Có một tuyến đường 1C huyền thoại

Tuyến đường huyền thoại 1C không chỉ được ghi vào trang sử vàng của dân tộc mà còn là điểm về nguồn, là niềm tự hào của tuổi trẻ hôm nay về thế hệ cha ông một thời chiến đấu không tiếc máu xương vì độc lập của dân tộc.

Hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Kiên Giang cùng đoàn viên, thanh niên huyện Giang Thành họp mặt ôn lại truyền thống Hội Cựu thanh niên xung phong tại bia tưởng niệm thanh niên xung phong tuyến đường 1C, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành (Kiên Giang). Ảnh: TÚ ANH

Nhiều người cho rằng đường Hồ Chí Minh từ miền Bắc, điểm cuối ở rừng Tây Ninh, nhưng thực tế hàng chuyển từ Tây Ninh về khu Tây Nam bộ ta lấy ký hiệu đường 1A, 1B, đến Rạch Giá (Kiên Giang) là 1C. Trong một lần họp mặt truyền thống lực lượng thanh niên xung phong đường 1C, nhiều ý kiến đề nghị xem đường 1C là điểm cuối của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử của dân tộc mới đầy đủ và trọn vẹn.

Liên đội thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C có 4 đại đội với 500 người, trong đó có 426 phụ nữ. Mùa nước nổi năm 1967, vào đợt nhận hàng từ Tây Ninh về tổng trạm 195, qua kênh Vĩnh Tế, hơn 400 chiếc xuồng ba lá, mỗi xuồng chở 400-500kg hàng từ trạm 195 qua hai chốt nguy hiểm là kênh Vĩnh Tế và lộ Cái Sắn, phải đảm bảo đi về trước khi trời sáng để giữ bí mật cho tuyến đường.

Những thanh niên xung phong đi bằng đôi chân và đôi vai sức trẻ, bằng ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi thanh xuân.

Những ngày cuối tháng 10-2023, cựu thanh niên xung phong các tỉnh cùng nhau về thăm các điểm ngày xưa họ từng băng qua lửa đạn để chuyển hàng như Ba Hòn, huyện Kiên Lương; kênh Vĩnh Tế, TP. Hà Tiên (Kiên Giang).

Chị Võ Tuyết Lệ - cựu thanh niên xung phong, người đạt danh hiệu “dũng sĩ 1.000 ngày đêm anh dũng trên tuyến đường 1C”, có thời gian công tác tại Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chia sẻ: “Sau một chuyến chuyển hàng, chúng tôi lọt vào ổ phục kích của giặc. Tiểu đội tôi có 12 đồng chí thì 11 đồng chí hy sinh. Tôi bắn hết đạn súng của mình rồi lấy súng AK của đồng đội đã hy sinh tiếp tục bắn. Tôi bắn hết băng AK lại bắn B40 để giặc nghĩ ta còn đông quân, không dám xông lên. Sau đó tôi bị thương, ngất đi. Khi tỉnh, tôi cố lết ra bờ kênh, nằm chờ đồng đội đi qua. Đơn vị tưởng tôi hy sinh, làm lễ truy điệu tôi cùng 11 đồng chí nhưng tôi may mắn gặp một đơn vị hành quân và được cứu sống”.

Hồng Cối là biệt danh của một nữ thanh niên xung phong biết bắn nhiều loại súng và pháo. Trong một lần chuyển hàng đụng giặc, chị vừa bắn pháo vừa đỡ thân pháo cho đồng đội bắn, sức nóng của nòng pháo làm tay chị bỏng rộp, vậy mà đến chuyến chở hàng, chị vẫn tiếp tục đi. Còn Tuyết B52 là biệt danh của Nguyễn Thị Tuyết - người con gái Cà Mau gan dạ, nhiều lần chuyển hàng bị thương nhưng chị vẫn gùi trên vai hàng trăm ki lô gam hàng, đi bộ hơn 20km đường đồng nên đồng đội gọi chị là Tuyết B52.

Trong một lần họp mặt truyền thống thanh niên xung phong đường 1C, các bạn tìm gặp chị Tuyết lúc chị đi làm cỏ thuê ở xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Mọi người nắm bàn tay bị gai khóm cắt chi chít của chị rồi khóc, còn chị Tuyết thì đứng lặng trong vòng tay đồng đội.

Chị nhắc lại kỷ niệm của các chị em ở chốt Rọc Xây, vào năm 1970, trong đợt chuyển hàng mùa nước nổi các chị xuất phát từ điểm nhận hàng lúc 15 giờ rồi trở về cứ lúc 5 giờ. Các chị trùm khăn kín đầu, tóc ẩm ướt. Máy bay, pháo địch bắn, khói thuốc súng theo sương gió thấm trong chân tóc nên khi các chị tháo khăn để chải đầu, tóc rụng từng chùm, da đầu trống thành mảng.

Chị Tuyết nhớ lại: “Khi tóc rụng trơ da đầu chị em rủ nhau cạo trọc cho tóc mọc lại. Lúc trọc đầu, chị em tiếc mái tóc con gái, mỗi đứa giữ một nắm rồi ôm nhau khóc. Sau đó, nhiều chị em hy sinh, tóc chưa kịp mọc, chúng tôi gói nắm tóc vào lòng đất cho chị em”.

Nhà thơ Lê Chí từng viết bài thơ nổi tiếng về lực lượng thanh niên xung phong đường 1C “Trên chặng đường dây” trải lòng: “800 chiến sĩ thanh niên xung phong với 18 mùa chuyển hàng trên tuyến đường 1C, tôi từng theo sát các chiến sĩ thanh niên xung phong và viết: “Những tối dầm mình qua kênh Vĩnh Tế/Những đêm lặn lội vượt Đông Hồ” mà vẫn chưa thể hiện hết những vất vả, hy sinh của các chị em. Có hơn 400 người con gái tuổi từ 18-25 nằm lại trên tuyến đường này; trong đó có 13 người hy sinh trên đồi Tức Dụp, 18 người hy sinh ở vàm kênh Chiến Thắng (Hòn Đất)”.

Trong chiến tranh con kênh Vĩnh Tế không chỉ là nơi tuyến đường 1C đi qua mà còn ghi dấu biết bao cuộc đời tươi trẻ của lực lượng thanh niên xung phong; còn đâu đó trong lòng đất 361 chiến sĩ thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường này vẫn chưa tìm được hài cốt.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của lực lượng thanh niên xung phong, Tỉnh đoàn Kiên Giang xây dựng bia tưởng niệm thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C tại xã Vĩnh Điều (Giang Thành). Nơi đây nhiều chiến sĩ thanh niên xung phong tuyến đường 1C còn nằm lại và đây còn là điểm tập kết hàng để chuyển về các chiến trường Khu 9.

Bia tưởng niệm mang hình dáng con tàu lướt về phía trước, là biểu tượng của những con tàu chuyên chở vũ khí, hàng quân sự từ hậu phương lớn miền Bắc vào miền Nam bằng đường Hồ Chí Minh trên biển, tập kết ở rừng miền Đông Nam bộ. Từng cung đường thấm mồ hôi và máu của tuổi trẻ. Mặt bia khắc họa hình ảnh những người con gái, con trai lưng mang, vai vác, tay chèo xuồng băng về phía trước; vai bỏng rộp, chân tóe máu mà vẫn hát, vẫn cười. Tiếng hát của các anh chị còn vang vọng trên kênh Vĩnh Tế, trong rừng tràm Mỹ Lâm, giữa đồng nước nổi vàng bông điên điển Mỹ Hiệp Sơn.

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Đường 1C hôm qua và hôm nay” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tháng 10-2023, Bí thư Trung ương đoàn Nguyễn Tường Lâm cho biết: “Hàng trăm trận đánh, hàng ngàn câu chuyện của các cô chú góp phần tô thắm cho trang sử vẻ vang của dân tộc, tiếp lửa cho thế hệ thanh niên hôm nay tiếp tục rèn luyện, phấn đấu để cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước phồn vinh, giàu mạnh”.

THANH XUÂN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/trong-tinh/co-mot-tuyen-duong-1c-huyen-thoai-19026.html