Có một thư viện đặc biệt lưu giữ ký ức về Hà Nội

Nằm trong con ngõ nhỏ xóm Hạ Hồi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Viện Viễn đông Bác Cổ là 'địa chỉ văn hóa' của nhiều thế hệ độc giả Hà Nội. Có những độc giả cao tuổi đã từng gắn bó với thư viện gần cả cuộc đời.

Các cuốn sách được sắp xếp ngăn nắp trở thành nguồn tư liệu quý của độc giả.

Với tiền thân từ Thư viện Học viện Viễn đông Bác Cổ, thành lập năm 1900, từng được coi là Trung tâm Đông phương học lớn nhất Đông Nam Á. Trải qua hơn 120 năm lịch sử, đến nay Viện Viễn đông Bác Cổ vẫn là điểm đến yêu thích của nhiều thế hệ độc giả Hà Nội. Không tấp nập, xô bồ như bao thư viện khác, Viện Viễn đông Bác Cổ thường xuyên đón tiếp những độc giả cao tuổi, đặc biệt là các nhà nghiên cứu văn hóa, di sản Hà Nội.

Bước vào bên trong Viện Viễn đông Bác Cổ là một không gian thu nhỏ, có phần chật hẹp với hơn 1 vạn cuốn sách được sắp xếp theo từng chủ đề chuyên ngành chuyên biệt. Nhiều cuốn sách có tuổi đời hơn 100 năm tuổi, sờn gáy được độc giả yêu thích tìm đọc. Có những cuốn sách về Hà Nội được viết bằng tiếng Pháp và tiếng Việt.

Trong không gian trầm tĩnh, độc giả say sưa đọc sách, cảm nhận quá khứ và hiện tại đan xen trong từng cuốn sách. Đối với nhiều độc giả, Viện Viễn đông Bác Cổ không chỉ là không gian đọc sách thường thấy mà trở thành nơi bổ sung tư liệu mà các nhà nghiên cứu chưa có.

Ngoài những cuốn sách về văn hóa, khoa học xã hội, điểm hấp dẫn độc giả là khu sách về Hà Nội với hàng trăm đầu sách. Trong tủ kính trong suốt, các cuốn sách về Hà Nội xưa và nay được hiện diện với nhiều chủ đề khác nhau. Phải kể đến là các cuốn sách được tác giả người Pháp xuất bản đầu thập niên 20 của thế kỷ trước.

Theo chia sẻ của thủ thư Nguyễn Văn Trường, người đã gắn bó gần 30 năm nay với Viện Viễn đông Bác Cổ, các cuốn sách được lưu giữ chính là nguồn tư liệu quý, nơi những độc giả được giao lưu, tìm hiểu sự đa dạng của nền văn hóa Đông Dương.

Bên cạnh nhiệm vụ của người thủ thư giới thiệu sách, phục vụ độc giả, ông Nguyễn Văn Trường còn kể câu chuyện thú vị qua mỗi cuốn sách. Vốn yêu thích văn hóa, lịch sử, đam mê sách nên ông Nguyễn Văn Trường sẵn lòng giải đáp các câu hỏi về lịch sử của độc giả. Đây là điều khác biệt so với các thư viện truyền thống khác.

Vì thế, không lạ khi thư viện còn là nơi trao đổi sách, nơi những ký giả, tác giả, nhà nghiên cứu tặng lại cho Viện Viễn đông Bác Cổ những cuốn sách hay, làm dày thêm nguồn tư liệu quý.

Đối với ông Nguyễn Văn Trường, công việc của một thủ thư không hề nhàn rỗi, những lúc vắng khách ông thường tranh thủ làm nhiệm vụ cập nhật cuốn sách cũ, mới trên nền tảng không gian số. Hoạt động này trở thành nhịp cầu kết nối văn hóa Việt Nam và thế giới.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/co-mot-thu-vien-dac-biet-luu-giu-ky-uc-ve-ha-noi-342542.html