Cơ sở xác định giá đất theo thị trường còn mơ hồ

Sáng 21/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các nội dung về quy hoạch, tài chính đất đai, bồi thường hỗ trợ tái định cư… tiếp tục là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý.

Không quy định quá chi tiết các loại đất, chỉ tiêu đất trong quy hoạch cấp trên

Khẳng định quy hoạch sử dụng đất là nội dung đặc biệt quan trọng và được thể hiện xuyên suốt trong Luật Đất đai, đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) đề nghị đánh giá kĩ lưỡng để có điều chỉnh phù hợp để quản lý sử dụng có hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Quy hoạch sử dụng đất được phân thành 3 cấp gồm cấp quốc gia - cấp tỉnh - cấp huyện. Để thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan trung ương và chủ động trong tổ chức thực hiện của địa phương, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị mỗi cấp quy hoạch cấp quốc gia và cấp tỉnh quy định giới hạn một số nhóm đất chính cần thiết để đảm bảo mục tiêu tầm quốc gia và cấp tỉnh, không quy định quá chi tiết về các loại đất, chi tiết chỉ tiêu sử dụng đất trên cấp trên phân bổ cho cấp dưới, chỉ phân bổ theo các chỉ tiêu chi tiết, không khống chế chỉ tiêu tổng của từng loại đất như đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng.

Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh)

Theo đại biểu Trần Đình Gia, các chỉ tiêu sử dụng đất sẽ được thể hiện chi tiết ở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Ngoài ra, cần có cơ chế linh hoạt trong việc đánh giá sự phù hợp giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Một khu đất có thể có nhiều mục đích sử dụng nhiều loại đất mà chưa thể xác định rõ được trong quá trình lập quy hoạch.

Cũng quan tâm đến quy hoạch, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cho biết, khoản 9 Điều 60 của dự thảo luật đang quy định: các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời; quy hoạch được lập, thẩm định xong trước được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh phù hợp quy hoạch cao hơn.

Đại biểu cho rằng, việc quy định các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời để các cấp quy hoạch có sự chủ động hơn trong việc thực hiện quy hoạch cấp mình. Tuy nhiên, để hoàn chỉnh quy hoạch của cấp dưới thì cần chờ quy hoạch của cấp trên, dù quy hoạch của cấp dưới được chủ động thực hiện trước thì cũng khó có thể thẩm định, phê duyệt trước nếu chưa có quy hoạch của cấp trên. Do đó, quy định này khó thực thi trong thực tiễn.

Do vậy, đại biểu đề nghị khoản 9 Điều 60 quy định theo hướng, các quy hoạch sử dụng đất có thể được lập đồng thời, quy hoạch sử dụng đất cao hơn được phê duyệt trước quy hoạch cấp thấp hơn, cần quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về trách nhiệm, thời gian hoàn thành quy hoạch, tránh tình trạng vướng mắc, cấp dưới phải chờ quy hoạch của cấp trên, kéo dài thời gian lập quy hoạch, ảnh hưởng đến quyền lợi của các tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) nêu quan điểm khác. Theo đại biểu, nguyên tắc quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời như các quy hoạch được quy định trong Luật Quy hoạch năm 2017 cần phải xem xét lại, bởi các quy hoạch được lập theo quy định trong Luật Quy hoạch được lập lần đầu, tích hợp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt về tiến độ, nên không thể thực hiện đúng theo trình tự, do đó mới phải lập đồng thời.

Đại biểu phân tích, đối với quy hoạch sử dụng đất, từ khi thực hiện Luật Đất đai năm 1987 đã thực hiện tốt theo nguyên tắc từ tổng thể đến chi tiết, quy hoạch cấp dưới phải căn cứ và phù hợp với quy hoạch cấp trên. Quy hoạch sử dụng đất các cấp phải tổng hợp, cân đối, phân bổ nhu cầu sử dụng đất của các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất. Hơn nữa, quy hoạch sử dụng đất mang tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Do đó, đại biểu đề nghị với quy hoạch sử dụng đất, nên thực hiện nguyên tắc từ quy hoạch sử dụng đất quốc gia, sau đó mới lập đến cấp tỉnh, cấp huyện, vì nếu lập đồng thời thì khó cho việc phân bổ, sử dụng các loạt đất.

Nghiên cứu chính sách điều tiết địa tô để tránh thất thoát nguồn lực

Tham gia phát biểu ý kiến liên quan đến tài chính đất đai, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho biết, một trong những nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết 18 là hoàn thiện cơ chế chính sách về tài chính đất đai, nghiên cứu, có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch. Trên thực tế, việc xử lý chênh lệch địa tô đối với đất đai của người dân đang tiềm ẩn nhiều bất công trong xã hội.

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam)

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam)

Do đó, đại biểu cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này phải xóa bỏ bất công từ lợi ích do chênh lệch địa tô, tránh nguồn lực đất đai bị thất thoát, xây dựng chính sách tài chính đất đai, phương thức xác định giá đất, bảo đảm hài hòa lợi ích trong khai thác chênh lệch địa tô giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Cùng với đó, vấn đề giá đất cũng phải được làm rõ để phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Theo đại biểu, nguyên tắc xác định giá đất như trong dự thảo luật chưa đủ điều kiện để thực hiện xác định giá đất trong đời sống thực tế. Cơ sở để xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường vẫn là điều mơ hồ. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất theo giá thị trường, bảo đảm rõ ràng, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết 18.

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cũng cho rằng, xác định giá đất là nội dung hết sức quan trọng nên cần phải được quy định cụ thể hơn nữa trong luật về cơ sở, điều kiện áp dụng, tránh việc áp dụng tùy tiện làm thất thoát ngân sách. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu phương pháp định giá để xác định giá đất trong trường hợp giá đất trong tương lai có thể tăng rất cao sau khi có quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (đoàn Bến Tre) nêu rõ, cử tri đánh giá cao Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này. Hàng triệu ý kiến là hàng triệu niềm tin người dân gửi gắm tới Quốc hội, Chính phủ, kỳ vọng Luật Đất đai sau sửa đổi sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý đất đai thời gian qua.

Đi vào nội dung cụ thể, đại biểu cho biết thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn còn rất rườm rà, mất nhiều thời gian. Theo đại biểu, khi chưa có quy hoạch ngắn hạn thì phải dựa vào quy hoạch dài hạn để giải quyết cho người dân. Khu vực đã quy hoạch là đất ở, thì khi người dân có nhu cầu, cần giải quyết ngay, không nên yêu cầu người dân đăng ký và chờ đợi thời gian dài đến khi cơ kế hoạch phân bổ mới giải quyết, trong khi thời gian là cơ hội của người dân.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-so-xac-dinh-gia-dat-theo-thi-truong-con-mo-ho-130431.html