Có một Quảng Trị trên cao nguyên

Huyện Đạ Tẻh cách TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng khoảng 180 km về phía Nam. Đây là nơi sinh sống của những người con từ mảnh đất nắng gió Quảng Trị vào lập nghiệp từ những năm 80 của thế kỷ XX. Hiện tại huyện Đạ Tẻh có 2 xã Quảng Trị và Triệu Hải, là nơi có đông người dân gốc Quảng Trị sinh sống. Theo kế hoạch, đầu năm 2024, hai xã sẽ tiến hành sáp nhập và lấy tên là xã Quảng Trị.

Công viên xã Quảng Trị, nơi vui chơi, giải trí của người Quảng Trị - Ảnh: B.Đ.T

Công viên xã Quảng Trị, nơi vui chơi, giải trí của người Quảng Trị - Ảnh: B.Đ.T

Ra đi mang theo nỗi nhớ

Là một phóng viên thường trú địa bàn phía Nam của Báo Lâm Đồng (văn phòng thường trú đặt tại TP. Bảo Lộc) nên tôi thường xuyên xuôi về huyện Đạ Tẻh để tác nghiệp. Lần đầu tiên đến với mảnh đất phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, vào xã Quảng Trị và Triệu Hải, tôi ngỡ ngàng vì từ phong cảnh, kiến trúc nhà cửa, giọng nói không khác gì quê mình.

Người tôi hay gặp là anh Đặng Sĩ Tín, Chủ tịch UBND xã Quảng Trị và anh Nguyễn Công Thỉ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Triệu Hải. Hai anh rất nhiệt tình trong công việc và chia sẻ nhiều về quê hương. Vì nói chung chúng tôi đều là đồng hương Triệu Phong, Quảng Trị nên cũng có thời gian tâm sự lâu hơn.

Anh Tín và anh Thỉ cho biết, đa phần cư dân của hai xã là người của huyện Triệu Phong và Hải Lăng đi kinh tế mới vào đất này lập nghiệp. Bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp, buôn bán nhỏ; các phong tục, tập quán ở quê cũ đều được giữ gìn và phát huy.

Ngày trước, khi mới vào, những cư dân Quảng Trị đầu tiên lập nghiệp ở vùng đồi huyện Đạ Huoai, cách huyện Đạ Tẻh chừng 20 km song do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác biệt nên lại phải một lần nữa đi tìm “đất mới”. Cuối cùng, họ đã chọn vùng đất Đạ Tẻh ngày nay để sinh sống, lập nghiệp.

Đặc biệt, mọi người ở hai xã đều nói đặc sệt giọng Quảng Trị, dù là thế hệ trẻ sinh ra sau này, họ vẫn dùng phương ngữ địa phương. Tuyệt đối không pha lẫn âm sắc của các địa phương, vùng miền khác.

Một hôm, tôi hỏi chuyện một phụ nữ địa phương về sản xuất nông nghiệp:

- Thưa chị, năm nay tình hình gia đình sản xuất nông nghiệp như thế nào ạ?

Chị trả lời:

- Năm ni ló má được mùa rứa chú nờ, nuôi thêm heo ca (lợn), gà, vịt nên cũng đủ ăn.

“Bắt” được giọng quê miềng Quảng Trị, tôi thở phào:

- Rứa bữa chừ chị ra ngoài quê khôông?

Chị mừng:

- Mi ở mô?

Tôi đáp:

- Dạ em ở Quảng Trị.

Đang phơi lúa ở giữa sân, chị gọi với vào trong nhà:

- Ôông mi ơi, chú ni ở Quảng Trị, ngoài quê luôn. Đi, đi, vô nhà nói chuyện, trời chi mà nắng dữ dằn, dữ tợn.

Những người con Quảng Trị xa quê luôn có một niềm mong mỏi, nhớ thương quê hương. Họ luôn cảm thấy thân thiết và nhận nhau là bà con. Nhiều người rất hay về quê hương và cho con cái theo cùng mỗi dịp lễ, tết, giỗ chạp, làm lăng mộ...

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đạ Tẻh Trương Thái Anh Quốc với ngôi nhà được ví là “bảo tàng nông cụ Quảng Trị” trên cao nguyên - Ảnh: B.Đ.T

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đạ Tẻh Trương Thái Anh Quốc với ngôi nhà được ví là “bảo tàng nông cụ Quảng Trị” trên cao nguyên - Ảnh: B.Đ.T

Thuở ấy, những người con Quảng Trị vào Đạ Tẻh lập nghiệp với bao nhiêu nỗi niềm da diết nhớ quê hương. Họ mang theo tiếng nói, mang theo điệu hát, câu hò, mang theo tấm lòng của những người xa quê và cũng không quên mang theo những hạt giống mai vàng là sứ giả báo hiệu mùa xuân về.

Tôi đã nhiều lần về với huyện Đạ Tẻh nhưng mỗi dịp tết đến, xuân về lại háo hức hơn cả. Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và NTM kiểu mẫu, diện mạo nông thôn đã thay đổi rõ rệt. Điều dễ nhận thấy nhất ở đây chính là những tuyến đường hoa mà không dễ gì nơi nào có được, đặc biệt hơn là mai vàng khắp ngõ ở hai xã Quảng Trị và Triệu Hải.

Ông Trần Đăng Trung, ở Thôn 2, xã Quảng Trị là một người trồng mai khá nổi tiếng. Sự nổi tiếng của ông thể hiện ở số gốc mai vàng ông trồng từ trước đến nay đã lên đến vài trăm gốc. Cây mai cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình ông để nuôi ba người con ăn học.

Là người gốc ở xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, ngày đi kinh tế mới vào vùng đất này, “báu vật” mà ông mang theo chính là một số hạt giống mai vàng đất miền Trung gió Lào nắng cháy. Minh chứng rõ ràng nhất là hàng mai vàng trước nhà ông có tuổi đời trên 30 năm, rồi từ hàng mai ấy, ông đã nhân giống, chăm sóc để có một vườn mai đáng giá.

Đang chăm sóc mai, ông Trung bồi hồi nhớ lại: “Ngày xa Quảng Trị, tau hái theo một đùm mai giống, răng mà hạp khí hậu tề, trồng mô lên nấy. Chừ đó, cả 200 cây đầy hoa, nhờ bán hắn mà có tiền nuôi con cái, mần nhà”.

Tình quê da diết lắm ai ơi!

Ngôi nhà nhỏ được ông Trương Thái Anh Quốc (sinh năm 1959), nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đạ Tẻh, hiện đang sinh sống tại TDP 5B, thị trấn Đạ Tẻh sắp xếp, bố trí như một “bảo tàng” các nông cụ xưa cũ của làng quê Quảng Trị. Từng có thời gian công tác ở ngành văn hóa - thông tin của huyện, những tháng ngày thanh xuân ông đã đau đáu niềm mơ ước lưu giữ niềm quê Quảng Trị với các nông cụ. Đi, được đi; những chuyến công tác, những chuyến về thăm quê ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, ông đều bỏ công sức, thời gian, tiền bạc để sưu tầm.

Ông Quốc tâm sự: “Mỗi người trong ta đều có một quê hương, một nỗi nhớ da diết làng quê Việt Nam thanh bình, nơi mồ hôi của cha ông ta đã bao đời “thánh thót như mưa ruộng cày” để những bông lúa nặng hạt, những ruộng đồng ngô, khoai xanh ngát một màu. “Ôn cố tri ân” là suy nghĩ của cá nhân tôi, nghĩa là nhớ những cái xưa cũ để cám ơn cha ông đã dày sức gầy dựng nên ngày hôm nay; đã nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng ta nên người, làm việc có ích cho xã hội”.

Ngôi nhà hoài niệm của ông có rất nhiều nông cụ của ruộng đồng, làng quê Quảng Trị và nhiều vùng miền khác. Như cày chìa vôi, cày số 51, gàu tát nước, cái hái gặt lúa, cối xay lúa, máy dên lúa, xe đạp nước, bừa răng, nơm bắt cá, giỏ đựng cá, cào chắt chắt (cào hến) và nhiều vật dụng liên quan đến đời sống của cư dân là nón lá, đèn măng xông, trái bầu đựng rượu...

Không chỉ sưu tầm, là một người từng làm công tác văn hóa nên ông rất am hiểu và giải thích tường tận về gốc tích, công dụng của từng loại nông cụ, sự khác biệt nông cụ giữa các vùng, miền.

Điển hình như cày số 51 dùng để cày ruộng nước, cày có lưỡi được nông dân ta làm lệch tâm để khi cày từng thớ đất của ruộng lúa nước sẽ lật ngược lại, cỏ dại bị lấp, đất mới nổi lên. Cày chìa vôi là một loại cày dùng để cày đất khô trồng khoai, sắn... cày có lưỡi thẳng nên khi cày đất sẽ dồn ra hai bên, tạo thành những luống đất dày dặn, tạo cho cây trồng có môi trường để sinh trưởng, phát triển và hình thành củ từ rễ phình to ra.

Hay quá trình để tạo thành hạt gạo được ông Trương Thái Anh Quốc sưu tầm thành một câu chuyện qua các nông cụ ở ngôi nhà của mình. Trên ruộng đồng Quảng Trị, nông dân ta sử dụng cày 51 để lật giở từng thớ đất, dùng bừa làm cho đất tơi xốp kết hợp làm sạch cỏ dại; gieo hạt đến ngày bông lúa cúi mặt rồi dùng hái để gặt lúa. Lúa được đập lấy hạt sau đó phơi khô, dùng máy dên lúa (máy tách hạt lúa đạt chuẩn và lúa lép, lúa non chạy bằng sức gió).

Hạt lúa sau đó được dùng cối xay lúa để tách vỏ và hạt, rồi nông dân sử dụng mẹt dên lúa để phân loại những hạt gạo chuẩn và hạt bị sứt mẻ. Và những nông cụ để làm ra hạt lúa ngọc ngà đang được lưu giữ ký ức tại ngôi nhà đầy hoài niệm của ông Trương Thái Anh Quốc.

Ngoài niềm vui sưu tầm nông cụ, ông Quốc còn có một niềm đam mê cháy bỏng với hội họa. Hiện bức tranh ông tự vẽ và treo trang trọng ở vị trí giữa nhà chính là bức Cầu phao Triệu Độ.

Ai trong chúng ta cũng đều có một quê hương để thương nhớ. Những người gốc Quảng Trị ở tỉnh Lâm Đồng nói chung và xã Quảng Trị, xã Triệu Hải nói riêng luôn đau đáu về miền quê một thời đạn bom, anh hùng trong chiến đấu và xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, mỗi lần ghé về mảnh đất phía Nam tỉnh Lâm Đồng này, trong tôi luôn cảm thấy “có một Quảng Trị trên cao nguyên” và thường được gửi gắm rằng Tết này có về cho gửi lời hỏi thăm quê hương thương nhớ...

Bùi Đức Tú

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-su-ghi-chep/co-mot-quang-tri-tren-cao-nguyen/182492.htm