Cô và trò ở tiết trông học sinh

Việc trông học sinh tiểu học (TH) vào tiết cuối buổi chiều nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh khi không có điều kiện trông giữ hoặc đón về nhà đúng giờ. Theo đó, nhiều trường TH trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động giáo dục ý nghĩa tại tiết cuối buổi chiều này.

Cô giáo Trần Thị Vân, Trường TH thị trấn (thị xã Nghi Sơn ) dạy các em múa hát trong tiết trông học sinh.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh TH sẽ được học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút. Tuy nhiên, do buổi chiều có 3 tiết học, thời gian tan học sớm hơn so với giờ nghỉ làm của bố mẹ nên sẽ có tiết cuối buổi chiều (tiết 4). Tiết cuối này được tổ chức trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh.

Tiết 4 ở lớp 1E, Trường TH thị trấn (thị xã Nghi Sơn), cả cô và trò đều chăm chú theo dõi phần múa hát của một nhóm bạn trong lớp. Sau tiết mục này, các bạn ở nhóm khác sẽ lên biểu diễn. “Đến hẹn lại lên”, cứ cuối buổi chiều, tất cả học sinh trong lớp đều được cô giáo tổ chức các hoạt động giáo dục ý nghĩa. “1 tuần có 5 tiết trông học sinh, chúng tôi không cố định nội dung. Có thể là ôn lại bài cho học sinh hoặc tổ chức văn nghệ, vẽ tranh... Nhìn chung, học sinh rất hào hứng”, giáo viên chủ nhiệm lớp 1E, cô giáo Trần Thị Vân cho biết.

Năm học 2023-2024 này, ở Trường TH thị trấn (thị xã Nghi Sơn) có gần 80% số học sinh được bố mẹ đăng ký tiết trông học sinh cuối buổi chiều. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để phụ huynh yên tâm làm việc tại cơ quan, đơn vị. Chị Lê Hằng Nga, phụ huynh học sinh Hoàng Ngọc Việt, lớp 1E nói: “Giờ tan học của con là 16 giờ 10 phút, thời điểm đấy chúng tôi đang còn ở công ty làm việc, không thể đón con. Trong điều kiện như vậy, tiết trông học sinh cuối buổi chiều rất cần thiết đối với gia đình”.

Cũng như nhiều trường TH trên địa bàn TP Thanh Hóa, Trường TH Minh Khai 1 có 100% phụ huynh đăng ký cho con tiết 4 buổi chiều. Theo hướng dẫn của nhà trường, tất cả các khối lớp, vào tiết trông học sinh không học kiến thức mà cho các em tham gia hoạt động tập thể, vui chơi, múa hát... Lớp 1A4, do cô giáo Phạm Thị Quỳnh làm chủ nhiệm có 44 học sinh. Vào thời gian của tiết 4, như chia sẻ của cô giáo Quỳnh: “Học sinh học văn hóa đến 16h, rất căng thẳng nên tiết cuối buổi chiều, chủ yếu hoạt động giải phóng cơ thể cho học sinh. Các em đọc báo Đội, đọc truyện, chơi cờ vua... Nói chung, ở tiết trông học sinh, chúng tôi không tổ chức học kiến thức”.

Học sinh tập vẽ trong tiết trông học sinh cuối buổi chiều ở lớp 1A4 Trường TH Minh Khai 1 (TP Thanh Hóa).

Bắt đầu từ năm học 2023-2024, tất cả các trường TH trên địa bàn huyện Hà Trung cũng đã tổ chức tiết trông học sinh cuối buổi chiều. Tuy nhiên, số lượng phụ huynh đăng ký cho con ở lại tiết này không nhiều. Tại Trường TH Hà Bắc, trong số 500 học sinh thì chỉ có 250 em được bố mẹ đăng ký. Phó hiệu trưởng Hà Thị Thu Hà đồng thời là giáo viên chủ nhiệm lớp 2C cho biết: Ở tiết trông học sinh, nhà trường tổ chức dưới 2 hình thức, đối với học sinh yếu kém, chúng tôi sẽ bổ sung kiến thức, đối với học sinh đọc thông viết thạo, các em sẽ được tham gia hoạt động ngoại khóa như đọc truyện, chơi các trò chơi...”. Theo ông Lại Thế Chi, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Hà Trung: “Tiết 4 buổi chiều, các nhà trường phần lớn triển khai tận dụng thời gian để bổ sung kiến thức cho học sinh. Thường là trường nào tổ chức ăn bán trú thì số phụ huynh đăng ký cho con ở lại tiết trông học sinh sẽ nhiều hơn. Ở Hà Trung, 24/24 trường TH không tổ chức ăn bán trú nhưng cũng đã có trên 90% nhà trường tổ chức được tiết 4 buổi chiều dù số lượng học sinh ở lại tiết này chưa nhiều”.

Trên địa bàn toàn tỉnh, không phải địa phương nào cũng có thể tổ chức được tiết trông học sinh cuối buổi chiều ở bậc TH. Việc đăng ký của phụ huynh hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc. Sau khi Nghị quyết 286 có hiệu lực kể từ ngày 23/7/2022, đến nay trên địa bàn tỉnh, chưa có trường TH nào vi phạm quy định về tiết trông học sinh cuối buổi chiều. Hoạt động giáo dục đúng mục đích không bị biến tướng. "Nhà trường sau khi hoàn thành các nội dung hoạt động giáo dục trong ngày theo kế hoạch thì có thể tổ chức thêm tiết trông học sinh trên cơ sở đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh học sinh và sự đồng thuận của giáo viên tham gia. Tiết trông học sinh đơn giản là việc nhà trường tổ chức trông giữ an toàn học sinh ở trường trong thời gian chờ phụ huynh đến đón. Hoạt động cụ thể của giáo viên và học sinh sẽ chủ động và linh hoạt". Ông Trịnh Vinh Long, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh nhấn mạnh.

Nghị quyết 286/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 về “Quy định mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh, tại Mục V.1 về “Trông học sinh tiểu học tiết cuối buổi chiều” quy định rõ mức phí tối đa là 92 nghìn đồng/học sinh/tháng.

Bài và ảnh: Vi An

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giao-duc/co-va-tro-o-tiet-trong-hoc-sinh/30416.htm