Còn 'chặt chém' còn mất khách

Việt Nam luôn là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn trong mắt du khách, thế nhưng tình trạng 'chặt chém' du khách, đặc biệt với khách quốc tế vẫn xảy ra. Nếu không khắc phục kịp thời, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch.

“Con sâu làm rầu nồi canh”

Vừa qua, UBND phường Bưởi (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) đã xử phạt hành chính về lỗi bán hàng rong và không niêm yết giá đối với người bán hàng rong có ý định bán một túi táo nhỏ cho khách du lịch nước ngoài với giá 200.000 đồng.

Tình trạng “chặt chém” du khách là một trong những nguyên nhân khiến khách du lịch một đi không trở lại (Ảnh: Châu Giang).

Tại buổi làm việc, người bán hàng là B.T.L. (thường trú xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên, tạm trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) đã thừa nhận hành vi ứng xử của mình là không đúng; đồng thời, bày tỏ sự hối hận và xin lỗi vì đã tạo hình ảnh không đẹp về Thủ đô Hà Nội đối với du khách nước ngoài.

Chị L. cho biết, sau khi nhận thấy việc bán cho khách với mức giá 200.000 đồng là không đúng, đã trả lại tiền cho khách và cam kết không tái phạm.

Trước đó, cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm cũng đã xử phạt người bán hàng rong tại phường Phúc Tân có hành vi "chặt chém" du khách tại hồ Hoàn Kiếm.

Khi làm việc với Công an phường Lý Thái Tổ, người này thừa nhận đã bán 4 chiếc bánh rán với giá 50.000 đồng cho 2 vị khách nước ngoài và bày tỏ sự hối hận vì đã tạo gây ấn tượng không tốt về Hà Nội đối với du khách.

Còn khá nhiều vụ nữa, như việc Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tiến hành xử phạt một tài xế thu của khách du lịch nước ngoài 500.000 đồng cho quãng đường 3km…

Cụ thể, tại Khách sạn Apricot (địa chỉ tại 136 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm), một hành khách người Mỹ đã nhờ nhân viên khách sạn gọi xe taxi để di chuyển đến phố ẩm thực Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm). Kết thúc cung đường chỉ khoảng 3km, tài xế đưa 5 ngón tay ra hiệu số tiền, vị khách liền đưa 500.000 đồng nhưng không được trả lại tiền thừa.

Khi về khách sạn, hành khách phàn nàn với nhân viên về số tiền tài xế taxi đã thu. Nhân viên khách sạn kiểm tra lại hình ảnh qua camera và thu nhận được thông tin về xe taxi có logo Taxi Hà Nội.

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sau đó mời tài xế đưa phương tiện về trụ sở để làm việc. Tài xế thừa nhận sai phạm của mình, đồng thời trả lại tiền thừa và xin lỗi vị khách người Mỹ và chịu mức xử phạt hơn 12 triệu đồng.

Cần xóa tận gốc nạn "chặt chém"

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đưa ra nhận định, việc quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài còn chưa hiệu quả khi số liệu của cơ quan du lịch cho thấy Việt Nam có tỷ lệ khách quay trở lại du lịch chỉ 5%, trong khi Thái Lan là 50%.

Từ đó, EuroCham đề xuất Việt Nam cần bảo đảm khách du lịch có trải nghiệm tích cực trong chuyến đi, khuyến khích họ chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè, gia đình và lưu giữ những kỷ niệm đẹp về hành trình. Sự hiếu khách và nồng nhiệt của người dân địa phương đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này.

Bà Lê Thanh Thảo, Chi hội trưởng Hiệp hội Du lịch Hà Nội chỉ ra rằng các hành vi "chặt chém" đang khiến du khách trở nên dè chừng và không còn cảm giác thoải mái khi đi du lịch. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng của chương trình du lịch mà còn đẩy lùi mong muốn của du khách trở lại các điểm đến.

Bà Phạm Thị Thơm, Phó giám đốc Công ty Du lịch Khát Vọng Việt cho rằng, tình trạng “chặt chém” du khách những năm qua là một trong những nguyên nhân khiến khách du lịch đến Thủ đô đã một đi không trở lại. Không chỉ với khách quốc tế mà nhiều du khách trong nước cũng đắn đo mỗi khi lên kế hoạch đi du lịch, ghé thăm các điểm đến nổi tiếng tại Hà Nội.

“Du khách quốc tế đến Việt Nam du lịch để nghỉ dưỡng, tìm hiểu, khám phá phong tục, tập quán, văn hóa của con người nơi đây nhưng lại gặp những trường hợp bị “chặt chém” gây ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý cũng như suy nghĩ của họ và có lẽ điều đó khiến một số du khách không còn chọn Việt Nam làm điểm đến nữa", bà Phạm Thị Thơm nói.

PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, việc "chèo kéo" hay "chặt chém" du khách không cho thấy hình ảnh đẹp, tính chuyên nghiệp hay văn hóa và đạo đức, thậm chí đạo lý kinh doanh, đặc biệt ở Thủ đô thanh lịch và hòa bình.

“Đây còn là sự phản ánh cách thức tổ chức thiếu nguyên tắc, thiếu tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trực tiếp là du khách. Hành vi này làm giảm mức hấp dẫn khách của ngành du lịch, hình ảnh, uy tín và lợi ích lâu dài trong phát triển.

Du lịch là ngành có triển vọng mang lại nguồn thu lớn và là ngành mũi nhọn, cho nên vấn đề này cần được xử lý nghiêm nhằm răn đe khả năng phát sinh trường hợp tương tự...", PGS, TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.

Đề cập đến giải pháp để hạn chế và giảm bớt tình trạng "chặt chém" du khách nêu trên, Giám đốc Công ty Du lịch Mặt Trời Việt Nam Sunvina travel Tạ Hữu Chiến cho rằng, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng.

Bởi việc xử phạt liên quan đến giá cả và cần sự vào cuộc của liên ngành như công khai giá niêm yết, xử lý phát sinh khi có kiến nghị của du khách, qua đó, tạo dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, khiến du khách muốn quay trở lại những lần tiếp theo.

Bên cạnh đó, giáo dục tuyên truyền các cá nhân bán hàng rong hay các cửa hàng ý thức về việc xây dựng uy tín, hình ảnh du lịch Việt Nam, con người thân thiện, mến khách cũng là việc cần thiết, nên làm; đồng thời cũng cần có chế tài xử phạt thật nặng việc "chặt chém" khách nhằm mang tính răn đe.

Châu Anh

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/con-chat-chem-con-mat-khach-20240407151208217.htm