Cổ phiếu ngân hàng Mỹ bay cao nhờ dự luật cải cách tài chính

(Vietstock) – Ba chỉ số chính của Mỹ đóng cửa không đồng nhất trong phiên giao dịch ngày Thứ Sáu 25/06. Điểm đáng chú ý trong ngày chính là sự bứt phá ấn tượng của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi dự luật cải cách tài chính lịch sử được Quốc hội Mỹ thông qua. Dù vậy, tính cả tuần, các chỉ số vẫn giảm ít nhất 3%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng “thở phào nhẹ nhõm” sau khi các nhà lập pháp Mỹ phê chuẩn dự luật tăng cường giám sát các công ty tài chính nhưng lại không bao gồm một số điều khoản khắc nghiệt nhất như đề xuất ban đầu. Dự luật này cũng đặt ta những quy định mới đối với các khoản đầu tư phức tạp như các hợp đồng phái sinh nhưng không quá khắt khe như nhà đầu tư từng lo sợ. Ngoài ra, dự luật này còn bao gồm một phiên bản mới “ôn hòa hơn” về quy tắc “Volcker rule”, trong đó cấm các ngân hàng thương mại tiến hành hoạt động tự doanh. Theo nhận định của các nhà phân tích, dự luật này đã xua tan đám mây đen bao phủ ngành tài chính trong phần lớn thời gian của năm nay. Trước đó, nhà đầu tư lo sợ rằng các quy định quá gắt gao sẽ bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng thông qua việc giới hạn giao dịch các hợp đồng phái sinh. Theo đó, dự luật kêu gọi việc đa số các hợp đồng phái sinh sẽ được giao dịch trên các sàn nhưng không bao gồm điều khoản mà nhà đầu tư lo sợ nhất, đó là cấm hoàn toàn hoạt động giao dịch các hợp đồng phái sinh của các ngân hàng. Theo đó, các các ngân hàng vẫn có thể giao dịch các hợp đồng phái sinh liên quan đến lãi suất, ngoại hối, vàng, bạc và các khoản đầu tư khác có thể đem lại lợi nhuận. Các ngân hàng phải thành lập các chi nhánh với nguồn vốn của chính mình để giao dịch các hợp đồng phái sinh, thế nhưng các ngân hàng mẹ vẫn có thể thu được lợi nhuận từ các giao dịch này. Các công ty và nhà đầu tư thường dùng các hợp đồng phái sinh này để phòng trừ thua lỗ. Tuy nhiên, một số loại hợp đồng phái sinh chỉ đơn thuần là các khoản đầu tư đầu cơ và được” đổ thừa” là nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của thị trường nhà ở và khủng hoảng tài chính năm 2008. Và giờ đây, thị trường dường như tin tưởng rằng các công ty tài chính vẫn có thể tạo ra lợi nhuận thậm chí khi hoạt động kinh doanh bị giới hạn. Cổ phiếu Goldman Sachs tăng 3.5%, JPMorgan tăng 3.7%, Bank of America cộng 2.7% và Citigroup tiến 4.2%. Tương tự nhóm cổ phiếu ngân hàng địa phương cũng nhận thêm số điểm rất lớn với Suntrust Banks tăng mạnh 4.7%, Synovus Financial tiến 5.3%. Chỉ số S&P Tài chính tăng 2.8%. Liên quan đến số liệu kinh tế, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I của Mỹ được điều chỉnh giảm từ 3% xuống 2.7%. Trong khi đó, niềm tin tiêu dùng lại tăng mạnh hơn dự đoán lên mức cao nhất kể từ Tháng 1/2008. Nguồn: Reuters Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 8.99 điểm (0.09%) xuống 10,143.81 điểm. Ngược lại, chỉ số S&P 500 cộng 3.07 điểm (0.29%) lên 1,076.76 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite nhận 6.06 điểm (0.27%) đóng cửa tại 2,223.48 điểm. Bất chấp đà tăng nhẹ của thị trường, ba chỉ số chính vẫn giảm điểm trong tuần và đánh dấu tuần yếu kém nhất trong năm tuần vừa qua. Tính cả tuần, Dow Jones giảm 2.9%, S&P 500 trượt 3.6% và Nasdaq rớt 3.7%. Khối lượng giao dịch trên ba sàn New York, American và Nasdaq đạt 13.5 tỷ cổ phiếu, bỏ xa mức trung bình hàng ngày năm ngoái 9.65 tỷ cổ phiếu đồng thời là mức cao nhất trong một tháng qua. Số cổ phiếu tăng điểm vượt số cổ phiếu giảm điểm theo tỷ lệ 11:4 cho sàn New York và 9:4 cho sàn Nasdaq. Thị trường châu Âu mất điểm với chỉ số FTSE 100 của Anh và chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 1%, chỉ số DAX của Đức trừ 0.7%. Tương tự tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản trượt 1.9%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất 0.2%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc trừ 0.6%. Các chỉ số chính của Australia, Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc và Ấn Độ cũng chìm trong sắc đỏ.

Nguồn VietStock: http://www.vietstock.vn/tabid/57/channelid/773/newsid/157639/default.aspx