Cơ hội thúc đẩy làn sóng FDI từ Mỹ

Dù là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam chỉ chiếm dưới 3% tổng vốn đầu tư, thị trường kỳ vọng sẽ có làn sóng đầu tư mới

Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của Quỹ Đầu tư VinaCapital, nhận định việc nâng tầm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam.

Kỳ vọng gia tăng tích cực

"Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Mỹ - quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới - hiện chỉ chiếm dưới 3% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, so với khoảng một nửa của Hàn Quốc và Nhật Bản. Vì vậy, kỳ vọng làn sóng đầu tư sắp tới của Mỹ vào Việt Nam, trong đó tập trung vào các ngành công nghệ cao, bao gồm cả các thiết bị bán dẫn, dựa trên nhiều thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden" - ông Michael Kokalari nói.

Ông John Campbell - Phó Giám đốc, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam - phân tích với thị trường Mỹ, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden và việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp mối quan hệ thì sự quan tâm của các nhà đầu tư đến từ thị trường này kỳ vọng sẽ gia tăng tích cực.

"Dù sự kiện này mới chỉ diễn ra cách đây khoảng hơn 1 tháng và đòi hỏi một thời gian nữa mới có thể thấy được những tác động rõ rệt nhưng vừa qua, Dịch vụ bất động sản Savills Việt Nam đã gặp rất nhiều nhà đầu tư Mỹ đến thăm các dự án tại Việt Nam. Trong đó, các ngành sản xuất, chế tạo và công nghệ điện tử chiếm đa số" - ông John Campbell nói.

Khu nghỉ dưỡng Sheraton Grand Danang Resort của nhà đầu tư Mỹ, ở quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng Ảnh: BÍCH VÂN

Trong ngắn hạn có thể chưa thấy rõ nhưng ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư của VinaCapital, đánh giá việc hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ sẽ có tác động rất lớn về lâu dài đến kinh tế trong nước nhờ tạo thêm niềm tin đối với các nhà đầu tư Mỹ.

Theo chuyên gia của VinaCapital, các nhà đầu tư Mỹ đang quan tâm đến công nghệ cao, chip bán dẫn, y tế, năng lượng sạch… Chip bán dẫn là lĩnh vực rất triển vọng, đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư từ Mỹ. Vừa rồi, một đoàn doanh nghiệp (DN) từ Đài Loan (Trung Quốc) - vốn là thị trường số 1 về đầu tư chip bán dẫn - đã qua Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư và liên hệ với Trường ĐH FPT để trao đổi về đào tạo nguồn nhân lực.

Giai đoạn đầu cần ít nhất khoảng 50.000 kỹ sư trong ngành chip bán dẫn. DN Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chip bán dẫn, dần dần sẽ tham gia vào chuỗi sản xuất của FDI. Chip bán dẫn ở Việt Nam vốn đã có nền tảng và một số DN cũng có chỗ đứng, nay sẽ càng có cơ hội phát triển.

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam

Chia sẻ tại chương trình Cà phê doanh nhân với chủ đề "Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ: Cơ hội nào cho DN?" mới đây, ông Trần Phước Anh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP HCM, cho biết việc nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ là dấu ấn lịch sử trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, nâng vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế; nâng cấp quan hệ về kinh tế, thương mại, đầu tư dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ đem lại cơ hội lớn cho DN.

Trong bối cảnh này, các DN Mỹ sẽ đánh giá tiềm năng, lợi thế và cơ hội khi đầu tư, làm ăn ở Việt Nam, từ đó thu hút dòng vốn đầu tư mới từ thị trường này. Những năm gần đây, Mỹ cũng chủ trương dịch chuyển dòng vốn sản xuất, đầu tư mà Việt Nam có cơ hội rất lớn đón nhận dòng vốn dịch chuyển này. Kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Mỹ đã nhảy vọt thời gian qua.

Đồ họa: CHI PHAN

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam, cũng phân tích việc nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa, dịch vụ mỗi nước.

Thúc đẩy hợp tác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy hợp tác hàng không theo nguyên tắc "Bầu trời mở". Mỹ cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam về sản xuất, phát triển hạ tầng vật chất, chuyển đổi năng lượng, tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và trên thế giới.

"Thuận lợi nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn, đòi hỏi các DN Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn. Như chuyện dịch chuyển sản xuất của các nhà đầu tư Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam thì cần chứng minh chúng ta là thị trường sản xuất, làm dịch vụ thật sự. Hay để thu hút dòng vốn đầu tư từ Mỹ thì cần chú trọng năng lượng sạch, sử dụng nguyên liệu tái chế, các tiêu chí không gây ô nhiễm môi trường..." - ông Thành nói.

Ông John Campbell cho rằng để thu hút nhà đầu tư Mỹ trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các nhà phát triển khu công nghiệp của Việt Nam nên tập trung vào các dịch vụ giá trị gia tăng và ưu đãi ngoài giá cả và giá thuê. Cụ thể là những dịch vụ gia nhập thị trường, hỗ trợ nhân sự và pháp lý, dịch vụ quản lý, sáng kiến bền vững và làm việc với các cơ quan bất động sản công nghiệp chuyên nghiệp.

"Yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ nhất của nền kinh tế đang phát triển là mức độ phức tạp trong sản xuất hàng hóa của quốc gia đó. Việt Nam đã tăng hạng trong chuỗi giá trị. Giá trị gia tăng của các ngành sản xuất ở Việt Nam không ngừng được nâng lên, thúc đẩy những tập đoàn lớn như Intel, Apple… sẵn sàng đầu tư thêm nhà máy ở Việt Nam. Nhưng để lan tỏa được dòng vốn đầu tư này nhiều hơn cho nền kinh tế, chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ cho nguồn nhân lực, học hỏi để chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu và phát triển" - ông Andy Ho nêu quan điểm.

Liên quan đến lo ngại thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) được áp dụng có thể tạo rào cản thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam, các chuyên gia của VinaCapital cho rằng không có cơ sở vì nhiều lý do như thị trường, tốc độ tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… Đồng thời, Việt Nam có thể sẽ đưa ra các ưu đãi khác nhằm bù đắp khả năng tăng thuế suất loại thuế này.

96 dự án cấp mới

Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong 10 tháng của năm 2023, các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam gần 513 triệu USD, với 96 dự án cấp mới, 22 dự án điều chỉnh tăng vốn. Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều DN đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư cho định hướng lựa chọn địa điểm để dịch chuyển việc sản xuất chip.

Ngày 27-10, ông John Neuffer - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ - đã làm việc với tỉnh Bắc Ninh, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Theo ông John Neuffer, Việt Nam là thị trường đặc biệt hấp dẫn trong hợp tác, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ sẽ tiếp tục tìm hiểu, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực này với Việt Nam. Việt Nam đã có một số kinh nghiệm trong công nghiệp bán dẫn và đây là tiền đề quan trọng để nhà đầu tư Mỹ tìm hiểu, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nhiều tiềm năng này.

Trước đó, ông Anthony Capuano - Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn Marriott (Mỹ) - cho biết Marriott dự kiến mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, hướng tới mở thêm 20 khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc... Chiều 25-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Anthony Capuano.

M.Chiến

THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/co-hoi-thuc-day-lan-song-fdi-tu-my-20231028213903568.htm