Cơ sở điêu khắc đá lấn chiếm đất di tích, chính quyền xã làm ngơ?

Theo người dân thôn Long Miếu Châu, xã Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Nội, cơ sở điêu khắc đá lấn chiếm đất di tích lịch sử - di tích cách mạng Chùa Trầm để sản xuất nhưng chính quyền vẫn làm ngơ.

Thời gian gần đây, báo Người Đưa Tin nhận được đơn thư của ông N.V.T (SN 1962, thôn Long Châu Miếu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) phản ánh về việc, cơ sở điêu khắc đá Trường Nguyệt ở địa phương đã tự ý lấn chiếm đất trong khuôn viên của Chùa Trầm để làm nơi sản xuất, kinh doanh, buôn bán các sản phẩm về đá.

Để nắm rõ hơn về thông tin này, PV đã có mặt tại địa phương để tìm hiểu thực tế. Trao đổi với PV, ông N.V.T cho biết: “Từ năm 2010, cơ sở điêu khắc đá Trường Nguyệt đã “lấn chiếm đất” thuộc khuôn viên của di tích lịc sử chùa Trầm để làm nơi sản xuất, buôn bán và kinh doanh đá. Thế nhưng, xã cũng không có ý kiến gì về việc này.

Chùa Trầm ở thôn chúng tôi đã được xếp hạng di tích lịch sử - di tích cách mạng, việc làm này ảnh hưởng tới mỹ quan của chùa. Tôi cũng đã có đơn thư gửi đi rất nhiều các cơ quan chức năng từ năm 2012 đến nay, song vẫn chưa được giải quyết.”

Cơ sở điêu khắc đá Trường Yến ngang nhiêm "chiếm đất" đất của chùa Trầm để làm nơi sản xuất và bày bán đá.

“Kể từ khi cơ sở này đi vào hoạt động ở trên đất chùa Trầm, cảnh quan của chùa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bụi đá gây ô nhiễm không gian xung quanh, gây ảnh hưởng tới người dân sống gần đó. Đặc biệt nghiêm trọng hơn, cơ sở này còn dùng hóa chất lỏng làm bóng tượng điêu khắc đá. Khi sử dụng, hóa chất chảy xuống đất làm chết cây cỏ và ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong khuôn viên đất của chùa.”

Cũng theo lời ông T., ở thôn Long Châu Miếu, cơ sở điêu khắc đá Trường Nguyệt là cơ sở lớn nhất, cần diện tích rộng để làm nơi sản xuất và trưng bày sản phẩm. Hiện tại, cơ sở này đã lấn chiếm khoảng hơn 200m mặt đường chạy dài đất thuộc khuôn viên của chùa Trầm để làm nơi tập kết, sản xuất và bày bán các loại đá. Không những vậy, cơ sở này còn dựng rất nhiều nhà tạm quây bằng tôn để làm nơi ở cũng như nơi bảo quản tài sản của mình.

Dựng nhà tạm trái phép trên đất của chùa Trầm.

Để tìm hiểu thực tế, PV báo Người Đưa Tin cũng đã đi quan sát thực tế tại khu vực “lấn chiếm” của cơ sở Trường Nguyệt nằm sát cạnh chùa chính thuộc khuôn viên của chùa Trầm.

Theo ghi nhận, hai bên lề đường TL80, đoạn đi qua ngôi chùa này được bày trí rất nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đá, phía trong là nơi để rất nhiều nguyên liệu đá tảng và thợ đang làm việc.

Khu vực cơ sở điêu khắc đá này một bên sát với núi chùa Trầm, phía bên kia đường là sát khu vực cánh đồng. Trong khu vực sản xuất của cơ sở Trường Nguyệt có 2 chiếc nhà tạm dựng bằng cột sắt, mái lợp bằng tôn.

Khi PV có mặt tại đây, có khoảng 5 thợ đá của cơ sở Trường Nguyệt đang làm việc, do công đoạn chế tác đá phải làm bằng máy nên gây ra tiếng ồn rất lớn, bụi đá bay ra mù mịt.

Trao đổi với một số người dân thôn Long Châu Miếu sinh sống gần khu vực này được biết, cơ sở điêu khắc đá Trường Nguyệt đã hoạt động ở đây được vài năm, không những gây ra tiếng ồn, cơ sở này thường xuyên có xe ô tô tải có trọng tải đến vài chục tấn thường xuyên ra vào làm ảnh hưởng đến đời sống người dân có nhà ở sát mặt đường.

Khói bụi mù mịt từ cơ sở sản xuất đá.

Để xác nhận thông tin về việc cơ sở Trường Nguyệt sử dụng trái phép mặt bằng, là đất của khu di tích lịch sử - di tích cách mạng chùa Trầm, làm nơi sản xuất và kinh doanh, chúng tôi đã có buổi làm việc với chủ cơ sở này.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Trường chủ cơ sở cho biết: “Thực ra ở khu vực xung quanh đây, có rất nhiều cơ sở khác cũng đang hoạt động trên đất của chùa Trầm chứ không riêng gì cơ sở này, thế mà họ viết đơn thư phản ánh về mình chúng tôi. Điêu khắc đá ở thôn Long Miếu Châu được công nhận là một làng nghề, do chúng tôi không có mặt bằng nên đã tận dụng những khu đất trống để làm khu vực sản xuất. Tôi biết việc cơ sở của mình tự ý sản xuất và trưng bày sản phẩm trên đất của chùa là sai, nhưng chúng tôi cũng không làm ảnh hưởng gì đến chùa.”

Cơ sở điêu khắc đá Trường Yên chạy dài trên 20m mặt đường trên phần đất của di tích chùa Trầm.

Ngoài ra ông Trường cũng lý giải về vấn đề về tác động của cơ sở đối môi trường cũng như đời sống của người dân trong thôn: “Nghề điêu khắc đá phải sử dụng bằng máy móc sẽ không tránh khỏi tiếng ồn, nhưng khu vực này cũng xa khu dân cư nên cũng không ảnh hưởng. Còn vấn đề bụi đá bay ra cũng giảm đi rất nhiều so với cách làm trước kia, vì vậy không bị ảnh hưởng nhiều.”

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này ở bài viết tới.

(Còn nữa)

Đào Nguyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/co-so-dieu-khac-da-lan-chiem-dat-di-tich-chinh-quyen-lam-ngo-a255963.html