Có nên mở rộng lễ hội truyền thống?

Trong bối cảnh hiện tại, dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, hiện đại hóa và thị trường hóa, lễ hội truyền thống của các cộng đồng cũng biến đổi nhanh chóng theo hướng ngày càng được mở rộng ra liên cộng đồng, liên địa phương, xuất hiện nhiều lễ hội cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện...

Đây là điều mà trước đây rất ít khi phổ biến, bởi xét cho cùng, lễ hội truyền thống thuộc về một cộng đồng nhất định. Nhưng một điều dễ thấy là vì nhiều lý do, trong đó có lý do quan trọng là các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế lễ hội và phát triển du lịch nên không ngừng cải tiến, mở rộng lễ hội sao cho thật hoành tráng để thu hút du khách. Phần lớn du khách là người ngoài cộng đồng chủ thể. Từ lễ hội Hang Bua ở Quỳ Châu, lễ hội đền Chín Gian ở Quế Phong, đến lễ hội Đền Vạn ở Tương Dương (Nghệ An)... đều không ngừng được mở rộng.

Trước thời điểm diễn ra lễ hội vài ba tháng, địa phương đã tổ chức tuyên truyền về lễ hội một cách rộng rãi để thu hút du khách. Khi tổ chức lễ hội cũng thêm vào nhiều tiết mục mới mà trong lễ hội truyền thống không có, phổ biến nhất là các cuộc thi sắc đẹp gắn với các lễ hội lâu nay vốn đã có nhiều ý kiến khác nhau. Quy trình diễn ra lễ hội cũng có những điểm khác, người chủ lễ không còn do cộng đồng cử ra mà tùy theo mức độ của lễ hội, là một lãnh đạo đại diện địa phương... Đối tượng tham gia lễ hội hiện nay, ngoài cộng đồng chủ thể (đang dần mất vị trí) thì phần lớn lại đến từ ngoài cộng đồng. Nhất là lễ hội truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số hiện nay có sự tham gia của rất nhiều người Kinh từ các địa phương khác đến.

Nhảy sạp trong lễ hội Hang Bua của người Thái ở xã Châu Tiến (Quỳ Châu, Nghệ An).

Sự thay đổi này một mặt làm cho các lễ hội có quy mô rộng lớn, hoành tráng hơn. Nhưng mặt khác cũng làm cho lễ hội đối diện với nhiều nguy cơ biến đổi bởi các giá trị văn hóa truyền thống bị thách thức.

Liên quan đến sự biến đổi lễ hội truyền thống, TS Trần Hữu Sơn, một nhà nghiên cứu và có nhiều năm tham gia quản lý văn hóa cho rằng, việc hoành tráng hóa lễ hội truyền thống của các cộng đồng là điều không nên, bởi nó làm mất đi nhiều giá trị văn hóa vốn gắn với cộng đồng chủ thể và cũng mất đi nhiều nét thiêng liêng của lễ hội.

Điệu múa truyền thống trong lễ hội Hang Bua của người Thái ở xã Châu Tiến (Quỳ Châu, Nghệ An).

Ý kiến trên của TS Trần Hữu Sơn cũng được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa ủng hộ. Nhưng chúng ta cũng đang đối diện với một vấn đề phức tạp hơn với nhiều quan điểm trái chiều: Mở rộng phát triển lễ hội để qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo hay bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội? Nhiều nhà nghiên cứu phản đối việc mở rộng, hoành tráng hóa lễ hội truyền thống để phát triển kinh tế vì lễ hội truyền thống gắn với văn hóa cộng đồng và bảo vệ giá trị văn hóa của lễ hội là bảo tồn văn hóa cộng đồng, là giữ gìn sự đa dạng văn hóa. Còn các nhà quản lý, nhất là quản lý địa phương lại muốn phát triển kinh tế lễ hội, mở rộng lễ hội để thu hút nhiều du khách đến với địa phương hơn, vừa quảng bá văn hóa địa phương, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.

Cả hai quan điểm trên đều có những sự hợp lý riêng và dựa trên những mục tiêu trọng điểm khác nhau. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ nhiều địa phương và nhiều quốc gia cho thấy, để phát triển kinh tế văn hóa, du lịch văn hóa thì phải giữ được các giá trị văn hóa truyền thống. Lễ hội cũng không ngoại lệ. Không phải cứ mở rộng quy mô lễ hội thì sẽ tăng được nguồn thu từ lễ hội. Nếu bảo tồn được các giá trị văn hóa lễ hội gắn với cộng đồng chủ thể thì sẽ có nhiều con đường để phát triển kinh tế, có thể sẽ chậm hơn nhưng bền vững và lành mạnh hơn.

Bài và ảnh: BÙI HÀO

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/co-nen-mo-rong-le-hoi-truyen-thong-767491