Cổ phiếu càng 'ôm' càng… lỗ

Nhiều mã cổ phiếu càng được nhà đầu tư kỳ vọng thì lại ngày càng ‘sụt’ giá so với thời điểm đầu năm 2016, thậm chí mất 50-90% giá trị so với thời điểm mới niêm yết lên sàn khiến nhà đầu tư… “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Càng “ôm” càng lỗ

Được chú ý trong thời gian gần đây nhất là cổ phiếu Gỗ Trường Thành (TTF). Thời điểm đầu tháng 1.2016, cổ phiếu này có giá dao động từ 28 đến 32.000 đồng/CP, sau đó khi có thông tin Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (công ty con của Tập đoàn Vingroup) đầu tư thì cổ phiếu này nhảy lên tới 43.600 đồng/CP. Tuy nhiên, từ khi có những “thông tin sai lệch” về sổ sách dẫn đến việc Tân Liên Phát “tạm dừng” đầu tư thì TTF đảo chiều và giảm giá không phanh.

Đến thời điểm hiện tại cổ phiếu này không được giao dịch ký quỹ và chỉ còn mức giá 9.200 đồng/CP (mất khoảng 80% giá trị).

Đại hội cổ đông của tập đoàn HAGL diễn ra tại TP Pleiku đầu tháng 9.2016

Đáng chú ý không kém thời gian gần đây là cổ phiếu của bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - mã HAG). Thời điểm đầu năm 2016, cổ phiếu HAG còn có giá trên dưới 10.000 đồng/CP thì hiện tại giá chỉ còn 5.000 đồng/CP (giảm hơn 50%) giá trị. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư dài hạn thì HAG còn mang lại “nỗi đau” lớn hơn khi thời điểm đầu năm 2015, cổ phiếu này có giá trị lên tới trên dưới 22.000 đồng/CP.

Sụt giá càng thảm hơn “ông bố” HAG, cổ phiếu HNG (Công ty Nông nghiệp Quốc tế HAGL) của bầu Đức được nhiều nhà đầu tư hiện nay ví như cổ phiếu “rác”. Lý do từ thời điểm lên sàn, HNG được kỳ vọng cực kỳ lớn với những dự án thuộc dạng “hàng khủng” ở khu vực biên giới 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia; được ưu đãi chính sách đầu tư, vốn…

Có thời điểm đỉnh cao, mức giá của HNG lên tới trên 30.000 đồng/CP. Dù vậy, hiện HNG đã về dưới mệnh giá và chỉ còn khoảng 5.600 đồng/CP và được ví là… “khối u” của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hiện nay.

Ở khối ngân hàng, đáng chú ý là cổ phiếu của Ngân hàng Eximbank (EIB). Thời điểm đầu năm cổ phiếu EIB có giá trên dưới 11.000 đồng/CP, có thời điểm cuối tháng 5.2016 cổ phiếu này lên tới 13.000 đồng/CP. Nhưng rồi do “xào xáo” nội bộ khiến đại hội cổ đông tổ chức nhiều lần không thành công, cùng với kết quả kinh doanh 2 năm liền không khả quan khiến EIB bị liệt vào diện cảnh báo. Hiện, cổ phiếu của nhà băng này đang ở mức giá 10.600 đồng/CP.

Mất tiền vì… cổ phiếu lớn

Thực tế, thời gian qua nhà đầu tư mất khá nhiều tiền vào nhóm các cổ phiếu TTF, HAG, HNG, MSR… vì quá tin vào những kế hoạch kinh doanh “đẹp” mà các DN này đưa ra. Ông Nguyễn Văn Đ, một nhà đầu tư khá lâu năm vào cổ phiếu HAG, HNG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Theo ông Đ cho biết, vì tin tưởng đây là một tập đoàn lớn, đầu tư khá thành công ra nước ngoài nên khi giá cổ phiếu này xuống tầm 10.000 đồng/CP hồi đầu năm nên đã mua vào khoảng 30.000 cổ phiếu.

“Tổng số tiền tôi bỏ ra khoảng 300 triệu đồng nhưng đến khi cổ phiếu giảm xuống 8.000 đồng thời điểm tháng 6, tôi vẫn không chịu bán và dự định đợi sau khi Tập đoàn này báo cáo tài chính sẽ tăng giá nhưng đến thời điểm này giá mỗi cổ phiếu HAG chỉ còn trên dưới 5.000 đồng. Tính ra, tôi đã mất hơn 150 triệu tiền vốn ban đầu”, ông Đ nói.

Trong khi đó, chị Lê Thị Ngọc Hân thì lại mua vào khá nhiều cổ phiếu MSR (Công ty CP Tài nguyên Masan) với giá gần 20.000 đồng/CP vào hồi tháng 6.2016. Đến nay, giá cổ phiếu MSR giảm chỉ còn 12.500 đồng/CP.

“Tôi nghe tư vấn MSR có thể sẽ lên giá vì thời điểm đầu năm cổ phiếu này chỉ có giá trên dưới 11.000 đồng/CP nhưng sau đó lên vù vù, lên tới 23-24.000 đồng/CP, thấy ham quá nên mua ai dè…”, chị Hân chia sẻ.

Đánh giá về nhiều mã cổ phiếu có ‘tiếng’ nhưng càng ôm càng lỗ, đại diện Công ty Chứng khoán Rồng Việt, cho rằng, nhà đầu tư cần phải tỉnh táo vì hiện có nhiều cổ phiếu sử dụng đòn bẩy nhiều nên khi thị trường giảm điểm, các công ty chứng khoán sẽ cắt margin hoặc tiến hành giải chấp nên dễ dẫn đến bán tháo. Một số nhà đầu tư do thua lỗ nặng vì cố tình bắt đáy và kỳ vọng sẽ tăng trở lại nhưng không ngờ càng ngày càng giảm sâu. Ngoài ra, đây cũng là nhóm nhà đầu tư nhỏ nắm chủ yếu nên khi bán thường theo số đông nên giá cổ phiếu càng giảm.

Trong khi đó, một nhà đầu tư khá lâu năm trong ngành cổ phiếu thì ‘hóm hỉnh’: “Một lời khuyên dành cho nhà đầu tư mới vào nghề, đó là đi kiếm một chuyên gia phân tích, hỏi họ xem phải làm cái gì, và sau đó thì làm ngược lại thì chắc chắn sẽ có lời vì thị trường chứng khoán chẳng biết đâu mà lần”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/co-phieu-cang-om-cang-lo-710324.html