Có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử

Hiện tại, có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ quy định cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Trong đó, ở khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia quy định cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia.

Đối với thuốc lá nung nóng, đã có ít nhất 18 quốc gia cấm (trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN gồm Capuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei).

Tại Việt Nam, số ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo của Bộ Y tế tổng hợp từ gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ, thuộc sở Y tế và trung tâm y tế huyện, chỉ tính riêng năm 2023, cả nước có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở lứa tuổi từ 65 tuổi trở lên với 580 ca, lứa tuổi từ 45-64 có 377 ca, lứa tuổi từ 25-44 có 138 ca, lứa tuổi từ 19-24 có 58 ca, lứa tuổi từ 16-18 có 44 ca và lứa tuổi dưới 16 tuổi có 27 ca.

Thuốc lá điện tử. Nguồn internet

Theo kết quả điều tra với học sinh tại 11 tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-17 tuổi tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Nhóm 13-15 tuổi tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023. Ở nữ giới tuổi 11-18, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3%.

Còn theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2020 đến quý I-2024, Công an cả nước phát hiện, xử lý 728 vụ/883 đối tượng liên quan đến thuốc lá thế hệ mới (trong đó khởi tố do phạm tội về ma túy 162 vụ/ 299 đối tượng; khởi tố về tội buôn lậu 2 vụ/2 đối tượng; còn lại xử lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. Ngược lại, bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử tăng nguy cơ sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc lá. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử cũng gây nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng tương tự thuốc lá thông thường. Trong thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, vì thế trẻ vị thành niên khi sử dụng có thể vật vã, khó chịu. Ngoài ra, thuốc lá điện tử và kể cả một số loại thuốc lá mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy.

Tại phiên giải trình do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức về trách nhiệm quản lý nhà nước với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào sáng 4-5, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhiều lần nhấn mạnh quan điểm "Bộ Y tế vẫn đề xuất cấm" thuốc lá điện tử và nhất quán từ trước đến nay. Trước mắt, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm tương tự. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá để bảo đảm tính thống nhất.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/co-it-nhat-39-quoc-gia-va-vung-lanh-tho-cam-hoan-toan-cac-san-pham-thuoc-la-dien-tu-post276500.html