/8, Bộ trưởng Tư pháp Gunnar Strommer yêu cầu thành lập một ủy ban, để nghiên cứu cách trao cho cảnh sát thêm quyền lực. Dù vậy, như ông lưu ý, “Dĩ nhiên, sự bất bình ở một số nước hay lời đe dọa mơ hồ là chưa đủ. Chúng tôi đang cân nhắc vấn đề dựa trên những mối đe dọa nghiêm trọng và có cơ sở".

Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Tobias Billstrom.

Trước đó, cũng cần phải nhắc lại, Thụy Điển đã nâng mức cảnh báo khủng bố lên cấp độ 2 (trên thang 5 cấp độ). Cũng trong ngày 18/8, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết: Thụy Điển đã tăng cường an ninh tại các đại sứ quán và các cơ quan đại diện khác, do sự gia tăng những mối đe dọa chống lại lợi ích của Stockholm ở nước ngoài.

Có lẽ thí dụ điển hình cho tình trạng này, không gì khác, là sự vụ ngày 10/8, khi Đại sứ quán Thụy Điển tại Lebanon tuyên bố: “Chúng tôi xác nhận rằng có một quả bom xăng được ném vào mặt tiền đại sứ quán của chúng tôi vào tối qua, nhưng không phát nổ... Thủ phạm đã bỏ trốn"

Bốn bề bão tố

Cùng lúc (nhưng không phải lần đầu tiên), trong ngày 20/8, 2 trong số những cường quốc hàng đầu của thế giới Hồi giáo tiếp tục tạo thêm những áp lực nặng nề lên lĩnh vực đối ngoại của Stockholm.

Tiếp kiến Đại sứ Thụy Điển tại Cairo - ông Hakan Emsgard, Bộ trưởng Bộ Truyền giáo Ai Cập Mohamed Mokhtar Gomaa nhấn mạnh: Hành vi xúc phạm kinh Koran là “một vấn đề thái quá và không thể chấp nhận”, cũng “không thể bỏ qua, nhắm mắt làm ngơ hoặc dung thứ”. Bộ trưởng Gomaa kêu gọi Chính phủ Thụy Điển thực hiện những nỗ lực nghiêm túc để ngăn chặn, tránh để tái diễn các vụ việc mang tính xúc phạm tôn giáo đáng tiếc, trong một khung thời gian cụ thể. Ông cho rằng Chính phủ Thụy Điển cần nhanh chóng hàn gắn rạn nứt do những sự cố như vậy, ở cả cấp độ pháp lý lẫn xã hội.

Thế giới Hồi giáo vẫn sục sôi phẫn nộ.

Diễn ra gần như đồng thời, hãng thông tấn Mehr của Iran đưa tin: Bộ Ngoại giao Iran đã triệu các đại diện lâm thời của Thụy Điển và Đan Mạch tại Tehran tới để phản đối các hành vi "báng bổ" kinh Koran tại hai quốc gia Bắc Âu này. Theo Bộ Ngoại giao Iran, hai chính phủ Thụy Điển và Đan Mạch phải chịu trách nhiệm về những hành vi báng bổ ấy.

Đây đã là lần thứ hai, Tehran thể hiện động thái quyết liệt đến như vậy. Điều này xuất phát từ việc suốt thời gian qua, các cuộc biểu tình bao gồm các hành động cực đoan tương tự vẫn diễn ra tại Đan Mạch và Thụy Điển. Đơn giản, bởi đó là quyền tự do cá nhân hiến định, dành cho các công dân đang cư ngụ tại “hai người hàng xóm Bắc Âu” ấy.

Thế nhưng, đánh đổi cho việc bảo đảm mức độ tự do thể hiện quan điểm cá nhân đó, những hệ lụy càng lúc càng trở nên khó lường.

Từ cuối tháng 7, Lebanon - nơi vừa diễn ra vụ ném bom xăng - đã cảnh báo: Lebanon sẽ đình chỉ mọi hoạt động hợp tác văn hóa với Thụy Điển và Đan Mạch, cũng như đại sứ quán của hai nước này tại Beirut, cho đến khi chính phủ hai nước có biện pháp thích hợp để khắc phục tình hình. Bộ trưởng Văn hóa Lebanon Mohammad Wissam Mortada nhấn mạnh: Beirut phản đối "các hành động có tính công kích diễn ra nhiều lần, lặp đi lặp lại".

Đến ngày 1/8, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian đề nghị các quốc gia Hồi giáo hạ cấp hoặc cắt đứt quan hệ với Thụy Điển và Đan Mạch, nếu những vụ việc báng bổ kinh Koran tái diễn ở hai quốc gia Bắc Âu này.

Trước đó, suốt trong tháng 6 và tháng 7, hầu như tất cả các cường quốc cũng như các thành viên của cộng đồng các nước Hồi giáo toàn cầu đã lên tiếng, thể hiện sự công phẫn đối với việc mà họ xem là sự “dung túng” dành cho những hành vi phỉ báng và kỳ thị tôn giáo. Thậm chí, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã phải tổ chức họp khẩn. Kết thúc cuộc họp, OIC ra tuyên bố kêu gọi các nước thành viên có hành động chính trị hoặc kinh tế phù hợp đối với những quốc gia để xảy ra hành vi báng bổ kinh Koran.

Uy tín quốc tế của Thụy Điển, cũng như Đan Mạch trở nên vô cùng mong manh. Đi kèm với nó, dĩ nhiên là sự suy giảm trầm trọng các cơ hội hợp tác và phát triển.

Biểu tình phản đối hành vi báng bổ kinh Koran ở Tehran.

Nhượng bộ là thức tỉnh

Thật ra, từ ngày 31/7, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen đã bày tỏ hy vọng: Đề xuất của Chính phủ Đan Mạch về một lệnh nhằm giới hạn hành vi đốt kinh Koran sẽ giúp giảm leo thang căng thẳng với các nước Hồi giáo. Copenhaghen, từ khi ấy, đã thông báo sẽ sử dụng đến "công cụ pháp lý" cho phép nhà chức trách can thiệp vào những tình huống mà “các quốc gia, nền văn hóa hay tôn giáo khác bị xúc phạm và khi vấn đề này có thể dẫn tới những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng cho Đan Mạch, nhất là về vấn đề an ninh". Cho đến nay, Đan Mạch vẫn buộc phải duy trì các biện pháp tăng cường kiểm soát biên giới.

Dù vậy, thực tế không thể phủ nhận là quan điểm của các đảng cánh hữu ở cả hai quốc gia cũng khiến mọi tiến trình không thể “thông đồng bén giọt”. Đơn cử, cho đến tận lúc này, Jimmie Akesson, lãnh đạo đảng Dân chủ Thụy Điển cực hữu, vẫn chỉ trích chính phủ vì “đã khuất phục trước áp lực quốc tế về vụ đốt kinh Koran”.

"Ngay cả khi các giá trị khác nhau luôn cần được tính tới, đảng Dân chủ Thụy Điển sẽ không bao giờ chấp nhận rằng chúng tôi điều chỉnh hành vi của mình trước các mối đe dọa và áp lực từ những kẻ Hồi giáo và độc tài", ông ta tuyên bố.

Quyền tự do cá nhân nhưng cũng là điều làm phương hại đến lợi ích quốc gia tại hai nước Bắc Âu.

Luồng tư tưởng này vẫn sẽ là một “tảng đá ngăn đường” tiến trình thay đổi Đạo luật Trật tự công cộng trong tương lai, bất kể tính cấp thiết của nó. Ở điểm này, Chính phủ Thụy Điển có lẽ vẫn đang “cứng nhắc” hơn người láng giềng Đan Mạch - quốc gia vừa thông qua lời Bộ trưởng Ngoại giao Lars Lokke Rasmussen điện đàm với người đồng cấp Algeria Ahmed Attaf, gửi lời công khai xin lỗi về những sự vụ quá khích xảy ra tại Copenhaghen (ngày 14/8).

Nếu như Đan Mạch, theo lời Ngoại trưởng Rasmussen, đang trong quá trình hoàn thiện một dự luật nhằm chấm dứt những hành vi “đáng tiếc và mâu thuẫn với các giá trị xã hội của Đan Mạch” như vậy và dự kiến sẽ trình quốc hội để thảo luận trong vòng 4 tuần tới, thì ở bên kia biển Baltic, nguyên tắc được các nhà lãnh đạo đất nước Scandinavia thường xuyên nhắc tới vẫn là: “Không thay đổi hiến pháp” và hệ quả, khả năng lớn, cũng sẽ “không có lệnh cấm xúc phạm các văn bản tôn giáo hoặc các biện pháp bổ sung tương tự để bảo vệ sự nhạy cảm của tôn giáo” (theo Bộ trưởng Tư pháp Thụy Điển Gunnar Strommer).

Nghĩa là, đối diện với những ngọn lửa công phẫn từ thế giới Hồi giáo vẫn đang rừng rực cháy, trước mắt, thay vì những “vòi rồng công suất lớn”, vẫn sẽ chỉ là những dòng nước cầm chừng...

Sao Linh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/con-cuong-no-van-chua-he-lang-diu-i704678/