Cơ sở của đoàn kết

Có thể nói, tất cả các đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, thành viên của các tổ chức trong hệ thống chính trị và phần đông người dân ở Việt Nam đã được học về tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, tư tưởng về đại đoàn kết với câu nói nổi tiếng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” được nhắc đến như “cơm bữa”. Lời dạy ấy đã và đang trở thành khẩu hiệu hành động và phương châm sống, hoạt động cho đại đa số người cũng như các tổ chức. Tuy nhiên, việc hiểu đúng cơ sở, nội dung và làm theo sự chỉ dẫn chẳng phải là điều dễ dàng. Do vậy, dành một ít thời gian tìm hiểu thêm về cơ sở của đại đoàn kết là việc đáng làm.

Đoàn kết là sự tập hợp thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì mục đích chung. Còn đại đoàn kết là nhấn mạnh đến quy mô của nó. Trái ngược với đoàn kết là chia rẽ, phân ly. Bản thân khái niệm đoàn kết đã cho ta thấy ý nghĩa và sức mạnh của nó. Ngay những năm thiếu thời, hầu như ai ai cũng nghe câu tục ngữ Việt Nam: “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”. Trước đây, lời của một bài hát cách mạng được nhiều người ngân vang: “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh. Kết đoàn chúng ta là sắt gang. Đoàn kết ta bền vững...”. Thành ngữ Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”. Các bước thăng trầm của lịch sử Việt Nam cho chúng ta bài học “xương máu” về sự đoàn kết và cái họa của sự chia rẽ. Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc. Người nhắc nhở rằng: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Nhiều bút mực đã phân tích, lý giải về bài học lớn này. Nhưng, chúng ta phải hiểu cơ sở của đoàn kết để làm đúng. Nếu không, “đại thành công” bị thay thế bởi “đại phá hoại”.

Cơ sở tối quan trọng của đoàn kết là do mục đích chung và vì lợi ích chung. Vì lợi ích chung nên mỗi người có thể “chín bỏ làm mười”; gạt bỏ những dị biệt, cá biệt để tìm “điểm tương đồng”. Đoàn kết với tất cả các giai cấp, thành phần, lực lượng... nếu có thể để mưu cầu lợi ích chung. Lợi ích chung cao nhất là lợi ích của Quốc gia - Dân tộc và quyền lợi cơ bản của Nhân dân lao động. Chủ quyền Quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị... là những giá trị cao quý, thiêng liêng đã được nhiều thế hệ gây dựng, bồi đắp. Và do đó, xâm hại lợi ích chung để có được “lộc” cho riêng mình, nhóm mình và tổ chức của mình phải được lên án. Tình trạng kết bè, phe phái, “ê kíp”, dòng tộc, cục bộ, “nhóm lợi ích” hay trạng thái tinh thần “dĩ hòa vi quý” và bao che lẫn nhau dưới danh nghĩa đoàn kết là có hại. Một lần nữa, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tuyên bố mạnh mẽ: “Kiên quyết phòng, chống các biểu hiện bè phái, “lợi ích nhóm” và lợi dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để xuyên tạc sự thật, kích động, gây rối, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ”.

Cơ sở không thể thiếu của đoàn kết là phải dựa vào một nền tảng nhận thức. Nền tảng tư tưởng của Đảng và xã hội Việt Nam hiện nay là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nó được cụ thể hóa trong luật và chính sách của Nhà nước hiện hành (gọi chung là pháp luật). Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ ra cơ sở chung của pháp luật là: “mọi chủ trương, chính sách phải thật sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân...”. Có cùng cơ sở ấy, một góc nhìn và nhìn về một hướng thì mới có được tiếng nói chung. Ngược lại, thiên kiến, định kiến, thành kiến là tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”. Và như vậy, mọi sự vi phạm pháp luật phải được xử lý và theo quy định của luật. Nhưng, thực trạng đáng quan ngại là ngoài xã hội và ngay trong một số tổ chức cụ thể, tình trạng không dám đấu tranh, lên án cái sai, giả, gian lận, dối, lừa lọc... diễn ra mức độ rộng. Những tiếng nói chính nghĩa, trung thực bảo vệ chân lý, cái đúng, lẽ phải trở thành số ít và quý. Không đấu tranh, phê phán hay góp ý cho nhau vì muốn “thống nhất”, “đoàn kết” là biểu hiện của che đậy “ung nhọt” và là sự phá hoại “tinh tế”, “êm dịu” nhất đối với tính bền vững của sự đoàn kết.

Cơ sở của đoàn kết còn ở nền tảng văn hóa của cá nhân và cộng đồng. Đó là văn hóa ứng xử, sự tôn trọng và chân thành với con người. Nó yêu cầu mỗi người đứng ở góc nhìn của người khác, nhìn nhận nhiều chiều và với tư duy phản biện. Nó đòi hỏi mỗi cá nhân phải nhận thức và hành vi bao dung. Trái với khoan dung, rộng lượng là sự thù ghét, ích kỷ, “đâm bị thóc chọc bị gạo”, “chuyện bé xé ra to”. Chúng ta bắt gặp không ít chuyện “va chạm” thường tình trong cuộc sống lại trở thành án mạng, tù tội; một số người nhân danh bảo vệ danh dự và uy tín của cá nhân, cộng đồng hay tổ chức mình đã lên án, mạt sát người khác, tổ chức khác thậm tệ gây nên cay cú, thù địch... Trong trường hợp ấy, sự rạn nứt, đổ vỡ là không tránh khỏi. Những nguyện vọng, mong ước hòa hợp, hòa giải của nhiều người sẽ “tan thành mây khói” bởi cách hành xử thô bạo dù chỉ một số ít người. Ở đây, sự chia rẽ và thù hận ngự trị. Và, đoàn kết, đại đoàn kết chỉ còn là khẩu hiệu cho những người có dụng ý “đục nước béo cò”.

Đoàn kết là bài học đắt giá nhất cho từng người, cộng đồng, tổ chức và dân tộc. Đoàn kết có sức mạnh “vạn năng” nếu được nhận thức đầy đủ và sâu sắc. Do vậy, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Mỗi người hiểu cơ sở của đoàn kết và áp dụng vào cuộc sống sẽ góp phần của mình làm nên “đại thành công” của sự nghiệp vẻ vang mà Đảng và Nhân dân ta lựa chọn: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

DÂN BIỆN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/co-so-cua-doan-ket-120927.aspx