Cổ vật vô giá triều Nguyễn: Bài 3 - Cửu đỉnh, bảo vật đánh dấu chủ quyền đất nước

Giống với Cửu vị thần công, bộ Cửu đỉnh (9 đỉnh làm bằng đồng) hiện đang đặt trong sân Thế Tổ Miếu nơi thờ vua Nguyễn cũng là bảo vật đánh dấu chủ quyền đất nước.

Bộ Cửu đỉnh (9 đỉnh làm bằng đồng) hiện đang đặt trong sân Thế Tổ Miếu nơi thờ vua Nguyễn

Cửu đỉnh được vua Minh Mạng cho đúc từ năm 1835 đến 1837 để làm truyền đời cho con cháu, thể hiện sự thành công, trường tồn của triều đại. Cửu đỉnh đặt trong Thế Miếu ứng với miếu hiệu của các vị vua đang được thờ trong Thế Tổ Miếu.

Trong số đó Cao đỉnh được kê ở giữa là đỉnh duy nhất nhích về trước 3 mét với hàm ý tôn vinh vị vua sáng lập . Hàng bên trái Cao đỉnh gồm Nhân đỉnh, Anh đỉnh, Thuần đỉnh, Dụ đỉnh. Bên phải Cao đỉnh gồm Chương đỉnh, Nghị đỉnh, Tuyên đỉnh, Huyền đỉnh.

Cửu đỉnh có tên riêng trùng với một số thụy hiệu của các vị vua triều Nguyễn. Cao đỉnh (Thế tổ Cao Hoàng đế - vua Gia Long), Nhân đỉnh (Thánh tổ Nhân Hoàng đế - vua Minh Mạng), Chương đỉnh (Hiến tổ Chương Hoàng đế - vua Thiệu Trị), Anh đỉnh (Dực Tông Anh Hoàng đế - vua Tự Đức), Nghị đỉnh (Giản Tông Nghị Hoàng đế - vua Kiến Phúc), Thuần đỉnh (Cảnh Tông Thuần Hoàng đế - vua Đồng Khánh), Tuyên đỉnh (Hoằng Tông Tuyên Hoàng đế - vua Khải Định). Dụ đỉnh và Huyền đỉnh không trở thành thụy hiệu của bất kỳ vị vua nào.

Theo một số sử liệu, Cửu đỉnh được đúc theo lối thủ công truyền thống nên việc tạo khuôn đúc cũng thực hiện theo thủ công qua việc chọn lựa loại đất sét phù hợp một cách tỉ mỉ. Khuôn đúc Cửu đỉnh là khuôn “độc bản”, sau khi hoàn thành chế tác, các khuôn đúc đều bị phá bỏ để tránh sự sao chép.

Quá trình chế tác khuôn đúc được triều đình giám sát chặt chẽ. Từ cách tạo dáng đến các hình chạm nổi trang trí bên ngoài cho thấy tất cả các hoa văn, họa tiết trang trí trên Cửu đỉnh là một thực thể độc lập và duy nhất, không lặp lại ở bất kỳ nơi đâu.

Cả 9 chiếc đỉnh đều có dáng chung giống nhau là hình bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có hai quai, dưới bầu có 3 chân. Mỗi chiếc đỉnh đều cao khoảng từ 2,3 - 2,5 mét, được đúc với thiết kế quai và chân riêng biệt. Trọng lượng mỗi đỉnh từ 3.200 kg đến hơn 4.300 kg.

3 trong số 9 chiếc đỉnh đặt trong sân Thế Tổ Miếu

Các nhà nghiên cứu văn hóa Huế cho rằng, Cửu đỉnh không chỉ tượng trưng cho nhà Nguyễn mà còn là vật đánh dấu chủ quyền đất nước.

Trên các đỉnh có các hình điêu khắc các địa danh của đất nước như núi Thiên Tôn (quê hương của họ Nguyễn), sông Hương, núi Ngự, đại diện của miền Trung. Sông Bến Nghé, sông Tiền, sông Hậu, đại diện cho vùng đất do tổ tiên nhà Nguyễn mở mang bờ cõi ở phương Nam và cũng là nơi Nguyễn Ánh dấy nghiệp. Các con kênh đào, công trình thủy lợi có ý nghĩa thiết thực được thực hiện dưới thời Nguyễn như kênh Vĩnh Tế, kênh Phổ Lợi, kênh Lợi Nông, kênh Cửu An, kênh Vĩnh Định, kênh Vĩnh Điện...

Ngoài những đại diện của nền kinh tế nói trên, trên Cửu đỉnh còn có các đại diện của nền kỹ thuật quân sự như các loại đại pháo, súng điểu thương, các loại thuyền. Các cửa ải quan yếu như Quảng Bình quan, Hải Vân quan, các cửa biển...

Trên các đỉnh còn có hình ảnh của các loài cây, con và sản vật các miền đất nước. Tất cả được lựa chọn để làm đại diện cho sự phồn thịnh của tài nguyên đất nước.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế, những hình ảnh về biển đảo được khắc trên bộ Cửu đỉnh (Biển Đông ở Cao đỉnh, biển Nam ở Nhân Đỉnh và biển Tây ở Chương đỉnh) sẽ là nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thừa Thiên Huế có 5 di sản thế giới trong đó bao gồm quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993. Nhã nhạc, âm nhạc cung đình Việt Nam được công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào năm 2003. Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới vào năm 2009. Châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới vào năm 2014 và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là di sản tư liệu thế giới vào năm 2016.

Hiện Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế đang xây dựng hồ sơ gửi UNESCO đề xuất công nhận Cửu đỉnh là di sản tư liệu thế giới. Trong đó, để sao chép hình ảnh hoa văn trên Cửu đỉnh làm tư liệu, cán bộ Trung tâm tiến hành dập bản nhằm lưu lại hình ảnh hoa văn nguyên gốc, bên cạnh chụp ảnh.

-> Mời quý độc giả đón đọc Bài 4 - Bảo vật bằng đồng không thể sao chép

Nguyễn Hiền

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/co-vat-vo-gia-trieu-nguyen-bai-3-cuu-dinh-bao-vat-danh-dau-chu-quyen-dat-nuoc-d187203.html