Có một hòn ngọc ẩn mình nơi vùng biển bạc Kiên Giang

Hiện diện nơi đầu sóng ngọn gió miền Tây Nam Tổ quốc, Hòn Đốc không những ngày càng lớn mạnh nhờ khai thác tiềm năng du lịch, mà còn đóng vai trò chiến lược bảo vệ biên giới biển đảo đất nước.

Đảo Hòn Đốc có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, nằm gần đường biên giới trên biển giữa Việt Nam và Campuchia. (Nguồn: Báo An Giang)

Hòn Đốc là đảo có diện tích lớn nhất nằm trong quần đảo hải tặc trên biển Tây Nam, thuộc xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, Kiên Giang. Nằm gần với đường biên giới trên biển giữa Việt Nam và Campuchia, vốn tập trung nhiều tuyến hàng hải thương mại quan trọng, lại có địa hình hiểm trở, nên khu vực này vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII diễn ra hoạt động cướp biển, thường xuyên mai phục và tấn công tàu buôn qua lại.

Cái tên quần đảo hải tặc từ đấy hình thành nên. Tương truyền, cướp biển sau khi chiếm tàu buôn thường đem lợi phẩm, hàng hóa về đảo Hòn Đốc ăn chia và chôn cất, làm người dân truyền miệng nhau về kho báu mà đám cướp để lại.

Dù nằm xa đất liền, giao thông khó khăn, Hòn Đốc được bù đắp bằng vẻ đẹp hoang sơ mà không phải vùng biển nào cũng có được. Quanh đảo, cát trắng phẳng lỳ và mặt nước xanh thẳm như gương. Màu đen của đá, màu xanh thẫm của biển và cả tiếng ầm ào của con sóng bạc đầu hằn sâu trong tâm thức của người dân và du khách thập phương.

Hòn Đốc thuộc vùng biển Tây Nam, hưởng khí hậu ấm áp quanh năm, tạo thuận lợi cho du khách tham quan và trải nghiệm vào bất kỳ thời điểm nào, nhưng lý tưởng nhất là mùa khô vì biển khá êm, không có sóng lớn. Không giống như Phú Quốc hay Nam Du, du lịch ở đảo Hòn Đốc vẫn rất hoang sơ. Do đó, khách du lịch phần lớn là tự túc, đi theo kiểu tự tìm đến khám phá chứ dịch vụ du lịch chuyên nghiệp chưa khai thác mạnh nơi này.

Hòn Đốc thu hút nhiều du khách nhờ khí hậu lý tưởng, ấm áp quanh năm, cũng như môi trường trong lành, thân thiện với sức khỏe. (Nguồn: Báo An Giang)

Người dân đất đảo được biển vàng hậu đãi nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, nên từ bao đời nay, ngư dân sống nhờ vào nguồn tài nguyên này. Du khách đến đảo mỗi dịp sáng sớm, vào giờ thuyền về bến, có thể xuống thuyền mua tôm, mực, nhum, nghêu, các loại cá, với giá rất rẻ và nhờ người dân chế biến giúp, hoặc có thể “nướng mọi” bên bờ biển và thưởng thức tại chỗ.

Tại Hòn Đốc, phương tiện di chuyển phổ biến nhất là xe đạp và xe ôm. Ngoài việc thuê xe ôm chạy vòng quanh đảo, với bác tài kiêm luôn hướng dẫn viên kể những câu chuyện về đảo, thì việc thuê xe đạp tự khám phá rừng và biển hết sức thú vị.

Ở Hòn Đốc chưa có dịch vụ lưu trú chuyên nghiệp như khách sạn hay nhà nghỉ, nên du khách có thể sử dụng dịch vụ homestay của người dân. Hiện nhiều gia đình ở Hòn Đốc tự xây phòng trọ, chủ yếu cho khách du lịch thuê và nhận làm các dịch vụ liên quan đến lưu trú, ăn uống, du lịch như cho thuê thuyền đi khám phá các đảo xung quanh, đi câu mực đêm theo chuyến, cho thuê xe đạp, xe máy khám phá đảo.

Phía Tây đảo Hòn Đốc lưu giữ cột mốc chủ quyền từ năm 1958, qua đó củng cố thêm bằng chứng lịch về chủ quyền biên giới biển, đảo của Tổ quốc. (Nguồn: Báo An Giang)

Không chỉ vậy, Hòn Đốc còn là một trong những vành đai then chốt của hệ thống tuyến đảo ven bờ vùng biển Tây Nam Tổ quốc. Nơi mốc giới thiêng liêng của đất nước, gần 500 hộ dân kiên định bám biển, xây dựng kinh tế với niềm tự hào về biển đảo quê hương.

Cột mốc chủ quyền nằm ở phía Tây đảo Hòn Đốc, xây dựng từ năm 1958. Đây là bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền quốc gia và biên giới biển, đảo Tổ quốc. Thời gian đã làm màu mực ghi trên mốc giới nhạt phai, nhưng bất cứ ai đến nơi này đều không khỏi tự hào, thêm yêu biển đảo quê mình.

Hòn Đốc đang từng ngày thay da đổi thịt, ý chí, nghị lực kiên cường của các thế hệ cư dân nơi đầu sóng, ngọn gió đã làm nên diện mạo một xã đảo sung túc. Hôm nay, những thế hệ tiếp nối trên xã đảo này đang cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng cuộc sống ngày càng giàu đẹp, trở thành một ngư trường sôi động của vùng biển bạc Kiên Giang.

Xuân Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-mot-hon-ngoc-an-minh-noi-vung-bien-bac-kien-giang-257971.html