Có nên dùng chứng chỉ IELTS để ưu tiên xét tuyển đại học?

Việc thí sinh có chứng chỉ IELTS sẽ có nhiều lợi thế như miễn thi tốt nghiệp THPT và được coi là 'tấm vé vàng' trong việc ưu tiên xét tuyển đại học. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, các trường nên xem xét lại.

Quy đổi IELTS vào các trường đại học như thế nào?

Trong mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều trường đại học tiếp tục sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để xét tuyển, trong đó phổ biến nhất vẫn là chứng chỉ IELTS. Tuy nhiên, điểm quy đổi mỗi trường khác nhau.

Trường ĐH Ngoại thương năm nay chỉ xét điểm IELTS từ 6.5 trở lên. Thí sinh có chứng chỉ IELTS 6.5 được quy đổi thành 8,5 điểm môn tiếng Anh khi xét đại học, 7.0 quy đổi thành 9 điểm, 7.5 tương đương 9,5 điểm, 8.0 mới được 10 điểm.

Nói về mục đích sử dụng chứng chỉ IELTS cũng như các chứng chỉ ngoại ngữ khác, TS. Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương lý giải: "Trường hiện có 17/35 chương trình được giảng dạy bằng Tiếng Anh, mang lại nhiều cơ hội cho thí sinh lựa chọn ngành phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình. Các chương trình yêu cầu thí sinh có đủ năng lực tối thiểu để học tập, nghiên cứu, thực hành bằng tiếng Anh. Vì vậy, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ thuận lợi, phù hợp với các chương trình mang tính hội nhập cao này".

Theo TS. Vũ Thị Hiền, việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như một căn cứ trong quá trình xét tuyển, không phải tiêu chí duy nhất mà sẽ xét tuyển dựa trên nhiều yếu tố năng lực khác như kết quả học tập THPT, kết quả thi tốt nghiệp THPT,… IELTS là một trong các chứng chỉ ngoại ngữ mà Trường ĐH Ngoại thương lựa chọn để sử dụng cho xét tuyển. Nhà trường thực hiện nhiều phương thức xét tuyển, trong đó có một số phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (IELTS, TOEFL ibt, Cambridge certificate, JNPT, HSK, DEFT….) và kết quả học tập THPT/chứng chỉ năng lực quốc tế (SAT,ACT, A-Level)/kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Quy đổi điểm IELTS ở một số trường đại học.

Quy đổi điểm IELTS ở một số trường đại học.

Các chứng chỉ ngoại ngữ này có điểm chung là kiểm tra đủ 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết, được Bộ GDĐT công nhận trong xét tuyển và đào tạo, đồng thời được công nhận rộng rãi trên toàn cầu. Các chứng chỉ đã được áp dụng hiệu quả trong tuyển sinh ở các trường đại học uy tín ở nhiều nước/khu vực trên thế giới, đều phổ biến và được tổ chức thi tại nhiều đơn vị ủy quyền ở Việt Nam. Nội dung thi của các chứng chỉ ngoại ngữ này ngày càng tương thích với chương trình học tập ở bậc THPT tại Việt Nam.

"Hằng năm trường đều có phân tích dữ liệu thí sinh vào học tại trường theo các phương thức khác nhau. Kết quả cho thấy, thí sinh trúng tuyển từ phương thức xét kết hợp chứng chỉ quốc tế đều đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và có năng lực học tập tốt. Đây cũng là một trong những cơ sở để trường duy trì việc sử dụng các chứng chỉ quốc tế, trong đó có chứng chỉ IELTS trong xét tuyển".

Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), IELTS 6.0 được quy đổi 10 điểm môn tiếng Anh, IELTS 5.5 được quy đổi 9 điểm và IELTS 5.0 được quy đổi 8 điểm khi xét tuyển.

Trường ĐH Mở TP.HCM quy định IELTS 4.5 được quy đổi 7 điểm môn tiếng Anh. IELTS 5.0 được quy đổi 8 điểm. IELTS 5.5 được quy đổi 9 điểm. IELTS 6.0 trở lên được quy đổi 10 điểm.

Trường ĐH Y dược - ĐH Quốc gia Hà Nội cũng dành 6% chỉ tiêu xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương. Trường yêu cầu điểm IELTS phải đạt từ 6.5 trở lên đối với ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt và Dược học, hoặc từ 5.5 trở lên đối với ngành còn lại. Đồng thời, thí sinh cần đảm bảo tổng điểm 2 môn trong tổ hợp xét tuyển tương ứng với ngành học (bắt buộc phải có môn Toán) tối thiểu 16 điểm (đối với ngành Y khoa, Dược học và Răng hàm mặt) hoặc tối thiểu 14 điểm (đối với các ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học và Điều dưỡng).

Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ với kết quả học tập bậc THPT với học sinh các trường THPT chuyên trên toàn quốc tốt nghiệp THPT năm 2024; có điểm trung bình chung học tập mỗi năm trong 3 năm THPT (lớp 10, lớp 11 và lớp 12) đạt từ 8 điểm trở lên; có điểm trung bình chung học tập của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển mỗi năm trong 3 năm THPT (lớp 10, lớp 11 và lớp 12) đạt từ 8 điểm trở lên (tính trung bình chung của 3 môn, làm tròn đến một chữ số thập phân).

"Vào đại học phải căn cứ các môn cơ sở, chứng chỉ tiếng Anh không thể thay thế"

Thí sinh có chứng chỉ IELTS trong tay sẽ được nhiều lợi thế như miễn thi tốt nghiệp môn tiếng Anh và ưu tiên xét tuyển đại học, tuy nhiên việc này gây ra những tranh cãi bởi nhiều chuyên gia cho rằng không hợp lý.

Trao đổi với PV báo Sức khỏe và Đời sống, chuyên giao giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên cho rằng, IELTS là một kỳ thi toàn cầu, được sử dụng ở hàng trăm quốc gia và được công nhận rộng rãi bởi hàng ngàn trường đại học, các chính phủ, các nhà tuyển dụng cho mục đích học tập, làm việc, định cư.

Hiện nay, theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh được miễn thi Ngoại ngữ và được tính 10 điểm môn này trong xét công nhận tốt nghiệp THPT nếu có chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ. Với Tiếng Anh, thí sinh cần có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên là đã được miễn thi môn Ngoại ngữ.

Chứng chỉ IELTS được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới và được chấp nhận ở hơn 12.000 tổ chức trên hơn 140 quốc gia, bao gồm các tổ chức chính phủ, trường đại học, cao đẳng và các nhà tuyển dụng.

Chứng chỉ IELTS được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới và được chấp nhận ở hơn 12.000 tổ chức trên hơn 140 quốc gia, bao gồm các tổ chức chính phủ, trường đại học, cao đẳng và các nhà tuyển dụng.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, có 46.670 thí sinh đăng ký miễn thi bài thi ngoại ngữ (chiếm 4,55% tổng số thí sinh). Trong số này, có 16.133 thí sinh ở Hà Nội, 10.020 thí sinh TP.HCM.

Với việc sử dụng chứng chỉ IELTS xét tuyển vào đại học, theo chuyên giao giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên: "Tôi ủng hộ việc quy đổi tương đương miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ từ chứng chỉ IELTS. Còn việc sử dụng riêng chứng chỉ này để vào đại học thì không nên, không đáng tin cậy, các trường nên xem xét lại. Vào đại học phải căn cứ các môn cơ sở, chứng chỉ tiếng Anh không thể thay thế, trừ các ngành, các trường liên quan đến ngoại ngữ".

TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhiều lần bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại khi IELTS được coi là "tấm vé vàng" xét tuyển vào những trường đại học hàng đầu Việt Nam, dẫn đến tình trạng học sinh đổ xô đi học chứng chỉ này. "IELTS chỉ nên là tiêu chí phụ để xét tuyển vào khối ngành ngoại ngữ hoặc các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, chất lượng cao và chương trình hợp tác quốc tế. Hoặc, nhà trường có thể quy đổi điểm IELTS để xét miễn học hoặc miễn thi đối với các học phần ngoại ngữ cho sinh viên trong quá trình học tập" - TS. Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.

IELTS là hệ thống kiểm tra tiếng Anh quốc tế và hiện là kỳ thi tiếng Anh phổ biến nhất toàn cầu. Bài thi được phát triển bởi các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khảo thí và đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của thí sinh thông qua tất cả bốn kỹ năng – nghe, nói, đọc và viết.

Chứng chỉ IELTS được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới và được chấp nhận ở hơn 12,000 tổ chức trên hơn 140 quốc gia, bao gồm các tổ chức chính phủ, trường đại học, cao đẳng và các nhà tuyển dụng.

Các nước như Anh, Úc, Canada, Mỹ, và New Zealand chấp nhận IELTS để đánh giá khả năng tiếng Anh của sinh viên quốc tế. Thậm chí, nhiều quốc gia châu Âu như Đức và Phần Lan cũng công nhận chứng chỉ này.

Tại Việt Nam, các thí sinh có chứng chỉ IELTS cũng sẽ có thể quy đổi điểm IELTS cho môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc có thể sử dụng để xét tuyển đại học trong nước với nhiều phương thức xét kết hợp hoặc nộp hồ sơ xin học bổng du học quốc tế.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-nen-dung-chung-chi-ielts-de-uu-tien-xet-tuyen-dai-hoc-169240512164458514.htm