Con còi cọc, mụ mị vì... học, cha mẹ câm lặng!

Người lớn đi làm công sở 8 tiếng về nhà không còn muốn cắm mặt vào máy tính làm việc thêm đến 11 – 12 giờ đêm. Người lớn không muốn thì đừng bắt trẻ con học thêm ở nhà đến còi cọc, mụ mị...

Không làm bài tập bị… ra rìa

Đó câu chuyện đáng buồn được chị T.T.M (Hoài Đức – Hà Nội) chia sẻ với báo Danviet.vn. Chị M cho biết, mới học lớp 4 mà con chị tối nào cũng cặm cụi làm bài tập về nhà đến 11 – 12 giờ đêm. Sáng sớm hôm sau thì vật vờ đến trường vì buồn ngủ, chị và một số phụ huynh trong lớp đã lên tiếng góp ý với cô giáo chủ nhiệm, yêu cầu cô không cho con quá nhiều bài tập về nhà vì ở trường đã học 2 buổi/ ngày rồi. Cô giáo có giải thích việc giao bài tập về nhà là để các con không quên kiến thức, không bị đuối, tránh ảnh hướng đến thành tích học tập chung của cả lớp.

“Không biết có phải cô tự ái không mà từ đó, riêng 4 – 5 cháu được phụ huynh yêu cầu tuyệt nhiên không được cô giao bài tập nữa (cả lớp vẫn có bài tập như bình thường). Nhưng, thời gian sau đó các nhận xét, đánh giá và điểm kiểm tra của con mang về rất tệ. Có lần con về nhà khóc nức nở và trách mẹ tự dưng biến con thành…học sinh cá biệt trong lớp, không được cô giáo quan tâm gì” – chị M nói.

Trẻ ngủ gật trên đường đến trường vì phải làm bài tập về nhà nhiều vào buổi tối (minh họa:IT)

Tuơng tự, một tháng nay, chị Nguyễn Thị Minh có con học lớp 4 tại một trường công lập khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) tối nào cũng phải đánh vật cùng con đến 11 giờ đêm để giải quyết đống bài tập về nhà của con. Chị Minh cho biết: Mỗi ngày cô giáo đều giao phiếu bài tập từ 8 – 10 bài Toán, không kể bài tập tiếng Việt.

Con ngày học 2 buổi ở trường, về nhà ăn cơm xong là ngay lập tức ngồi vào bàn học mải miết, không dám chơi vì sợ bị cô bêu gương trước lớp nếu không làm hết bài tập sẽ phải xấu hổ: “Muốn ý kiến với cô thì lại sợ cô giáo có ấn tượng xấu với con nên đành…câm nín” – chị Minh nói.

Đây không phải là trường hợp cá biệt, mặc dù “lệnh cấm” giao bài tập về nhà cho học sinh đã học 2 buổi/ ngày được Bộ GD ĐT ban hành từ cách đây mấy năm nhưng cứ bắt đầu vào năm học mới, các diễn đàn phụ huynh lại “nóng” vì những lời than vãn của cha mẹ khi thấy con mình ngày nào cũng phải “bơ phờ” với bài tập về nhà.

Hãy nhìn 1 ngày của học sinh...

Nói về vấn đề này, Thạc sỹ Lê Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV) đặt câu hỏi: người lớn đi làm công sở 8 tiếng về nhà liệu còn muốn cắm mặt vào máy tính làm việc thêm đến 11 – 12 giờ đêm nữa không? Nếu chúng ta không muốn thì trẻ con cũng vậy.

“Hãy nhìn vào vòng quay 1 ngày của học sinh bắt đầu từ 6 giờ 30 phút đến trường, khoảng 17 giờ 30 phút về nhà (đó là đưa đón đúng giờ, chưa kể những bạn đi xe bus phải rời nhà sớm hơn và về muộn hơn). Đi học về đói, mệt, chỉ kịp vệ sinh cá nhân, ăn tối và lao đầu vào làm bài tập đến 11 - 12 giờ đêm. Giấc ngủ đêm không đủ 8-10 tiếng khiến nhiều em bé còi cọc về thể chất, nghèo nàn đời sống tinh thần, học đến mụ mị đầu óc” – Bà Lan Anh nói.

Theo bà Lan Anh, với 9-10 tiếng ở trường, lý tưởng nhất là các thầy cô giúp con giải quyết 90-95% bài tập trên lớp, nếu có chỉ nên giao ít bài về nhà với những trẻ cần củng cố thêm, làm sao để trẻ chỉ cần tối đa 25-40 phút là có thể hoàn thành. Chỉ như vậy, trẻ mới có thời gian vui chơi, sống thực sự với tuổi thơ, ngủ sớm và phát triển thể lực tốt.

Bà Lan Anh cũng cho rằng, khi cha mẹ thấy con cái mình phải làm quá nhiều bài tập cần lên tiếng chứ đừng im lặng: “Hiện nay, với sự tiến bộ của internet và công nghệ, có rất nhiều kênh để chúng ta "nói chuyện" với giáo viên một cách dễ dàng hơn như qua email, facebook, zalo, viber, skype... mà không nhất thiết phải gặp trực tiếp. Việc trao đổi cụ thể, hợp tình hợp lý sẽ tránh được tình trạng bất đồng quan điểm giữa giáo viên, phụ huynh khiến trẻ phải lãnh hậu quả ” – bà Lan Anh nói.

“Tôi có đọc nhiều chia sẻ của một số đồng nghiệp tại Mỹ, họ nói: học sinh Mỹ cũng phải học thêm tại nhà, nhưng chỉ áp dụng với học sinh yếu kém và tính chất cũng khác Việt Nam. Ví dụ: bố mẹ thấy con học kém làm đơn gửi nhà trường. Khi nhà trường phê duyệt sẽ có gia sư đến nhà hướng dẫn. Gia sư cũng khác Việt Nam, không phải là sinh viên mà là thầy cô hoặc cán bộ trong Vụ, Sở giáo dục. Những giờ dạy thêm như vậy, thầy cô sẽ có thêm thu nhập do Vụ, Sở Giáo dục địa phương chi trả. Chứ không có kiểu dạy tràn lan, giao bài tập về nhà cào bằng với tất cả học sinh như ở Việt Nam” – Thạc sỹ Lê Thị Lan Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/con-coi-coc-mu-mi-vi-hoc-cha-me-cam-lang-713336.html