Cổ phiếu điện 'nóng' cùng thời tiết

Giữa tâm điểm nắng nóng và lịch cắt điện ở miền Bắc, trên sàn chứng khoán, các cổ phiếu liên quan ngành điện đang cho thấy sức tăng 'nóng' tương ứng. Dù vậy, chuyên gia cho rằng, cổ phiếu nhóm ngành này có triển vọng đường dài, còn trong ngắn hạn thì nhà đầu tư vẫn nên 'kiềm chế'.

Một số cổ phiếu có đà tăng đáng chú ý trong thời gian qua có thể kể đến LCG (CTCP Lizen), BCG (CTCP Bamboo Capital), PC1 (CTCP Tập đoàn PC1), HDG (CTCP Tập đoàn Hà Đô ), KHP (CTCP Điện lực Khánh Hòa)...

Cổ phiếu ngành điện được “đốt nóng”

Đáng chú ý, trong phiên 12/6, cổ phiếu QTP của Nhiệt điện Quảng Ninh dừng ở mức giá 17.200 đồng/cp, “nhăm nhe” vượt mức đỉnh từng chinh phục vào đầu năm 2022. Chỉ riêng giai đoạn ngắn từ đầu tháng 6 tới nay, mã này đã tăng hơn 10%.

Giữa tâm điểm nắng nóng và lịch cắt điện ở miền Bắc, trên sàn chứng khoán, các cổ phiếu liên quan ngành điện đang cho thấy sức tăng “nóng” tương ứng.

Giữa tâm điểm nắng nóng và lịch cắt điện ở miền Bắc, trên sàn chứng khoán, các cổ phiếu liên quan ngành điện đang cho thấy sức tăng “nóng” tương ứng.

Còn cổ phiếu GEX của CTCP Tập đoàn GELEX liên tiếp kéo dài chuỗi tăng giá từ đầu tháng 6 đến nay với mức thanh khoản khá cao. Thậm chí trong phiên 1/6, cổ phiếu này còn tăng trần với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 37,3 triệu cổ phiếu, đứng đầu khối lượng giao dịch toàn thị trường. Chốt phiên ngày 12/6, cổ phiếu GEX đạt mức 19.500 đồng/cp.

Hay như trong phiên 5/6, cổ phiếu NT2 của Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 đã thiết lập mức giá cao nhất từ trước đến nay (33.600 đồng/cp) với tổng khối lượng hơn 25 triệu cổ phiếu.

Phiên 9/6, cổ phiếu ngành thiết bị điện như POT tăng trần, DQC tăng mạnh hơn 6% đều với thanh khoản cao nhất trong 9 tháng trở lại đây.

Không chỉ vậy, trước đà tăng nóng của cổ phiếu điện, nhiều lãnh đạo của doanh nghiệp nhóm ngành này đã đăng ký mua vào hàng triệu cổ phiếu.

Chẳng hạn, ông Trần Văn Huyên, Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư và Phát triển điện Tây Bắc (NED) vừa đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 13/6 - 12/7.

Trước đó, ông Mai Danh Hiền, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính cổ phần điện lực đã mua 1,3 triệu cổ phiếu EVF từ 19/5 - 7/6.

Có thể thấy, sau khi Quy hoạch điện VIII chính thức được phê duyệt vào tháng 5 vừa qua, đồng thời giá bán lẻ điện bình quân cũng tăng 3%, đúng như dự đoán của giới phân tích, cổ phiếu ngành điện đã ghi nhận diễn biến tích cực. Trong đó, nhóm doanh nghiệp lĩnh vực xây lắp hạ tầng điện được hưởng lợi rõ ràng nhất nhờ khối lượng công việc khá cao, đặc biệt trong các nhóm ngành điện khí và năng lượng tái tạo.

Sức “nóng” của cổ phiếu điện chưa kịp hạ nhiệt thì tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên tại nhiều địa phương miền Bắc đang ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp cũng như người dân. Điều này càng khiến nhóm cổ phiếu điện thu hút sự chú ý của thị trường.

Nhà đầu tư vẫn cần “kìm chế”

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích của Chứng khoán Nhất Việt cho biết, với ngành điện, dự kiến vốn đầu tư lên tới hơn 134 tỷ USD là một con số lớn, sẽ đem đến khối lượng công việc khổng lồ cho ngành điện, do đó về dài hạn, các doanh nghiệp ngành điện sẽ được hưởng lợi.

"Ngành điện có dư địa và mang đến triển vọng đường dài", ông Hoàng nhận xét.

Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office), năm 2023 sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,08°C đến 1,32°C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp, có khả năng là năm thứ 10 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1°C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp, kèm theo đó là tính bất ổn định cao của khí quyển trên quy mô toàn cầu, khu vực.

Ở Việt Nam, từ đầu năm đến tháng 5, tổng lượng mưa trên toàn quốc phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Dòng chảy trên các sông suối và hồ chứa khu vực Bắc Bộ phổ biến đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 10-30%, riêng trên sông Thao thiếu hụt 70%. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng lượng mưa giảm, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, nắng nóng và khô hạn có thể xuất hiện trong thời gian tới.

Viện nghiên cứu quốc tế (IRI) ước tính sản lượng thủy điện trong năm 2023-24 sẽ giảm tương ứng 13% - 17% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, Chứng khoán VNDirect chỉ ra, điện khí sẽ hưởng lợi trong việc huy động sản lượng do thủy điện suy yếu, tạo dư địa huy động cho các nguồn thay thế và dự báo giá dầu Brent giảm trong 2023-2024 đạt 85-80 USD/thùng hỗ trợ khả năng cạnh tranh giá của nguồn điện khí trong bối cảnh giá đầu vào than tiếp tục neo cao.

Đối với điện than, kỳ vọng các nhà máy sử dụng than nội địa tại miền Bắc sẽ được hưởng lợi rõ ràng nhất nhờ giá than nội ổn định cũng như chi phí rẻ hơn. Ngoài ra, một mùa hè nhiệt độ cao hơn sẽ là yếu tố cơ bản, hỗ trợ huy động sản lượng các nhà máy điện than tại khu vực này trong năm 2023.

Tuy nhiên, Chứng khoán VNDirect cũng đưa ra lưu ý, nhu cầu điện mảng xây dựng dự kiến giảm sút do những khó khăn của thị trường bất động sản nhà ở.

Đánh giá về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố tăng 3% giá bán điện bình quân, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, việc tăng giá bán điện chưa thể tác động lên nhóm doanh nghiệp điện một cách thực sự rõ nét.

Bởi trên thực tế, các công ty ngành điện đã thỏa thuận dài hạn khi ký hợp đồng mua bán điện với EVN, nên việc tăng giá bán điện bình quân trong ngắn hạn chưa thể tác động đến doanh thu của doanh nghiệp sản xuất.

Với những doanh nghiệp phân phối điện, việc tăng giá điện có thể tác động tích cực, vì hợp đồng đã ký dài hạn với giá rẻ, nay bán giá cao, giúp lợi nhuận doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ tăng.

Theo phân tích của chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường, cổ phiếu ngành điện có thể khả quan trong dài hạn và cần nhìn trong mối quan hệ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp với định giá trên thị trường chứng khoán.

Hiện, các công ty chứng khoán đang đưa ra khuyến nghị theo hướng kỳ vọng lợi nhuận, tuy nhiên lợi nhuận doanh nghiệp thì phải 2, 3 năm nữa mới nhìn thấy, nên "nhà đầu tư cần kìm chế".

“Trong bối cảnh hiện nay, những công ty tư vấn điện khả năng sẽ được hưởng lợi vì sẽ có tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao, còn với các công ty sản xuất điện chưa chắc có lời vì theo Quy hoạch điện VIII, mảng phát triển mạnh nhất là mảng có giá thành cao nhất”, ông Tường lưu ý.

Tương tự, dù đánh giá cao Quy hoạch điện VIII nhưng VNDirect cũng cảnh báo một số rủi ro vẫn còn đó và cần chính sách mới để giảm thiểu rủi ro. Đó là cơ chế xác định giá bán, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện gió, điện mặt trời... Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo rất lớn, nên việc đảm bảo khả năng trả nợ là bài toán không dễ cho các doanh nghiệp.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/co-phieu-dien-nong-cung-thoi-tiet-1093189.html