Có thể nhìn thấy lại một Gaza trước chiến tranh?

Việc tái thiết Gaza hậu xung đột là điều không dễ, do dải đất này bị tàn phá nặng nề và hệ thống y tế, giáo dục gần như đã sụp đổ.

Hơn một thập niên trước, vào năm 2012, báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã mô tả Dải Gaza (Palestine) gần như không thể sinh sống được. Báo cáo cũng cho rằng các bên cần “những nỗ lực phi thường” để thay đổi thực trạng ở Gaza.

Ngày nay, sau 6 tháng Gaza bị Israel bắn phá, người dân Gaza sơ tán hàng loạt, tái thiết Gaza đang là một nhiệm vụ rất khó khăn.

Theo trang tin The Conversation, trong những điều kiện thuận lợi nhất, việc tái thiết cơ sở hạ tầng là một thách thức cực kỳ phức tạp. Do đó, việc tái thiết trong bối cảnh xung đột còn khó khăn hơn nhiều.

Người dân đi qua các tòa nhà bị phá hủy ở TP Khan Younis (nam Gaza) hôm 7-4. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, công cuộc tái thiết tại Gaza lại ở một quy mô hoàn toàn khác. Những người thực hiện công cuộc tái thiết tại đây sẽ gặp nhiều khó khăn, do nơi đây tồn tại nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc.

Hậu quả của những cuộc xung đột

Báo cáo của LHQ vào năm 2012 chỉ ra Gaza phải đối mặt những vấn đề nghiêm trọng liên quan cung cấp điều kiện sống cho người dân. Tại đây tồn tại nhiều vấn đề từ lâu chưa được giải quyết như hệ thống rác thải không được giải quyết tốt và tỉ lệ thất nghiệp của người dân vượt hơn 45%.

Cơ quan quản lý y tế Gaza cho biết xung đột Israel-Hamas đã khiến hơn 33.400 người ở Gaza thiệt mạng và hơn 76.000 người bị thương.

Nhưng sự tàn phá do xung đột vũ trang gây ra còn vượt xa cả những thương vong trước mắt. Cuộc xung đột hiện tại gần như chắc chắn sẽ dẫn đến các cuộc khủng hoảng xã hội và sức khỏe kéo dài.

Ban Thư ký nhóm nghiên cứu Tuyên bố Geneva – được LHQ hậu thuẫn – đã phân tích về 13 cuộc xung đột vũ trang gần đây. Phân tích cho thấy trong 12/13 cuộc xung đột, số ca tử vong gián tiếp vượt quá số ca tử vong trực tiếp do xung đột gây ra.

Báo cáo đưa ra ước tính rằng cứ 1 người thiệt mạng trực tiếp do xung đột thì có thêm 4 người thiệt mạng do hậu quả gián tiếp của cuộc xung đột. Những hậu quả gián tiếp bao gồm bệnh lây truyền qua đường nước do thiếu nước sạch, dịch vụ y tế bị gián đoạn.

Với quy mô và phạm vi tàn phá của các đợt bắn phá trong 6 tháng qua, hậu quả của xung đột ở Gaza có thể còn tồi tệ hơn. Những hậu quả này trên thực tế đã xảy ra ở Gaza, bao gồm việc nền kinh tế bị sụp đổ, cơ sở hạ tầng bị hủy hoại và môi trường bị ô nhiễm nặng nề.

Tổn thất tại Gaza

Để tái thiết Gaza, các bên cần phải có một cái nhìn tổng quan về tác động của cuộc xung đột đang diễn ra.

Cơ sở hạ tầng ở Gaza bị xung đột tàn phá nặng nề. Ảnh: AFP

Xung đột đã tàn phá nền kinh tế của Gaza. Vào giữa tháng 2, LHQ ước tính rằng gần một nửa diện tích đất trồng trọt tại Gaza đã bị hư hại và khoảng 70% đội tàu đánh cá của Gaza được cho là đã bị phá hủy.

Trong vài tháng đầu tiên bị Israel tấn công, gần 70% trong số 439.000 ngôi nhà ở Gaza và khoảng một nửa số tòa nhà – bao gồm cả các trung tâm thương mại – đã bị hư hại hoặc phá hủy.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng y tế của Gaza cũng bị phá hủy khi khoảng 3/4 số bệnh viện và 2/3 số phòng khám chăm sóc sức khỏe ban đầu phải đóng cửa. Tại Gaza, nhiều ca phẫu thuật cắt cụt chi được thực hiện mà không có thuốc gây mê. Tỉ lệ sẩy thai cũng tăng mạnh.

Cuộc khủng hoảng sức khỏe này trở nên tồi tệ hơn do thiếu nước sạch và vật tư y tế thiết yếu. Điều này làm tăng tỉ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, mất nước nghiêm trọng và tiêu chảy.

Các bệnh viện và phòng khám phải cố gắng hoạt động mà không có điện. Nhiều nhân viên y tế bị thương hoặc thiệt mạng, ảnh hưởng nặng nề đến năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh đó, nhiều trường học và đại học đã bị phá hủy. Khi xung đột kết thúc, người dân Gaza có thể không còn phải nghe tiếng bom đạn, nhưng phải đối mặt một cuộc sống thiếu hệ thống giáo dục, y tế, trong khi nhà ở và kinh tế của họ bị tàn phá nặng nề.

Viễn cảnh tái thiết

Những hậu quả trên đều có mối liên hệ với nhau. Nói cách khác, chúng làm xấu đi lẫn nhau và tạo ra hậu quả kéo dài đối với người dân Gaza.

Điển hình, về vấn đề sơ tán hàng loạt, khoảng 1,7 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa. Điều này ảnh hưởng đến khả năng kiếm sống của người dân, dẫn đến tình trạng nghèo đói gia tăng và nguy cơ suy dinh dưỡng cao hơn.

Hậu quả của cuộc xung đột đòi hỏi người dân tại đây phải xây dựng lại xã hội, bao gồm hệ thống y tế, cơ sở hạ tầng và giáo dục.

Một ví dụ khác, việc trẻ em gián đoạn học hành không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập và phát triển của cá nhân các em mà còn có tác động lâu dài đến phúc lợi chung của cộng đồng. Sự tổn thất trong hệ thống giáo dục sẽ làm giảm cơ hội việc làm, từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.

Việc giải quyết vấn đề này cần một cách tiếp cận tổng hợp, không chỉ tập trung vào việc xây dựng lại cơ sở vật chất của trường học mà còn phải xem xét chất lượng giáo dục, cũng như hỗ trợ tâm lý cho trẻ em.

Bệnh viện Al-Shifa (bắc Gaza) bị phá hủy do xung đột. Ảnh: AP

LHQ ước tính rằng khoảng 1 triệu trẻ em ở Gaza sẽ cần được hỗ trợ về sức khỏe tinh thần.

Trong khi đó, việc tái thiết hệ thống y tế công cộng của Gaza cũng sẽ đòi hỏi các giải pháp tổng hợp. Các giải pháp này không chỉ cần giải quyết các nhu cầu y tế trước mắt, mà còn cần xem xét xây dựng cơ sở hạ tầng y tế khác như các dịch vụ sức khỏe tinh thần, chương trình tiêm chủng.

Xây dựng lại các thành phố bị hư hại của Gaza cũng không phải là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi một nỗ lực tập thể lớn của nhà quản lý Gaza, người dân tại đây.

Dù khó khăn là vậy, The Conversation cho rằng với sự phối hợp của các cơ quan liên quan, sự hợp tác và lòng dũng cảm của người dân, công cuộc tái thiết Gaza vẫn có cơ hội hoàn thành. Nhưng trước mắt, những thách thức cho quá trình tái thiết chắc chắn sẽ kéo dài nếu cuộc xung đột Israel-Hamas vẫn tiếp tục.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-the-nhin-thay-lai-mot-gaza-truoc-chien-tranh-post785026.html