Coi trọng sự phát triển bền vững

Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 336-TB/TU đồng ý về chủ trương đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội tại Báo cáo số 267-BC/BCS, ngày 16-8-2016 về nghiên cứu lập quy hoạch hai bên sông Hồng. Đây là một chủ trương lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội. Mới đây, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam về vấn đề này.

Phóng viên: Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa đồng ý về chủ trương nghiên cứu lập quy hoạch hai bên sông Hồng. Theo ông, việc quy hoạch này có phù hợp với xu hướng phát triển của Thủ đô hay không?

KTS Trần Ngọc Chính: Sông Hồng đoạn qua Hà Nội dài khoảng 40km đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển đô thị của Thủ đô. Khai thác sông Hồng là khai thác giá trị tổng hợp của nó. Khai thác và lập quy hoạch dòng sông Hồng cần chú trọng tới các vấn đề như: Sử dụng tài nguyên nước, giao thông thủy, du lịch, tổ chức giao thông hai bên bờ sông gắn với việc bảo tồn văn hóa truyền thống và xây dựng đô thị. Do đó, để nghiên cứu lập quy hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải làm rõ quy hoạch thoát lũ, phạm vi, ranh giới đất đai hai bên bờ sông đoạn qua Hà Nội, có liên quan đến dòng chảy của sông. Hiện nay, các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang đã được xây dựng và hạn chế lượng nước của sông Hồng đổ về đồng bằng và Thủ đô Hà Nội vào mùa lũ.

Trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: Sông Hồng sẽ là trục cảnh quan quan trọng trong bố cục quy hoạch thành phố Hà Nội. Nói cách khác, sông Hồng sẽ trở thành không gian để chúng ta tổ chức cảnh quan đô thị hai bên bờ sông. Đó sẽ là một không gian mặt nước kết hợp với cây xanh ở hai bên bờ sông và các cù lao giữa sông tạo nên một diện tích cây xanh lớn cho Thủ đô - lá phổi xanh đặc biệt của Hà Nội. Quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng, đoạn từ Thượng Cát đến cầu Thanh Trì, chính là đoạn cần phải nghiên cứu về tổ chức không gian kiến trúc đô thị. Vấn đề là chúng ta phải quan tâm đến thiên nhiên và cảnh quan của sông Hồng để tổ chức phân khu chức năng như thế nào, quy hoạch chi tiết ra sao và thiết kế đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển.

Phóng viên: Trước đây chúng ta đã từng có Quy hoạch thành phố ven sông Hồng do Hàn Quốc lập quy hoạch, nhưng không thực hiện. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

KTS Trần Ngọc Chính: Quy hoạch thành phố ven sông Hồng do phía Hàn Quốc lập được nghiên cứu công phu và sau đó đã được đưa ra triển lãm để xin ý kiến người dân. Đây là một dự án nghiên cứu rất kỹ về vấn đề khai thác tiềm năng hai bên sông Hồng. Nhưng dự án này được nghiên cứu khi Hà Nội chỉ có diện tích 921 km2. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô được mở rộng, với diện tích 3.344 km2, quy hoạch này không còn phù hợp nữa. Chính vì vậy, việc triển khai dự án của Hàn Quốc không được tiến hành nhưng các cơ quan lập quy hoạch cũng nên tiếp thu những ý tưởng tốt của dự án sông Hồng do Hàn Quốc lập vào việc nghiên cứu quy hoạch hai bên sông Hồng.

Phóng viên: Để xây dựng Quy hoạch hai bên sông Hồng phù hợp, khả thi, chúng ta cần giải quyết những vấn đề gì, thưa ông?

KTS Trần Ngọc Chính: Để xây dựng Quy hoạch hai bên sông Hồng phát triển hiện đại và bền vững thì quan trọng là các ngành, các cấp phải cùng vào cuộc, và UBND thành phố Hà Nội là cơ quan chủ trì. Việc đầu tiên là phải làm rõ các vấn đề pháp lý đối với sông Hồng đoạn qua Hà Nội, nhất là về phạm vi hành lang thoát lũ. Phải xây dựng được một quy chế để khai thác không gian hai bờ sông Hồng cho phù hợp. Trên cơ sở đó, chúng ta lập quy hoạch, trong đó ưu tiên việc tổ chức khai thác cảnh quan hai bên sông, sử dụng diện tích đất xây dựng một cách hợp lý như bố trí diện tích trồng cây xanh, bãi đỗ xe, các công viên, khu vui chơi giải trí và tổ hợp những không gian kiến trúc nghệ thuật, khi mực nước lên cao nhất, cũng như lúc xuống thấp nhất.

Như vậy tùy từng địa điểm, chúng ta sẽ xây dựng những không gian đô thị thích ứng kết nối hệ thống cầu qua sông và hệ thống giao thông đô thị để tạo nên một tổ hợp không gian kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông theo đúng chức năng và tỷ lệ. Việc xây dựng những khu dân cư, cũng như làng nghề truyền thống ven sông cũng phải được nghiên cứu bài bản. Ngoài ra, cần nghiên cứu về kiến trúc các cây cầu và chiếu sáng nghệ thuật trên cầu qua sông Hồng.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/item/31093502-coi-trong-su-phat-trien-ben-vung.html