Cơ hội từ nguồn nhân lực chất lượng cao

Thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra vào chiều 31-10, đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã có những ý kiến đóng góp về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và năng suất lao động cho đất nước.

Đại biểu Trần Văn Khải – Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam.

Theo đại biểu Trần Văn Khải, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong thời gian qua, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của nước ta đạt được những kết quả nhất định. Trong đó, nổi bật là Việt Nam đã xây dựng các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, các chuyên gia, lao động có trình độ chuyên môn cao bằng các chính sách tiền lương, thưởng, phúc lợi hấp dẫn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đã được quan tâm. Các tầng lớp doanh nhân giỏi, lao động có trình độ kỹ thuật cao xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội, đóng góp đáng kể cho sự phát triển của đất nước…

Chính nhờ sự đầu tư, quan tâm này mà trong giai đoạn vừa qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 6%/năm giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, thực trạng nguồn nhân lực và năng suất lao động ở nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Điều này thể hiện rõ qua đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về năng suất lao động của Việt Nam. Theo đó, năm 2022, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 12,2% mức năng suất lao động của Singapore, bằng 24,4% của Hàn Quốc, bằng 58,9% của Trung Quốc, bằng 63,9% của Thái Lan và bằng 94,2% của Philippines. Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng đánh giá năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.

Đó là thực trạng đáng buồn, cho thấy sự tụt hậu khá xa của Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới về năng suất lao động. Điều này đòi hỏi những giải pháp, chiến lược mang tính đột phá, tổng thể, khả thi hơn nữa để kéo giãn khoảng cách quá lớn về năng suất lao động hiện nay. Bởi theo đại biểu Trần Văn Khải: “Khi quan hệ kinh tế Việt - Mỹ được nâng cấp sẽ mở ra cơ hội lớn phát triển ngành sản xuất quan trọng, sản phẩm cốt lõi của công nghệ cao, sống còn của thế giới hiện đại như: chất bán dẫn, chíp, kim loại hiếm… Tuy nhiên, cho dù chúng ta thiện chí đến đâu, đầu tư hạ tầng, nhà xưởng sẵn sàng thế nào… mà chưa có “ổ lót” là lao động chất lượng cao, chuyên sâu, chuyển đổi và năng suất lao động không được cải thiện thì làm sao “đại bàng công nghệ hạ cánh đẻ trứng vàng” cho chúng ta”.

Tại Đồng Nai, công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động còn nhiều hạn chế đã và đang ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững. Đặc biệt, khi Đồng Nai đang là địa bàn triển khai nhiều dự án trọng điểm quốc gia, khu vực, yêu cầu về nguồn nhân lực càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Do đó, nếu không chuẩn bị tốt nguồn nhân lực chất lượng cao, Đồng Nai sẽ đánh mất nhiều cơ hội để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, hoàn thành được mục tiêu trở thành tỉnh phát triển toàn diện…

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202311/co-hoi-tu-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-e4b6a85/