Cổ phiếu PVS lập đỉnh lịch sử, phản ánh kỳ vọng từ dự án Lô B - Ô Môn

Nhờ hưởng lợi từ mức tăng giá dầu thế giới cùng dự án Lô B - Ô Môn, cổ phiếu PVS liên tục lập những vùng điểm cao mới mặc cho diễn biến trái chiều của VN-Index.

Cổ phiếu PVS lập đỉnh lịch sử

Thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục đón nhận hàng loạt thông tin có tác động tới tâm lý nhà đầu tư. Điển hình như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dù giữ nguyên lãi suất nhưng vẫn giữ quan điểm điều hành có phần “diều hâu”, trong nước, Ngân hàng Nhà nước liên tục có động thái hút ròng hàng chục tỷ đồng qua kênh tín phiếu.

Chính những sự kiện như vậy khiến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường trở nên thận trọng, chứng khoán Việt Nam xuất hiện những phiên giảm điểm mạnh và dứt khoát, rũ bỏ mọi nỗ lực tăng điểm của VN-Index chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Thậm chí, chỉ sau 4 phiên giao dịch từ ngày 21-26/9, VN-Index đã “bốc hơi” tổng cộng gần 90 điểm, về mốc thấp nhất gần 3 tháng kể từ phiên 6/7.

Trong bối cảnh đó, không ít cổ phiếu lớn nhỏ cũng theo đà giảm của thị trường mà chịu sự điều chỉnh. Tuy nhiên, được sự hậu thuẫn từ mức nền cao, cùng những kỳ vọng vào dự án đầu tư công của Chính phủ mà cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam đã tranh thủ bật tăng mạnh.

Diễn biến cổ phiếu PVS trong thời gian qua (Nguồn: Trading View).

Tại phiên giao dịch ngày 11/9, cổ phiếu PVS đã có lúc chạm đến ngưỡng 40.000 đồng/cổ phiếu - vùng giá cao nhất kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, mức đỉnh gần nhất vào hồi tháng 2/2022 với hơn 39.000 đồng/cổ phiếu.

So với đáy dài hạn hồi tháng 11 năm ngoái, thị giá PVS đã tăng gấp 2 lần lên vùng 38.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng thêm hơn 9.000 tỷ đồng sau 10 tháng, lên gần 18.000 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ số VN-Index tăng 8,6% kể từ đầu năm và giảm 6,3% trong vòng một tháng qua.

Cổ phiếu PVS là một trong những mã giao dịch có nhiều biến động nhất trong nhóm ngành dầu khí, với sức mua và giao dịch lớn. Từ khi mới lên sàn HNX vào năm 2007, giá cổ phiếu PVS đã có một đợt sóng tăng mạnh, nhanh chóng đạt đỉnh trong vòng 1 tháng (20/9/2007 đến 31/10/2007). Sau đó, mã PVS duy trì đà giảm cho đến năm 2008.

Mãi đến tháng 9/2014, cổ phiếu PVS lần nữa đạt ngưỡng lịch sử tại vùng điểm 28.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên ngay sau đó tiếp tục diễn biến đi ngang và biến động không đáng kể, nhưng cũng không bị giảm quá sâu thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 5/2020.

Theo xu hướng tăng bứt tốc của VN-Index, PVS tiếp tục chinh phục đỉnh cao nữa vào năm 2021 và đạt xấp xỉ 40.000 đồng vào tháng 2/2022. Cho đến hiện tại, lịch sử lặp lại, cổ phiếu PVS lần nữa giữ vững mốc điểm 40.000 và được dự báo sẽ còn triển vọng tăng trưởng trong tương lai. Tính đến ngày 28/9, cổ phiếu PVS đang giao dịch quanh ngưỡng 37.700 đồng/cổ phiếu.

Cân đối tiêu thụ/sản xuất dầu trên toàn cầu (triệu thùng) Nguồn: DSC/EIA.

Nhờ hiệu ứng của giá dầu thế giới tăng cao, cổ phiếu PVS nói riêng và nhóm cổ phiếu dầu khí nói chung được kỳ vọng hưởng lợi. Hiện, giá dầu Brent tương lai đã tăng khoảng 27% sau 3 tháng lên xấp xỉ 95 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 10 tháng kể từ đầu tháng 11/2022.

Giá dầu tăng lên mức cao nhất từ đầu năm trước kỳ vọng về nguồn cung thắt chặt lấn át sự gia tăng lượng dầu thô dự trữ của Mỹ và những lo lắng về khả năng tăng trưởng kinh tế yếu hơn.

Đầu tháng 9/2023, Saudi Arabia và Nga tuyên bố sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác và lượng xuất khẩu dầu cho tới hết năm nay, thay vì tới hết tháng 10 như kỳ vọng trước đó của thị trường. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc Saudi Arabia và Nga cắt giảm sản lượng dầu sẽ khiến thị trường dầu toàn cầu rơi vào tình trạng “thiếu cung nghiêm trọng” trong thời gian còn lại của năm nay.

Triển vọng từ dự án Lô B - Ô Môn

Cùng sự hưởng lợi từ giá dầu thế giới, kết quả kinh doanh của PVS cũng khả quan khi nửa đầu năm 2023, doanh thu của công ty tăng 11% đạt 8.416 tỷ đồng, trong đó doanh thu tài chính tăng 70 tỷ đồng nhờ môi trường lãi suất cao và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm gần 100 tỷ đồng đã thúc đẩy lợi nhuận, khiến Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí ghi nhận lãi gần gấp đôi cùng kỳ lên 439 tỷ đồng.

Doanh nghiệp hiện có khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn lên đến 5.077 tỷ đồng, đây là khoản tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng dưới 1 năm hưởng lãi từ 3,1% đến 10,3%/năm. Đồng thời, khoản mục tiền, tương đương tiền ghi nhận 5.671 tỷ đồng, trong đó có 1.409 tỷ đồng gửi kỳ hạn không quá 3 tháng hưởng lãi 0,5% đến 6%/năm. Tổng tiền của doanh nghiệp đạt hơn 10.000 tỷ đồng, chiếm gần 40% tỉ trọng tổng tài sản.

Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam là công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với tỷ lệ sở hữu 51,38%. Lĩnh vực hoạt động chính của doanh nghiệp là cung cấp các loại hình dịch vụ kỹ thuật cho các ngành dầu khí, năng lượng, công nghiệp như tổng thầu EPCI công trình biển, tổng thầu EPC công trình công nghiệp, kho chứa, dịch vụ dầu khí…

Dự kiến kết quả kinh doanh của PVS (Nguồn: SSI Research).

Cùng với kết quả kinh doanh tốt thì PVS còn được các chuyên gia đánh giá cao về triển vọng hoạt động kinh doanh. Theo Chứng khoán SSI, PVS là doanh nghiệp đầu tiên được hưởng lợi từ dự án Lô B – Ô Môn nếu đạt được quyết định đầu tư cuối cùng (có thể phải kéo dài tới cuối năm 2023). Dự kiến, công ty có thể đạt khoảng 700 triệu USD giá trị EPCI từ Lô B trong khoảng thời gian 2024 - 2027.

Đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi, do chi phí gia tăng do lạm phát và lãi suất cao hơn khiến một số nhà đầu tư ngừng/xem xét lại các dự án điện gió ngoài khơi hiện tại hoặc tìm cách giảm chi phí để duy trì khả năng tồn tại của dự án. Việc tìm kiếm các biện pháp cắt giảm chi phí có thể mang lại cơ hội cho các nhà cung cấp có lợi thế chi phí thấp hơn như PVS (có chi phí hoạt động thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản).

Tuy nhiên, nếu cắt giảm chi phí không đủ để bù đắp cho tác động của lạm phát, có thể sẽ có thêm nhiều dự án cần phải dừng/trì hoãn, điều này sẽ gây rủi ro cho tất cả các bên tham gia trong ngành.

Về lĩnh vực dầu khí ngoài khơi, SSI nhận thấy nhiều quốc gia khác nhau (như UAE và Nigeria) có kế hoạch tăng công suất sản xuất dầu khoảng 30 - 50% trong vài năm tới. Theo đó, nhu cầu về EPC ngoài khơi cho ngành công nghiệp truyền thống sẽ mạnh và công ty có thể tiếp tục giành được hợp đồng từ các thị trường mà công ty có vị thế tốt.

Chứng khoán SSI duy trì ước tính doanh thu năm 2023 của PVS ở mức 17.500 tỷ đồng (tăng 6,5% so với cùng kỳ 2022) và điều chỉnh tăng ước tính lợi nhuận trước thuế lên 1.176 tỷ đồng.

Phạm Hồng Nhung

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/co-phieu-pvs-lap-dinh-lich-su-phan-anh-ky-vong-tu-du-an-lo-b-o-mon-a628600.html