Có một nơi ngân vang tiếng đờn

Không phải người chơi đờn chuyên nghiệp, cũng không phải tài tử, anh Lương Thành Bờ (ấp Đình, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) gắn bó với từng cung đàn theo một cách khác - làm ra những cây đờn để người chơi thỏa mãn đam mê. Anh cũng biết rao các loại đờn. Với anh, biết rao để cảm âm và thẩm định sản phẩm mình làm ra đã đến 'độ chín' hay chưa.

1. Khi anh say sưa kể về từng loại nhạc cụ với khách đến nhà tham quan thì vợ anh - chị Đỗ Thị Phê ngồi cạnh bên, chốc chốc lại phụ họa thêm vài câu cho câu chuyện của chồng thêm phần sinh động. Chị Phê tự nhận mình là nông dân “rặt”, trước giờ chỉ quanh quẩn phụ chồng, không có khiếu nghệ thuật nhưng thấy chồng đam mê với nghề làm đờn, chị cũng học thêm đôi chút. Chị cũng biết ca. Mỗi khi ngẫu hứng, anh chơi đờn, chị ca cho vui cửa vui nhà. Những lúc anh thử đờn, thẩm âm, chị cũng hòa vài lời ca. Vậy thôi cũng đủ tạo nên niềm vui, cảm hứng để vợ chồng chị tiếp tục một ngày làm việc.

“Nghề làm đờn thu nhập không cao nhưng cũng đủ sống, không phải chật vật. Cái chính là mình yêu thích và sống hết mình với nghề. Đến với nghề làm đờn tròm trèm cũng 40 năm nhưng chưa bao giờ anh ấy có ý định bỏ nghề bởi niềm đam mê đó đã trở thành máu thịt của anh” - chị Đỗ Thị Phê chia sẻ.

Anh Lương Thành Bờ biết rao hầu hết các loại đờn do mình làm ra để thẩm âm trước khi giao cho khách hàng

Anh Lương Thành Bờ bén duyên với nghề làm đờn khi mới 16 tuổi. Khi đó, chàng thanh niên rời vùng quê nghèo lên TP.HCM tìm học một cái nghề làm kế sinh nhai. Rồi cơ duyên đưa anh đến với nghề làm đờn. Ban đầu chỉ là phụ người dượng lúc rảnh rỗi, dần dần, niềm đam mê từ dượng truyền sang anh lúc nào không hay. Vậy là, anh gắn bó đến tận bây giờ. Sau khi thạo nghề, nhiều người khuyên nên ở lại thành phố mới có “đất dụng võ” nhưng anh lại quyết định về quê bởi anh yêu cuộc sống bình dị ở quê nhà.

Bén nghề, rèn nghề gần 40 năm nay, anh Lương Thành Bờ có thể làm được nhiều loại nhạc cụ nhưng anh ưu tiên làm nhạc cụ dân tộc. Hiện cơ sở của anh sản xuất nhiều nhất 10 loại nhạc cụ dân tộc: Đờn kìm, sến, tranh, tì bà, cò, gáo, tam, đáy, đoản, bầu.

2. Căn nhà đơn sơ nằm nép mình bên khu chợ nhỏ của gia đình anh Thành Bờ bao năm nay vẫn vậy. Anh chị chưa có ý định sửa lại nhà bởi bao nhiêu vốn liếng đều dành hết để mua gỗ làm đờn. Để có được những khối gỗ như ý, cứ vài ba tháng, anh lại đến tỉnh Bình Thuận, An Giang tìm mua. Gỗ sử dụng làm đờn phải là gỗ khô, đạt chuẩn. Khi đã chọn được gỗ như ý, anh mang về bỏ vào phuy nước, nấu bằng củi suốt một ngày, sau đó đem ra phơi nắng một tuần.

Tất cả công đoạn đều được làm thủ công. Anh Lương Thành Bờ giải thích thêm: “Chất lượng gỗ quyết định phần lớn đến cây đờn. Nhiều người vẫn nghĩ đờn thanh hay không là do dây đờn nhưng thật ra phần gỗ mới quyết định đến chất lượng sản phẩm, nhất là phần mặt đờn và đáy đờn. Tôi thường tự tay lựa gỗ, nghe chỗ nào có gỗ tốt là tìm đến. Từ khâu luộc, sấy, phơi gỗ, tôi đều đảm nhận hết. Vậy mới yên tâm!”.

Để hoàn thành một cây đờn, anh Thành Bờ đảm nhận 2/3 công đoạn, 1/3 còn lại, anh giao cho thợ làm. Hiện có 2 người thợ tại xã Tân Chánh giúp anh những công đoạn này. “Thu nhập không cao nhưng cũng đủ để anh em trang trải cuộc sống. 2 người thợ phụ, mỗi người có thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng. Những lúc ít hàng hoặc hàng không gấp, họ có thể tranh thủ làm thêm việc đồng áng trong gia đình” - anh Thành Bờ cho biết thêm. Điều vui nhất là 3 năm trở lại đây, gia đình anh có đơn hàng ổn định từ một cơ sở bán đờn cung cấp cho Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ.

Không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, anh vui vì sản phẩm của mình làm ra được các thầy, cô, sinh viên của trường tin tưởng lựa chọn. Với anh, mọi việc đến như một cái duyên gắn kết những người yêu thích âm nhạc dân tộc.

Theo yêu của cầu khách hàng, có những sản phẩm anh phải đặt chạm trổ tỉ mỉ

3. Miệt mài gắn bó với nghề, anh chẳng mong mình được công nhận hay được nhiều người biết đến bởi với anh, “làm vì thích và cảm thấy vui thôi!”. Thế nên, danh hiệu Nghệ nhân ưu tú là một kỷ niệm ghi nhận sự đóng góp của anh cho loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử chứ không phải là tất cả niềm tự hào. Anh tự hào hơn khi những sản phẩm làm ra được nhiều người đón nhận, nhất là khi được khách hàng từ một số nước tìm hiểu, đặt mua.

Anh Thành Bờ còn được nhiều người biết đến với cây đờn tranh 29 dây. Đờn tranh thường có 16 dây, sau này được cải tiến lên 17, 21, 25 dây. Số dây càng nhiều đòi hỏi người chơi phải điêu luyện và đạt trình độ thẩm âm nhất định để có thể nhận ra sự khác biệt trong âm vực của từng dây. Cái hay của anh là làm cây đờn 29 dây nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng ban đầu của đờn tranh.

Anh có con trai 14 tuổi và mong muốn sau này được truyền nghề cho con. Nói vậy thôi chứ anh không ép con bởi anh biết phải có đam mê thì mới đảm nhận được công việc này. “Nếu con muốn theo một nghề khác, tôi vẫn hết lòng ủng hộ nhưng thật lòng vẫn mong con giữ lấy nghề làm đờn. Hiện thằng bé đã phụ được tôi những công đoạn đơn giản và thấy cháu cũng yêu thích công việc” - anh Lương Thành Bờ chia sẻ.

Niềm đam mê các loại nhạc cụ dân tộc đã ngấm vào máu thịt nghệ nhân Lương Thành Bờ. Anh lấy cây đờn rao vài khúc rồi nhấp ngụm trà, say sưa kể về kỹ thuật ráp, lắp dây, thẩm âm,... Vợ anh ngồi cạnh bên khe khẽ cất lời ca, một khung cảnh bình yên đến lạ!./.

Tâm An

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/co-mot-noi-ngan-vang-tieng-don-a142780.html