Có một Hoàng Cầm văn xuôi

Hoàng Cầm (1922 - 2010) không chỉ có 'Bên kia Sông Đuống', có 'Hội yếm bay' hay 'Cỏ Bồng thi', 'Chùa Hương', 'Mưa Thuận Thành'... (thơ) mà Hoàng Cầm còn có 'Kiều Loan', 'Hận Nam Quan', 'Lên đường' (kịch). Và, nếu thơ của Hoàng Cầm đã từng làm rung động hàng triệu con tim suốt hơn nửa thế kỷ qua; nếu kịch của ông từng 'làm nên bão táp trên sàn diễn và trong lòng khán giả' một thời... thì văn xuôi của ông (tập 'Văn xuôi Hoàng Cầm', do NXB Văn học và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành cuối năm 1999) dường như còn có sức hấp dẫn 'cộng hưởng' từ đời sống tâm lý sáng tạo của một người làm thơ và viết kịch.

Cuốn sách dày 320 trang, tập hợp 25 bài viết của tác giả trong khoảng từ 1973 đến 1997. Có thể tạm chia “Văn xuôi Hoàng Cầm” bao gồm các tiểu thể loại: Truyện, tự truyện, hồi ức, phê bình, ghi chép, thư từ. Điều đáng nói là: ở từng tiểu thể loại ấy, Hoàng Cầm đều thể hiện được ấn tượng khá rõ nét về những phương diện đa dạng của một bút lực tài hoa.

“Men đá vàng” là một truyện (nếu có thể được gọi như vậy) khá lạ - nhất là vào thời điểm ra đời của nó (1973). Câu chuyện được viết theo một “kết cấu lỏng”, kể về hành trình của một người trai trẻ khám phá nghệ thuật gốm Bát Tràng; không phải là những phân tích đặc tính lý hóa vật liệu mà qua thủ pháp hiện thực - huyền ảo, tác giả lôi cuốn người đọc vào thời gian mờ nhòe “không năm tháng” với hành tung của một số phận và tình người - cô Phong Kiều đi tìm chồng là Phù Du. Sự biến ảo mang tính huyền thoại của câu chuyện ngầm chứa trong cái lõi của nó là ca ngợi khổ công lựa chọn và chế tác, cũng như nghệ thuật tinh diệu của người dân xứ gốm nổi tiếng dân gian. Hơi văn Hoàng Cầm đậm đặc chất thơ, men đá vàng của gốm lấp lánh trong men đá vàng của văn; và dường như năng lượng thẩm mỹ cùng yếu tố tâm linh đã tạo nên “dòng chảy cảm xúc” thực sự quấn quyện và tươi xanh ở “Mở lối xưa về Kinh Bắc”, khi ông đặt bút khơi nguồn vào mạch văn hóa Luy Lâu, với những chấm phá đặc sắc về huyền thoại tiếng hát Trương Chi, Từ Thức gặp Tiên, sức quyến rũ mê hồn của lời ca quan họ hay những điệu lý huê tình... thì năng lượng đó như bỗng trào lên ngọn bút, không cưỡng được: “Ơi những con sông những triền núi, những gò cao, đồi thấp những bến những thuyền, những chùa chiền miếu mạo, đền đài, lăng tạ của đất Kinh Bắc cổ kính và thanh tao, một dáng mây về sớm, một con chim lẻ bạn sang chiều, đến cả một sợi cỏ may, một búp măng tre đều còn ứ đọng tinh hoa của nền văn hóa văn minh đồng bằng Bắc bộ”. Có lẽ Hoàng Cầm đã làm thơ và cũng viết văn xuôi bằng cảm hứng chủ đạo ấy xuyên suốt những “Sông Đuống bắt nguồn từ đâu”, “Tám nhịp tuần du”, “Nhớ lan man về cái đình”. Một đêm, giữa tòa soạn báo Quân Việt Bắc (do Nguyên Hồng chủ biên), bất thần được nghe tin quê mình “nơi nào dân bị tàn sát nhiều ít, ngôi chùa nào bị đại bác phá sập, ngôi đình nào chúng lập sở chỉ huy, làng nào đã lập tề, trường học nào bị đốt trụi” - nhất là cảnh tượng làng Hồ (Lạc Thổ) của ông trong những ngày chiến đấu ác liệt... thì Hoàng Cầm không ngủ được, “lòng ngổn ngang như bãi cỏ rối lút người... các âm thanh chèn lấn rối bốn bề, và trên bức vách, các hình thù ngả nghiêng theo ánh đèn sở lắt lay. Một lúc lâu thì những hình ảnh rõ nét nhất hiện lên bức vách, cứ như quay vòng nhường chỗ lẫn cho nhau. Quanh khuôn mặt dầu dãi của mẹ tôi, có các bộ mặt khác như đậu chênh vênh vào đấy: Vợ tôi, các con tôi... rồi thời gian như đẩy lùi các hình ảnh âm thanh về một quá khứ xa... rất xa, có lẽ về thời Luy Lâu, về thời Lý, Trần”. Đấy là khởi nguồn từ ý thức đến vô thức của lý do ra đời “Bên kia sông Đuống” hồi tháng 4.1948, mà kết quả của nó là một thi phẩm được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Cũng dường như luôn ám ảnh và được tiếp sức bởi mạch nguồn truyền thống, khi viết những bài thơ (được tập hợp trong “Về Kinh Bắc”), ông đã: “Chìm về một quê hương xa, có thực mà như ảo ảnh, là ảo ảnh mà tưởng như gần gũi đâu đây, cứ chập chờn năm tháng và bảng lảng trời mây, xanh mơ mong manh màu kỷ niệm...”. Nếu như trong “Sông Đuống bắt đầu từ đâu”, vô thức chỉ là yếu tố ban đầu gợi ra những câu thơ (giọng như hát, như than thở, như ru em) trong trẻo vang vọng trong đêm:

“Em ơi! Buồn làm chi

Anh đưa em về sông Đuống

Ngày xưa... cát trắng phẳng lì”

hoặc dẫn dắt toàn bộ cuộc tri ngộ âm dương bằng lời văng vẳng như từ thời nào xa xưa mà tác giả ghi lia lịa trong bóng tối mờ ở “Tám nhịp tuần du”: “Váy đình Bảng buông chùng cửa võng...”; thì trong “Nhớ lan man về cái đình”, ý thức và vô thức ấy lại hòa nhuyễn thành phương tiện đặc thù nhằm tái hiện một ký ức phong tục và sinh hoạt văn hóa đồng bằng sông Hồng xưa.

Có cảm giác Hoàng Cầm không phải viết văn mà điều khiển dòng tâm thức của mình chảy xoắn xuýt trên những trang chữ nghĩa. Ông hồi ức nhiều sự kiện quan trọng của đời sống văn nghệ Việt Nam những năm trước cách mạng tháng Tám 1945, trong kháng chiến chống Pháp và thời kỳ mới hòa bình trên miền Bắc. “Sau giờ viễn khách đi” là những nét phác họa khá ấn tượng của tác giả về đời sống “một thập kỷ khói lửa, máu và nước mắt”, “trong ánh sáng mờ tỏ của sân khấu” có nỗi niềm đau đáu của nhiều kịch tác gia muốn nói lên những tâm tư nguyện vọng của mình với đất nước, với dân tộc, nhưng “chỉ cần phì phào một hơi thở yêu nước, hoặc lóe lên một ý chí phản kháng bằng mũi kim thôi là bị cắt xén, thậm chí bị xóa sạch” (như các vở: “Kiều Loan”, “Hận Nam Quan”, “Lên đường” của Hoàng Cầm), vì thế họ đành phải mượn những đề tài lịch sử, dã sử, “có khi tận đẩu tận đâu ấy” rồi sáng tác và cho ra mắt nhằm gửi gắm chút ít tấm lòng một người dân nước Việt (vở “Cô Son” của Nguyễn Bính, “Bóng giai nhân” của Yến Lan, “Dương Quý Phi” của Thế Lữ...). Cũng là hồi ức, “Thép gang hòa quyện tình ca” và “Ngày trở về Hà Nội” là hai bài viết xúc động. Trong “Thép gang hòa quyện tình ca”, tác giả kể lại chuyện Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với màn quan họ trong đêm mừng công chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5.1954) với nhiều chi tiết cảm động, cung cấp cho người đọc những tư liệu quý hiếm và bổ ích không chỉ về kiến thức dân ca quan họ mà còn thể hiện vẻ đẹp giản dị và bản lĩnh anh hùng của một vị tướng trong đời thường, cùng với cách nhìn nhận, định hướng cho một nền nghệ thuật cách mạng. Cùng với “Thép gang hòa quyện tình ca”, “Ngày trở về Hà Nội” ghi lại không khí lịch sử náo nức của quân và dân ta trong những ngày hòa bình đầu tiên và cuộc diễu hành hoành tráng tiếp quản Thủ đô.

Bên cạnh những trang hồi ức lấp lánh về quá trình sáng tạo một số tác phẩm của mình, Hoàng Cầm còn viết “Múa sạp thấu lòng Tử Phác”, “Cái gì thúc đẩy thơ”, “Trầm tư trước linh cữu Trần Dần” - đó là những bài viết về chân dung văn nghệ sĩ bằng hữu với lòng trân trọng và cả sự tri âm sâu sắc. Đặc biệt, khi giới thiệu tác phẩm của các nhà thơ khác, Hoàng Cầm viết cẩn thận và kỹ lưỡng, dường như bao giờ ông cũng chỉ đưa ra nhận định sau khi đã đọc và lý giải, cắt nghĩa một cách khách quan. Chẳng hạn, trong bài “Nghĩ tản mạn trong Bóng chữ Lê Đạt”, trước hết ông tự nhận: “Tôi chỉ có chút ít kinh nghiệm, và không có khả năng phê bình, phân tích thật rạch ròi” và sau đó ông chia bài viết của mình thành các phần: “Khoái cảm”, “Phân vân” và “Thử đi sâu vào một bài thơ xuất sắc nhất trong Bóng chữ” rồi mới kết luận: “Tập thơ Bóng chữ là một cột mốc, có thể nói là mới, một dấu son trên đường thơ đầy khó khăn, gian khổ của Lê Đạt và có lẽ cũng là con đường gian truân của một số thi sĩ”. Hoặc trong bài “Núi xanh biển vắng” (nhân đọc bài thơ Biển vắng của Trịnh Thanh Sơn), sau khi tâm đắc từng câu một với tác giả bài thơ, ông viết: “Đọc kĩ bài thơ, riêng tôi lại thấy còn nhiều chữ thừa”. Ông chỉ ra từng chữ, rồi ở câu cuối bài thơ ông giữ nguyên và bình: “Anh / ngồi / rót / biển / vào / chai. Rót thế thì rót đến bao giờ mới hết hỡi thi nhân mắc nợ? Một nhịp suy tư sâu lắng bằng sáu từ, sáu âm đều đều mà bất tận. Câu kết thúc bất ngờ, sắc như nước, nặng như từng khối đá rơi, cả một trời biển cô đơn rót vào một chai lồng lộng có thể chỉ bằng cái chai rượu Lúa Mới là cùng nhưng thực sự là cái chai cao rộng chứa cả một thế giới nhớ nhung, quạnh quẽ của anh, lúc chiều đã tắt, tắt luôn cả hy vọng và ước mơ”. Dụng công, trọng thị và trình bày ý kiến một cách thấu tình đạt lý, khen hay chê đều rõ ràng, cộng với sự nhạy cảm và rung động tinh tế, những bài phê bình (về tác giả và tác phẩm) của Hoàng Cầm vì thế rất ấn tượng.

Cùng với thơ, văn xuôi của Hoàng Cầm cũng hàm chứa nhiều tiềm năng sáng tạo. Sinh động và rất riêng giọng điệu, khi đọc xong tập sách - xin phép dùng lại chữ của nhà thơ - đúng là thấy thực sự được “khoái cảm”! Và còn một “khoái cảm” nữa, ấy là khi đọc đến “Ba lá thư gầy” và “Thư cuối năm gửi con gái ở Mỹ” - Hoàng Cầm viết với thái độ thiết tha “phản tỉnh”, thể hiện những tâm trạng giằng co day dứt, lựa chọn lối sống để khẳng định nhân cách của một nghệ sĩ đa tài đa đoan - đó cũng là những “khế ước” đáng kính cho những trang viết của ông.

TS Nguyễn Trọng Hoàn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/co-mot-hoang-cam-van-xuoi-676674.bld