Có thể phải xem xét cả trách nhiệm hình sự nếu cố ý sai phạm trong các siêu dự án có vốn nhà nước

Chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh sáng nay (15.11), Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) đặt câu hỏi về các siêu dự án và đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ có sự yếu kém trong quản trị doanh nghiệp, quản lý đầu tư tại các cơ quan quản lý nhà nước, đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, của cơ quan quản lý nhà nước và kiến nghị gì khắc phục tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim”.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Ảnh: Quochoi.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ: 5 dự án thua lỗ và tồn đọng trong các lĩnh vực xơ sợi, đạm, phân bón, ethanol, gang thép đều được xem xét đầu tư từ 2003 - 2008 và kéo dài đến nay. Trong từng lĩnh vực và dự án cụ thể, do tính chất đặc thù của ngành, của dự án mà có diễn biến khác nhau kéo dài qua nhiều thời kỳ.

Bộ trưởng cho rằng, qua phân tích các dự án thấy nổi lên một số vấn đề: Thứ nhất, các dự án đều có quá trình triển khai đầu tư sau phê duyệt chủ trương đầu tư kéo dài so với thời hạn đã được thẩm định, ví dụ dự án Xơ sợi Đình vũ, Ethanol Phú Thọ, Đạm Ninh Bình. Dự án đạm không những kéo dài đầu tư mà còn không quyết toán được đầu tư dù đã vào vận hành.

Thứ hai, các dự án rơi vào thời điểm có biến động thị trường thế giới, nên việc kéo dài phê duyệt và triển khai đầu tư dẫn tới ảnh hưởng việc vận hành, thị trường nguyên nhiên liệu và giá có biến động, dầu thô từ 100USD tăng lên tới 147USD và tụt còn hơn 40USD một thùng, do vậy ảnh hưởng trực tiếp đến tính hiệu quả và khả thi của dự án.

Thứ ba, các hạn chế có một số điểm chung: Năng lực của chủ đầu tư, theo phân cấp của khung pháp lý là các tập đoàn, TCT 91 khi được phê duyệt của CP, là người trực tiếp quản lý hoạt động đầu tư, do vậy phải chịu trách nhiệm về những quyết định đầu tư, công nghệ, tổ chức thực hiện với tư vấn, giám sát, nhà thầu.

Bộ trưởng cũng nói đến hạn chế về năng lực của ban quản lý dự án được phân công, năng lực nhà thầu ký kết hợp đồng, kể cả nhà thầu nước ngoài.

Do vậy, các dự án này khi vận hành thương mại không đủ cạnh tranh, doanh thu không bù được chi phí. Khi đánh giá nguyên nhân phải xét cả chủ quan và khách quan.

Bộ trưởng nêu rõ một số nguyên tắc chủ đạo của Chính phủ khi xử lý các dự án này: Giải pháp phải mang tính tổng thể, phù hợp pháp lý, nguyên tắc kinh tế thị trường nhưng phải bảo toàn vốn, lợi ích của Nhà nước. Các giải pháp phải phù hợp các cam kết quốc tế. Có thể bán dự án, Cổ phần hóa, giao cho doanh nghiệp cùng khai thác, thậm chí phá sản..

Cụ thể, các dự án Gang thép Thái Nguyên, Xơ sợi Đình Vũ, Xăng sinh học, Bộ đã có đề xuất với Chính phủ. Sau khi họp Quốc hội, Chính phủ sẽ xem xét để giải quyết các dự án này.

Bộ trưởng cũng yêu cầu phải rút ra bài học để tránh xảy ra tình trạng tương tự, xem xét trách nhiệm của doanh nghiệp, quản lý, cá nhân, vô tình hay cố tình. Bộ trưởng nhấn mạnh, có những đánh giá không loại trừ việc cố tình làm sai trong quản trị doanh nghiệp, quản lý dự án.

Một số dự án đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ, của Kiểm toán nhà nước, hoặc đang chịu thanh tra. “Nhưng trách nhiệm nếu có, đặc biệt cố tình làm sai, sẽ phải xem xét kể cả trách nhiệm hình sự” – Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng lưu ý, cần quan tâm đổi mới mô hình quản lý nhà nước tại các DNNN. Hiện đang xây dựng mô hình quản lý và sở hữu vốn NN tại DNNN này. Thứ hai, vai trò của NN trong phát triển kinh tế, không phải trong mọi lĩnh vực NN đều có vai trò, phải tạo môi trường cho mọi thành phần kinh tế khác để tạo điều kiện phát huy nguồn lực sản xuất. Ngoài ra, cần làm rõ các vấn đề liên quan đến chiến lược, quy hoạch ngành.

Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, Bộ trưởng chưa đưa ra được câu trả lời mà dư luận mong muốn nhất, Bộ trưởng chưa đi thẳng vào nội dung, trách nhiệm của DN và trách nhiệm quản lý Nhà nước ở đâu. “Tôi lo ngại khi thấy ở các TCT 91 chủ trương đầu tư là do Nhà nước đưa ra, còn quản lý dự án là thuộc về doanh nghiệp. DNNN là tiền của dân, thế vai trò của các bộ ngành trong quản lý tài sản DN vốn Nhà nước tại DN, Bộ Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Đầu tư đến đâu, hay chỉ khoán trắng cho DN rồi thua lỗ và báo cáo Chính phủ”?

Đáp lại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, những dự án này quá trình thực hiện kéo dài rất lâu, từ khi các tổng công ty 91 chịu chỉ đạo trực tiếp của CP, không có quản lý của bộ chủ quản. Đặc thù mỗi ngành khác nhau nên phải đánh giá trách nhiệm của từng bộ, không chỉ Bộ Công thương mà cả các bộ khác.

Theo Bộ trưởng, trước năm 2012 các bộ ngành chỉ tham gia quản lý chiến lược quy hoạch của ngành, tham mưu chiến lược. Từ sau năm 2012 nghị định 99 ban hành đã đảm bảo chặt chẽ hơn trong việc giao trách nhiệm cho các bộ theo từng lĩnh vực để quản lý các doanh nghiệp và dự án đầu tư của doanh nghiệp.

Việc phân tích từng dự án đạm Ninh Bình, xơ sợi… được xem xét trong từng ngành, có sai phạm không. “Một số dự án đã có kết luận của thanh tra chính phủ, một số đang thanh tra, chúng tôi cần có thời gian báo cáo Chính phủ để xem xét xử lý. Chúng tôi sẽ báo cáo vào kỳ Quốc hội sau”.

M.H

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/co-the-phai-xem-xet-ca-trach-nhiem-hinh-su-neu-co-y-sai-pham-trong-cac-sieu-du-an-co-von-nha-nuoc-611149.bld